Cách làm tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu
Chuyển nhượng nhãn hiệu là việc chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác. Việc chuyển nhượng nhãn hiệu là một quá trình pháp lý phức tạp, đòi hỏi sự hiểu biết rõ ràng về các quy định hiện hành. Bài viết này sẽ hướng dẫn quý khách cách làm tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu để hoàn tất quá trình chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu.
Lợi ích của việc chuyển nhượng nhãn hiệu
Việc chuyển nhượng nhãn hiệu mang lại nhiều lợi ích cả cho bên chuyển nhượng và bên nhận nhượng. Dưới đây là một số lợi ích:
Đối với bên chuyển nhượng
Việc chuyển nhượng nhãn hiệu giúp doanh nghiệp thu về một khoản lợi nhuận đáng kể và bằng cách chuyển nhượng nhãn hiệu, doanh nghiệp có thể tập trung nguồn lực vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi, giảm thiểu rủi ro và tăng hiệu quả hoạt động.
Đối với bên nhận chuyển nhượng
Thay vì mất nhiều thời gian và công sức để xây dựng nhãn hiệu mới, việc mua lại nhãn hiệu có sẵn giúp doanh nghiệp nhanh chóng gia nhập thị trường và tạo sự uy tín, tận dụng mạng lưới khách hàng sẵn có để mở rộng thị trường, tăng cường năng lực cạnh tranh.
Hồ sơ chuyển nhượng nhãn hiệu
Theo Điều 58 Nghị định 65/2023/NDD-CP, hồ sơ chuyển nhượng nhãn hiệu bao gồm các tài liệu:
Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng theo mẫu số 01 tại phụ lục IV của Nghị định 65/2023/NĐ-CP;
Hợp đồng chuyển nhượng;
Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu;
Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, văn bản giải trình lý do không đồng ý của bất kỳ đồng chủ sở hữu nếu có;
Quy chế sử dụng nhãn hiệu của bên nhận chuyển nhượng nếu chuyển nhượng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận;
Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn của bên nhận chuyển nhượng đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận;
Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí;
Giấy ủy quyền nộp hồ sơ trong trường hợp nộp đơn thông qua đại diện.
Hướng dẫn cách làm tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu
Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu là mẫu số 01 ban hành kèm theo phụ lục IV Nghị định 65/2023/NĐ-CP, quý khách có thể tìm kiếm trên các trang web hoặc nhận từ Cục Sở hữu trí tuệ hoặc tải tại đây:
Khi làm tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu quý khách cần điền đầy đủ thông tin vào tờ khai bao gồm:
Tại mục 1: Thông tin người nộp đơn
Điền tên, địa chỉ, thông tin liên hệ của người nộp đơn. Người nộp đơn có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Nếu người nộp đơn là cá nhân thì ghi số căn cước công dân của người nộp đơn. Ghi rõ thông tin số điện thoại, email liên hệ nếu có để nhận thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ.
Tích chọn vào ô tương ứng để thể hiện rõ người nộp đơn là bên chuyển nhượng hay bên nhận chuyển nhượng trong đó: bên chuyển nhượng là chủ sở hữu hiện tại của nhãn hiệu, bên nhận chuyển nhượng là cá nhân hoặc tổ chức mà chủ sở hữu nhãn hiệu muốn chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu đó.
Tại mục 2: Thông tin đại diện của người nộp đơn
Điền tên, địa chỉ, thông tin liên hệ của đại diện người nộp đơn nếu ủy quyền.
Đại diện của người nộp đơn có thể là người đại diện theo pháp luật của người nộp đơn, hoặc tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được ủy quyền của người nộp đơn hoặc người khác được ủy quyền của người nộp đơn. Theo đó:
Người đại diện theo pháp luật của người nộp đơn là những người được quy định tại Điều 136, Điều 137 Bộ luật Dân sự 2015. Người đại diện theo pháp luật của cá nhân là cha mẹ đối với con chưa thành niên, người giám hộ, Tòa án chỉ định; Người đại diện pháp luật của pháp nhân là người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ, người có thẩm quyền đại diện theo pháp luật, người do tòa án chỉ định. Điều kiện để trở thành người đại diện theo pháp luật là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp, không bị treo mã số thuế, không nhất thiết phải là người góp vốn tại công ty.
Người khác được ủy quyền của người nộp đơn là những người không phải là người đại diện theo pháp luật của người nộp đơn hoặc tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.
Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp sẽ đại diện cho tổ chức, cá nhân trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền về xác lập và bảo đảm thực thi quyền sở hữu công nghiệp; tư vấn vấn đề liên quan cũng như các dịch vụ khác liên quan đến thủ tục xác lập và thực thi quyền sở hữu công nghiệp. Tổ chức đáp ứng các điều kiện là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam; Có chức năng hoạt động dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; Người đứng đầu tổ chức hoặc người được người đứng đầu tổ chức uỷ quyền phải đáp ứng các điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp. Bạn có thể tham khảo sử dụng dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp của Công ty luật Việt An. Công ty Luật Việt An đồng thời là Tổ chức Đại diện sở hữu trí tuệ Việt An được thành lập theo Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động số 01010266/TP/ĐKTP cấp năm 2007 của Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, Giấy chứng nhận hoạt động số 41.06.2504/TP/ĐKHĐ của Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh, Quyết định số: 1448/QĐ – SHTT cấp năm 2007 của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Tại mục 3: Đối tượng của hợp đồng
Người nộp đơn tích chọn đối tượng của hợp đồng là giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và ghi rõ số văn bằng bảo hộ.
Tại mục 4: Thông tin bên thứ hai của hợp đồng
Điền tên, địa chỉ, thông tin liên hệ của bên thứ hai trong hợp đồng không đứng tên người nộp đơn. Bên thứ hai trong hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu chính là bên còn lại của người nộp đơn. Nếu người nộp đơn là bên chuyển nhượng thì bên thứ hai là người nhận chuyển nhượng hoặc ngược lại.
Tại mục 5: Các loại phí, lệ phí
Tích chọn các loại phí, lệ phí phải nộp; số lượng đối tượng tính phí; ghi rõ số tiền phải nộp đối với từng loại phí, lệ phí; tổng số phí, lệ phí nộp theo đơn để thực hiện thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu.
Các loại phí, lệ phí có thể phải nộp bao gồm: Phí thẩm định đăng ký hợp đồng chuyển nhượng; Phí tra cứu trùng hoặc tương tự của cùng chủ sở hữu phục vụ việc thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng; Phí thẩm định đơn (trường hợp chuyển nhượng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận); Lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (trường hợp chuyển nhượng một phần danh mục hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu); Phí đăng bạ quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp; Phí công bố quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp. Trường hợp nộp hồ sơ qua bưu điện và chuyển khoản phí thì người nộp đơn cần ghi rõ số chứng từ để kiểm tra, đối chiếu hồ sơ.
Tại mục 6: Các tài liệu phải có trong đơn
Tích chọn các tài liệu có trong đơn bao gồm: tờ khai; hợp đồng chuyển nhượng; văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu nếu có; quy chế sử dụng nhãn hiệu, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của bên nhận chuyển nhượng; tài liệu chứng minh quyền nộp đơn của bên nhận chuyển nhượng đối với nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; văn bằng bảo hộ; văn bản ủy quyền; bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí; tài liệu khác nếu có.
Lưu ý:
Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu ghi rõ số trang;
Ghi rõ ngôn ngữ của hợp đồng chuyển nhượng, nếu hợp đồng tiếng nước ngoài phải dịch ra tiếng Việt, ghi rõ số trang của hợp đồng, hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai;
Ghi rõ ngôn ngữ của văn bản ủy quyền, nếu bằng tiếng nước ngoài phải dịch sang tiếng Việt;
Cần có quy chế sử dụng nhãn hiệu của bên nhận chuyển nhượng nếu chuyển nhượng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận.
Tại mục 7: Cam kết của người nộp đơn/ đại diện của người nộp đơn
Người nộp đơn/đại diện của người nộp đơn cam kết về thông tin trong tờ khai và tiến hành ký, họ tên.
Phí, lệ phí đăng ký chuyển nhượng nhãn hiệu quy định như thế nào?
Phí, lệ phí thực hiện đăng ký chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu được quy định tại Thông tư 263/2016/TT-BTC sẽ bao gồm các khoản sau:
Loại phí, lệ phí
Mức (VND)
Phí thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu/ 1 văn bằng
230.000
Phí công bố Quyết định chuyển nhượng quyền nhãn hiệu/ 1 quyết định
120.000
Phí thẩm định đơn/ mỗi đối tượng (trường hợp chuyển nhượng nhãn hiệu nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận)
550.000
Phí tra cứu trùng hoặc tương tự của cùng chủ sở hữu phục vụ việc thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng / 1 văn bằng
180.000
Lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (trường hợp chuyển nhượng một phần danh mục hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu)
120.000
Phí đăng bạ Quyết định chuyển nhượng quyền nhãn hiệu/ 1 văn bằng
120.000
Tổng (dự kiến)
1.320.000
Lưu ý, theo Thông tư 43/2024/TT-BTC, từ ngày từ ngày 01/07/2024 đến hết ngày 31/12/2024, nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, mức thu bằng 50% mức thu lệ phí theo Thông tư số 263/2016/TT-BTC trên.
Những lưu ý khi chuyển nhượng nhãn hiệu
Chuyển nhượng nhãn hiệu đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật, dưới đây là một số lưu ý quan trọng cần nắm rõ khi chuyển nhượng nhãn hiệu:
Nghiên cứu kỹ các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ về điều kiện, thủ tục và các hạn chế đối với việc chuyển nhượng nhãn hiệu;
Xác định rõ quyền sở hữu hợp pháp đối với nhãn hiệu, điều này đảm bảo quyền sở hữu được chuyển nhượng là hợp pháp.
Nhãn hiệu chuyển nhượng không được trùng hoặc tương tự với các nhãn hiệu còn lại của bên chuyển nhượng;
Hợp đồng chuyển nhượng phải ghi rõ các điều khoản như đối tượng chuyển nhượng, giá trị chuyển nhượng, quyền và nghĩa vụ của các bên;…
Thực hiện thủ tục chuyển nhượng đầy đủ theo quy định của pháp luật;
Tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia về sở hữu trí tuệ trước khi tiến hành thủ tục để đảm bảo quyền lợi của mình.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Việt An về cách làm tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu. Quý khách cần tư vấn hoặc sử dụng dịch vụ thực hiện thủ tục chuyển nhượng nhãn hiệu vui lòng liên hệ chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.