Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở thành yếu tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và quốc gia. Một trong những công cụ quan trọng giúp bảo vệ quyền lợi của các chủ sở hữu là Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên không phải ai biết và hiểu những quy định liên quan đến điều đó. Chính vì vậy, bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ cung cấp cho quý khách những vấn đề pháp lý liên quan đến chủ đề này.
Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 98 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi năm 2022 quy định về sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp như sau:
“1. Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp là tài liệu ghi nhận việc xác lập, thay đổi và chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý theo quy định của Luật này.”
Như vậy, theo quy định thì đây là tài liệu ghi nhận việc xác lập, thay đổi và chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
Một số quy định khác
Quyết định cấp văn bằng bảo hộ, nội dung chủ yếu của văn bằng bảo hộ, quyết định sửa đổi, chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ, quyết định đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp được ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp.
Do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp lập và lưu giữ. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
Các loại sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp
Căn cứ theo khoản 1 Điều 32 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN quy định thì đây là cơ sở dữ liệu chính thức, công khai của Nhà nước, thể hiện đầy đủ thông tin về tình trạng pháp lý của quyền sở hữu công nghiệp đã được xác lập.
Bao gồm các loại như sau:
Sổ đăng ký quốc gia về sáng chế;
Sổ đăng ký quốc gia về giải pháp hữu ích;
Sổ đăng ký quốc gia về kiểu dáng công nghiệp;
Sổ đăng ký quốc gia về thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn;
Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu;
Sổ đăng ký quốc gia về chỉ dẫn địa lý.
Các mục tương ứng với từng văn bằng bảo hộ
Đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp được đăng ký theo thủ tục quốc gia
Căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 32 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN quy định thì Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp bao gồm các mục tương ứng với từng văn bằng bảo hộ, mỗi mục bao gồm:
Thông tin về văn bằng bảo hộ: số, ngày cấp văn bằng bảo hộ; tên đối tượng được bảo hộ, phạm vi/khối lượng bảo hộ, thời hạn hiệu lực; tên và địa chỉ của chủ văn bằng bảo hộ/người đăng ký chỉ dẫn địa lý, tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, tên và quốc tịch của tác giả sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp;
Thông tin về đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ (số đơn, ngày nộp đơn, ngày ưu tiên của đơn, tên tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (nếu có));
Mọi sửa đổi liên quan đến thông tin về việc sửa đổi văn bằng bảo hộ, tình trạng hiệu lực văn bằng bảo hộ (duy trì hiệu lực, gia hạn hiệu lực, chấm dứt hiệu lực, hủy bỏ hiệu lực); chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp; số lần cấp lại, ngày cấp lại, cấp phó bản, số phó bản (cho chủ sở hữu chung nào), ngày cấp phó bản, thay đổi tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (nếu có), v.v.
Đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp được chấp nhận bảo hộ theo thủ tục đăng ký quốc tế, tại Phần Nhãn hiệu đăng ký quốc tế và Phần Kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế
Căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 32 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN thì đối với Đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp được chấp nhận bảo hộ theo thủ tục đăng ký quốc tế, tại Phần Nhãn hiệu đăng ký quốc tế và Phần Kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế bao gồm các mục sau:
Thông tin về tình trạng bảo hộ: số quyết định, ngày ra quyết định hoặc ngày chấp nhận bảo hộ; tên đối tượng được bảo hộ, phạm vi bảo hộ, thời hạn hiệu lực; tên và địa chỉ của chủ văn bằng bảo hộ, tên và quốc tịch của tác giả kiểu dáng công nghiệp;
Thông tin về đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ (số đơn, ngày nộp đơn, ngày ưu tiên của đơn, tên tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (nếu có));
Đối với chỉ dẫn địa lý được chấp nhận bảo hộ theo điều ước quốc tế, Phần Chỉ dẫn địa lý quốc tế
Căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 32 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN thì đối với chỉ dẫn địa lý được chấp nhận bảo hộ theo điều ước quốc tế, Phần Chỉ dẫn địa lý quốc tế tại Sổ đăng ký quốc gia quy định bao gồm các mục gồm:
Thông tin về tình trạng bảo hộ: tên điều ước quốc tế, ngày có hiệu lực của điều ước quốc tế hoặc ngày chấp nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo điều ước quốc tế; chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, phạm vi/khối lượng bảo hộ; tên và địa chỉ của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý;
Thông tin về hồ sơ, tài liệu liên quan đến chỉ dẫn địa lý yêu cầu bảo hộ (điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về việc bảo hộ, cơ sở dữ liệu liên quan đến chỉ dẫn địa lý yêu cầu bảo hộ (nếu có));
Mọi sửa đổi liên quan đến tình trạng pháp lý của chỉ dẫn địa lý được bảo hộ: tình trạng hiệu lực, phạm vi/khối lượng bảo hộ, chuyển giao quyền quản lý, v.v.
Các hình thức lưu trữ
Căn cứ theo khoản 3 Điều 32 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN thì:
Do Cục Sở hữu trí tuệ lập và lưu giữ dưới dạng giấy hoặc điện tử.
Ngoài ra, bất kỳ người nào cũng có thể tra cứu sổ đăng ký điện tử (nếu có) hoặc yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ cấp bản sao hoặc bản trích lục sổ đăng ký, với điều kiện phải nộp phí dịch vụ cấp bản sao hoặc bản trích lục sổ đăng ký.
Tóm lại, đây là cơ sở dữ liệu chính thức, công khai của Nhà nước, thể hiện đầy đủ thông tin về tình trạng pháp lý của quyền sở hữu công nghiệp đã được xác lập.
Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp được xem là chứng cứ để chứng minh chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ
Căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 203 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về quyền và nghĩa vụ chứng minh của đương sự như sau:
“2. Nguyên đơn chứng minh mình là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ bằng một trong các chứng cứ sau đây:
a) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan, văn bằng bảo hộ; bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan, Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp, Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ;”
Như vậy, theo quy định, trường hợp phát sinh tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ thì nó được xem là một trong những căn cứ để chứng minh tư cách chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ của nguyên đơn.
Trên đây là tư vấn của Công ty luật Việt An về chủ đề trên. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn pháp lý liên quan về sở hữu trí tuệ, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.