Cập nhật quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp tại Thông tư 06/2024/TT-BKHCN
Ngày 30/9/2024, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 06/2024/TT-BKHCN sửa đổi Thông tư 11/2015/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Đây là thông tin nhằm hướng dẫn những cập nhật mới trong lĩnh vực xử phạt sở hữu công nghiệp tại Nghị định 46/2024/NĐ-CP ngày 04/5/2024 sửa đổi Nghị định 99/2013/NĐ-CP. Điều này dẫn đến sự thay đổi trong Thông tư hướng dẫn – Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN. Vì vậy, Sau đây, Luật Việt An sẽ cập nhật quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp tại Thông tư 06/2024/TT-BKHCN.
Khái quát về Thông tư 06/2024/TT-BKHCN
Văn bản được sửa đổi sung: Thông tư 11/2015/TT-BKHCN.
Nội dung chính: Sửa đổi quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp
Ngày ban hành: 30/9/2024
Ngày có hiệu lực: 15/11/2024
Cơ quan ban hành: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
Sửa đổi bổ sung về hình thức xử phạt bổ sung
Liên quan đến hình thức xử phạt bổ sung “đình chỉ hoạt động”, một trong những điểm mới của Nghị định 46/2024/NĐ-CP sửa đổi Điểm c Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP từ “Đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 01 tháng đến 03 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành” thành “Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ từ 01 tháng đến 03 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành”.
Do đó, Thông tư 06/2024/TT-BKHCN đã sửa đổi quy định tại Thông tư 11/2015/TT-BKHCN về áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP như sau:
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính áp dụng biện pháp đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của tổ chức, cá nhân vi phạm theo nguyên tắc đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính.
Biện pháp đình chỉ toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của tổ chức, cá nhân vi phạm áp dụng đối với trường hợp toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ này liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính.
Sửa đổi bổ sung về áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính
Theo quy định mới tại Nghị định 46/2024/NĐ-CP, một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền bị xử phạt hành chính, đó là: Chiếm hữu, sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng với dụng ý xấu hoặc lợi dụng uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng nhằm thu lợi bất chính. Theo đó, hành vi này có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn hậu quả là “buộc trả lại tên miền” (trước đây Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định là “buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền”).
Nhằm hướng dẫn quy định mới này tại Nghị định 46/2024/NĐ-CP, tại Thông tư 06/2024/TT-BKHCN đã quy định về áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến việc chiếm hữu, sử dụng tên miền như sau:
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xem xét, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính là tạm giữ tên miền khi nhận được các tài liệu hợp lệ của chủ thể kiến nghị xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến việc chiếm hữu, sử dụng tên miền, bao gồm:
Đề nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính “tạm giữ tên miền” (bằng văn bản riêng hoặc thể hiện trong đơn kiến nghị xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến việc chiếm hữu, sử dụng tên miền);
Văn bản ủy quyền theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP (nếu có);
Tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến việc chiếm hữu, sử dụng tên miền.
Quy định mới về xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm
Thông tư 06/2024/TT-BKHCN đã bãi bỏ nội dung quy định về cách xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm đã bị sửa đổi tại Điều 4 Nghị định 99/2013/NĐ-CP.
Theo đó, hiện nay việc xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm được thực hiện theo quy định sửa đổi bổ sung tại Nghị định 126/2021/NĐ-CP, Nghị định 46/2024/NĐ-CP và Điều 60 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi bổ sung năm 2020. Cụ thể:
Việc xác định giá trị tang vật vi phạm là hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định tại khoản 2 Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt tuân thủ như sau:
Giá niêm yết hoặc giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu;
Giá theo thông báo của cơ quan tài chính địa phương; trường hợp không có thông báo giá thì giá theo giá thị trường tại thời điểm xảy ra vi phạm hành chính;
Giá thành của hàng hóa vi phạm nếu là hàng hóa chưa xuất bán.
Sửa đổi, bổ sung quy định về xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính
Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính là khoản lợi ích mà tổ chức, cá nhân thu được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính, bao gồm: Tiền; giấy tờ có giá; tài sản khác.
Theo đó, số lợi bất hợp pháp có được bằng tiền là toàn bộ số tiền tổ chức, cá nhân thu được từ hành vi vi phạm hành chính và được tính bằng số tiền thu được từ việc chuyển nhượng, tiêu thụ hàng hóa, cung cấp dịch vụ vi phạm sau khi đã trừ chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa, dịch vụ trên cơ sở căn cứ vào hồ sơ, chứng từ chứng minh tính hợp pháp, hợp lệ của các chi phí đó do tổ chức, cá nhân vi phạm cung cấp;
Theo Thông tư 06/2024/TT-BKHCN, việc xác định số lợi bất hợp pháp là tiền được thực hiện như sau:
Số lợi bất hợp pháp là tiền bằng (=) số lượng hàng hóa, khối lượng dịch vụ đã chuyển nhượng, tiêu thụ nhân (x) với đơn giá hàng hóa, dịch vụ trừ (-) chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa hoặc dịch vụ (nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có đầy đủ hồ sơ, chứng từ để chứng minh tính hợp pháp, hợp lệ của các chi phí đó).
Trong đó:
Số lượng hàng hóa hoặc khối lượng dịch vụ đã chuyển nhượng, tiêu thụ được xác định trên cơ sở kê khai của tổ chức, cá nhân vi phạm và kiểm tra, xác minh của người có thẩm quyền xử phạt;
Đơn giá hàng hóa, dịch vụ được xác định trên cơ sở hồ sơ, chứng từ của tổ chức, cá nhân vi phạm. Trường hợp không có hồ sơ, chứng từ để xác định thì đơn giá được xác định theo giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ tương tự tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;
Trường hợp không xác định được số lượng, khối lượng, đơn giá thì số lợi bất hợp pháp có được là toàn bộ số tiền tổ chức, cá nhân thu được từ việc chuyển nhượng, tiêu thụ hàng hóa, cung cấp dịch vụ trái pháp luật.
Như vậy, nếu như quy định trước đây tại Thông tư 11/2015/TT-BKHCN, căn cứ để xác định số tiền tổ chức, cá nhân vi phạm thu được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp chỉ bao gồm số lượng hàng hóa, khối lượng dịch vụ đã chuyển nhượng, tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái pháp luật nhân (x) đơn giá mà không trừ đi chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa hoặc dịch vụ thì quy định mới đã bổ sung mức trừ đi chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa hoặc dịch vụ (nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có đầy đủ hồ sơ, chứng từ để chứng minh tính hợp pháp, hợp lệ của các chi phí đó).
Hướng dẫn xác định hành vi vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp
Hành vi chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý đối với hành vi vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP được hiểu là việc cung cấp thông tin chỉ dẫn gây hiểu sai lệch rằng đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam mặc dù không được hoặc chưa được bảo hộ, kể cả trường hợp đối tượng đó đã nộp đơn đăng ký nhưng chưa được cấp văn bằng bảo hộ hoặc văn bằng bảo hộ đã bị hủy bỏ, chấm dứt hiệu lực hoặc hết thời hạn bảo hộ tại thời điểm thực hiện việc chỉ dẫn lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh.
Tại Thông tư 06/2024/TT-BKHCN đã có quy định mới hướng dẫn xác định hành vi chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý như sau:
Thay thế cụm từ “In trên sản phẩm, hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ chỉ dẫn gây hiểu sai lệch về việc sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ” thành “Gắn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh chỉ dẫn gây hiểu sai lệch về việc hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ”.
Bổ sung trường hợp trên hàng hóa, bao bì hàng hóa sử dụng ký hiệu ® mà trên hàng hóa, bao bì hàng hóa (bao gồm nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu) có chỉ dẫn thông tin trung thực về tình trạng bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam thì không bị coi là hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP.
Bổ sung trường hợp trên hàng hóa, bao bì hàng hóa sử dụng ký hiệu “P” hoặc “Patent” mà trên hàng hóa, bao bì hàng hóa (bao gồm nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu) có chỉ dẫn thông tin trung thực về tình trạng bảo hộ sáng chế tại Việt Nam thì không bị coi là hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP.
Ngoài ra, đối với hành vi chỉ dẫn sai là hành vi ghi trên hàng hóa, bao bì hàng hóa cụm từ “được sản xuất theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp của…” hoặc chỉ dẫn có nghĩa tương tự bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài (thuộc hành vi chỉ dẫn sai hoặc không ghi chỉ dẫn về hàng hóa được sản xuất theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 6 Nghị định 99/2013/NĐ-CP), quy định mới đã hướng dẫn hành vi này phải thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Người sử dụng chưa được chuyển quyền sử dụng hợp pháp đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật;
Có hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp giữa các bên nhưng thông tin như tên hoặc số hợp đồng trong nội dung chỉ dẫn không chính xác.
Hành vi không ghi chỉ dẫn là hành vi không ghi trên hàng hóa, bao bì hàng hóa chỉ dẫn về việc sản phẩm, hàng hóa đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
Xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên Internet
Trước đây, việc xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại Nghị định 105/2006/NĐ-CP. Tuy nhiên, hiện nay việc xác định này được quy định mới tại 72 Nghị định số 65/2023/NĐ-CP. Vì vậy, Thông tư 06/2024/TT-BKHCN đã có quy định mới về cách xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên Internet. Cụ thể:
Hành vi bị xem xét xảy ra trên mạng Internet khi có đủ các yếu tố quy định tại Khoản 4 Điều 72 Nghị định số 65/2023/NĐ-CP cũng bị coi là hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP.
Chủ thể đăng ký tên miền cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng tên miền mà biết hoặc có căn cứ để biết tổ chức, cá nhân đó sử dụng tên miền để thực hiện hành vi vi phạm trên cũng bị coi là thực hiện hành vi vi phạm và bị xem xét xử phạt theo quy định tương ứng tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP.”.
Quy định mới về hành vi nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Trước đây, hành vi nhập khẩu song song được quy định tại Điều 18 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN. Tuy nhiên, theo quy định mới tại Thông tư 06/2024/TT-BKHCN đã đổi tên thành “hành vi nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.
Theo đó, hành vi nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP trừ trường hợp sau:
“Việc tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm do chính chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân được chuyển giao quyền sử dụng, kể cả chuyển giao quyền sử dụng theo quyết định bắt buộc, người có quyền sử dụng trước đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ đã đưa ra thị trường trong nước hoặc nước ngoài, mặc dù không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp (nhập khẩu song song) không bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và không bị xử phạt vi phạm hành chính.”
Như vậy, hành vi nhập khẩu hàng hóa nếu thuộc hành vi nhập khẩu song song không bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và không bị xử phạt vi phạm hành chính.
Sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục xử lý vi phạm
Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu xử lý vi phạm
Đối với tài liệu chứng minh quyền yêu cầu xử lý xâm phạm, quy định mới yêu cầu bao gồm các thành phần sau:
Bản sao các giấy chứng nhận, văn bằng bảo hộ, chứng chỉ và các tài liệu khác được coi là hợp lệ nếu chủ thể quyền xuất trình bản gốc để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền hoặc bản sao có xác nhận của cơ quan cấp bản gốc.
Tài liệu chứng minh chủ sở hữu tên thương mại là các tài liệu, hiện vật chứng minh việc sử dụng trước và hợp pháp tên thương mại trong lĩnh vực kinh doanh và khu vực kinh doanh đáp ứng các điều kiện bảo hộ;
Tài liệu chứng minh chủ sở hữu bí mật kinh doanh là tài liệu chứng minh tổ chức, cá nhân nắm giữ hợp pháp và đã tiến hành các biện pháp bảo mật thông tin được coi là bí mật kinh doanh;
Trường hợp hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, giấy phép sử dụng chỉ dẫn địa lý không có nội dung thoả thuận hoặc quy định hạn chế quyền yêu cầu xử lý xâm phạm của người được chuyển quyền sử dụng thì người đó được phép thực hiện thủ tục yêu cầu xử lý xâm phạm, với điều kiện chủ sở hữu quyền không có văn bản phản đối việc thực hiện thủ tục đó.
Đối với các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn, bao gồm: Bản giải trình của chủ thể quyền (về doanh thu, uy tín, quảng cáo, bằng chứng sử dụng rộng rãi, bản sao các giấy chứng nhận, văn bằng bảo hộ tại các nước khác) cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc được coi là hợp lệ nếu có cam kết chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung, thông tin của bản giải trình và chữ ký xác nhận và đóng dấu (nếu có) của chủ thể quyền hoặc người đại diện hợp pháp của chủ thể quyền.
Xem xét, xử lý đơn yêu cầu xử lý vi phạm
Bãi bỏ quy định về trường hợp đơn yêu cầu xử lý vi phạm chưa có đủ chứng cứ về vi phạm thì cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu các bên cung cấp thông tin, chứng cứ, giải trình trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày được ấn định trong thông báo. Theo quy định mới, trong trường hợp giải trình của các bên chưa làm rõ được các tình tiết của vụ việc và theo đề nghị của một hoặc các bên thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc tổ chức làm việc trực tiếp với các bên.
Bổ sung thẩm quyền của cơ quan giải quyết vụ việc có thể tự mình tiến hành kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ, xác định phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và xác định hành vi xâm phạm theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Trường hợp cần thiết có thể đề nghị cơ quan chức năng tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ xâm phạm, yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cung cấp ý kiến chuyên môn hoặc yêu cầu giám định sở hữu công nghiệp để xác định phạm vi bảo hộ và xác định yếu tố xâm phạm.
Từ chối, dừng xử lý đơn yêu cầu xử lý xâm phạm trong xử phạt vi phạm hành chính
Từ chối thụ lý đơn được áp dụng đối với đơn yêu cầu xử lý xâm phạm được nộp tại cơ quan có thẩm quyền nhưng không đủ điều kiện thụ lý thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 28 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP.
Đối với dừng xử lý đơn được áp dụng đối với đơn yêu cầu xử lý xâm phạm đã được thụ lý thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 28 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền xem xét dừng xử lý vi phạm khi có phát sinh khiếu nại, tranh chấp thuộc một trong các trường hợp sau:
Khi có văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp về việc thụ lý hoặc xem xét giải quyết đơn yêu cầu hủy bỏ, chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ, khiếu nại về phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp liên quan đến đối tượng trong đơn yêu cầu xử lý xâm phạm;
Khi có văn bản thụ lý của tòa án về vụ việc xâm phạm, khiếu nại, tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp liên quan đến đối tượng trong đơn yêu cầu xử lý xâm phạm;
Khi có căn cứ xác định vụ việc mà nội dung liên quan đến tư cách chủ thể quyền hoặc tranh chấp hợp đồng giữa các bên về quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.
Như vậy, Thông tư 06/2024/TT-BKHCN đã bổ sung thêm một căn cứ về dừng xử lý đơn, đó là khi có căn cứ xác định vụ việc mà nội dung liên quan đến tư cách chủ thể quyền hoặc tranh chấp hợp đồng giữa các bên về quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.
Trên đây là cập nhật quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp tại Thông tư 06/2024/TT-BKHCN. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất!