Cán bộ, công chức có thể nhận chuyển nhượng cổ phần công ty không?
Nhận chuyển nhượng cổ phần trong công ty là một hình thức phổ biến để các cá nhân, tổ chức trở thành một cổ đông của công ty cổ phần. Nhưng liệu có phải ai cũng được nhận chuyển nhượng cổ phần công ty, đặc biệt là cán bộ, công chức? Để giải đáp thắc mắc này, Công ty Luật Việt An sẽ tổng hợp các quy định liên quan trong bài viết dưới đây.
Cơ sở pháp lý
Luật Doanh nghiệp Việt Nam 2020;
Luật Cán bộ, công chức năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2019;
Luật Phòng, chống tham nhũng 2018;
Thông tư 25/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 111/2013/TT-BTC.
Cổ phần công ty là gì?
Cổ phần được phát hành bởi công ty cổ phần. Người sở hữu cổ phần sẽ trở thành cổ đông của công ty và phải chịu trách nhiệm hữu hạn với những khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số cổ phần mà cổ đông sở hữu.
Các loại cổ phần trong công ty cổ phần được quy định tại Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020, theo đó các loại cổ phần bao gồm:
Cổ phần phổ thông;
Cổ phần ưu đãi:
Cổ phần ưu đãi cổ tức;
Cổ phần ưu đãi hoàn lại;
Cổ phần ưu đãi biểu quyết;
Cổ phần ưu đãi khác.
Cổ phần phổ thông không thể chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi, nhưng cổ phần ưu đãi thì có thể chuyển thành cổ phần phổ thông. Việc chuyển cổ phần ưu đãi thành cổ phần phổ thông phải theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.
Khái quát về chuyển nhượng cổ phần
Nguyên tắc chuyển nhượng cổ phần
Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ các trường hợp sau:
Cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng tự do cho các cổ đông sáng lập khác và chỉ khi có được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông thì cổ đông sáng lập mới được chuyển nhượng cổ phần phổ thông sáng lập của mình cho cá nhân, tổ chức khác không phải là cổ đông sáng lập. Sự hạn chế này được diễn ra trong vòng 3 năm kể từ ngày công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp Việt Nam 2020).
Nếu Điều lệ công ty có quy định hạn chế về việc chuyển nhượng cổ phần, thì các cổ đông không được phép tự do chuyển nhượng cổ phần của mình (Khoản 1 Điều 127 Luật Doanh nghiệp Việt Nam 2020).
Phương thức chuyển nhượng cổ phần
Theo Khoản 2 Điều 127 Luật Doanh nghiệp Việt Nam 2020, có hai cách để chuyển nhượng cổ phần như sau:
Việc chuyển nhượng được thực hiện thông qua một hợp đồng chuyển nhượng. Giấy tờ chuyển nhượng phải được các bên ký một cách đầy đủ, việc ký vào giấy tờ chuyển nhượng có thể do bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng trực tiếp ký hoặc cứ người đại diện theo ủy quyền của họ ký;
Cổ phần được chuyển nhượng từ việc giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Cán bộ, công chức có thể nhận chuyển nhượng cổ phần công ty không?
Thế nào là cán bộ, công chức?
Theo quy định của Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 sửa đổi, bổ sung 2019, cán bộ, công chức có thể được hiểu như sau:
Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Những việc cán bộ, công chức không được làm
Những việc cán bộ, công chức không được làm đã được quy định tại Điều 18, 19, 20 Mục 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 sửa đổi, bổ sung 2019. Cụ thể như sau:
Những việc không được làm liên quan đến đạo đức công vụ:
Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao cho;
Sử dụng tài sản của Nhà nước và nhân dân trái các quy định của pháp luật;
Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn, sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi;
Phân biệt đối xử dưới mọi hình thức.
Những việc không được làm liên quan đến bí mật nhà nước:
Tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật nhà nước;
Sau khi có quyết định nghỉ hưu, trong vòng 5 năm, không được làm công việc có liên quan đến ngành, nghề có liên quan đến bí mật nhà nước như trước đây.
Những việc khác không được làm: những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng.
Quyền nhận chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần
Không có bất cứ quy định nào của luật cấm cán bộ, công chức nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần. Tức là, cán bộ, công chức có thể nhận chuyển nhượng cổ phần công ty. Do đó, cán bộ, công chức có thể nhận chuyển nhượng cổ phần công ty.
Tuy nhiên, trong trường hợp cán bộ, công chức là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong cơ quan nhà nước thì không được phép nhận chuyển nhượng vào công ty cổ phần. Lý do là bởi theo quy định tại khoản 4 Điều 20 Luật Phòng chống tham nhũng 2018, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước. Điều này cũng có thể được hiểu rằng, người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu không được nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty đang hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
Ngoài ra, khoản b Điều 20 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định rằng, người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được tham gia thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã.
Quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp Việt Nam 2020 về các tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam đã liệt kê cán bộ, công chức nằm trong các đối tượng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam (bao gồm cả công ty cổ phần).
Như vậy, có nghĩa là, tuy cán bộ, công chức được phép nhận chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần (trừ trường hợp cán bộ, công chức là cấp quản lý, lãnh đạo trong cơ quan nhà nước như người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu) nhưng sẽ không được phép thành lập doanh nghiệp và trở thành người quản lý trong các doanh nghiệp bao gồm cả loại hình công ty cổ phần.
Trình tự, thủ tục cán bộ, công chức nhận chuyển nhượng cổ phần phổ thông
Trình tự, thủ tục chuyển nhượng cổ phần phổ thông thông qua hợp đồng
Bước 1 (Chuẩn bị hợp đồng chuyển nhượng):
Các bên của hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cùng nhau đưa ra các điều khoản chung trong hợp đồng và chuẩn bị các giấy tờ cần thiết cho việc chuyển nhượng. Cả hợp đồng và các giấy tờ này được kết hợp để tạo ra hồ sơ chuyển nhượng.
Bước 2 (Ký hồ sơ chuyển nhượng trong nội bộ công ty):
Hồ sơ chuyển nhượng nội bộ trong công ty cổ phần gồm những giấy tờ sau:
Biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông;
Quyết định Đại hội đồng cổ đông;
Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần;
Biên bản thanh lý hợp đồng chuyển nhượng;
Bước 3 (Cập nhật thông tin cổ đông mới):
Sau khi hợp đồng chuyển nhượng được ký kết thành công, bên nhận chuyển nhượng sẽ trở thành cổ đông mới trong công ty cổ phần, do đó công ty cổ phần phải cập nhật thông tin của cổ đông mới nhận chuyển nhượng trong Sổ cổ đông công ty.
Bước 4 (Nộp hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhân của cá nhân chuyển nhượng cổ phần):
Nộp hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhân và đóng thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng cổ phần tại cơ quan quản lý thuế Doanh nghiệp (chi Cục thuế hoặc Cục thuế).
Trình tự, thủ tục chuyển nhượng cổ phần thông qua giao dịch trên sàn chứng khoán
Bước 1 (Niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán)
Trước khi tiến hành việc chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu của phần cổ phần đó cần được niêm yết trên sàn chứng khoán.
Bước 2 (Bên nhận chuyển nhượng cổ phần mua cổ phiếu đã được niêm yết)
Sau khi biết được giá của cổ phiếu, bên nhận chuyển nhượng tiến hành mua một số lượng cổ phiếu đã được niêm yết tùy thuộc vào khả năng tài chính cũng như nhu cầu của mình.
Bước 3 (Cập nhật thông tin cổ đông mới):
Sau khi giao dịch trên sàn chứng khoán được tiến hành thành công, bên nhận chuyển nhượng sẽ trở thành cổ đông mới trong công ty cổ phần, do đó công ty cổ phần phải cập nhật thông tin của cổ đông mới nhận chuyển nhượng trong Sổ cổ đông công ty.
Bước 4 (Nộp hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhân của cá nhân chuyển nhượng cổ phần):
Nộp hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhân và đóng thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng cổ phần tại cơ quan quản lý thuế Doanh nghiệp (chi Cục thuế hoặc Cục thuế). Do theo Điều 4 Thông tư 25/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điểm b Khoản 4 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC quy định rằng Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu của các cá nhân trong công ty cổ phần là khoản thu nhập phải chịu thuế.
Quý khách hàng có nhu cầu tìm hiểu thêm thông tin về chuyển nhượng cổ phần xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An qua điện thoại, Zalo hoặc gửi email để được chúng tôi hỗ trợ tốt nhất!