Có buộc công khai số giấy phép lữ hành trên biển hiệu công ty?
kinh doanh dịch vụ lữ hành được hiểu là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch (khoản 9 Điều 3 Luật Du lịch 2017). Lĩnh vực kinh doanh lữ hành hiện cũng đang trở thành một trong những lĩnh vực kinh doanh thu hút được nhiều sự đầu tư của các nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp lữ hành chưa thực sự nắm được các quy định của pháp luật, đặc biệt là việc công khai số giấy phép lữ hành trên biển hiệu công ty. Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An xin giới thiệu một số quy định của pháp luật Việt Nam về giấy phép lữ hành và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Các hình thức kinh doanh dịch vụ lữ hành
Hiện nay, tại nước ta đang tồn tại hai loại hình kinh doanh dịch vụ lữ hành:
Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là phục vụ khách du lịch nội địa trong nước.
Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế là phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài.
Ngoài ra, theo quy định về Điều 31 Luật Du lịch 2017, doanh nghiệp muốn kinh doanh dịch vụ lữ hành cần phải đáp ứng được các điều kiện do pháp luật quy định.
Giấy phép lữ hành là gì?
Giấy phép lữ hành hay còn gọi là Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, là một loại giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho các doanh nghiệp đạt đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành được quy định trong pháp luật.
Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành được chia làm hai loại:
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành có buộc công khai số giấy phép lữ hành trên biển hiệu công ty không?
Theo quy định tại điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 37 Luật Du lịch 2017, một trong những nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa cũng như quốc tế đều là phải công khai số giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trên biển hiệu tại trụ sở, chi nhánh, văn phòng giao dịch, trong hợp đồng lữ hành, trên ấn phẩm quảng cáo và trong giao dịch điện tử.
Như vậy, theo quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp buộc công khai số giấy phép lữ hành trên biển hiệu công ty cũng như biển hiệu của chi nhánh, văn phòng giao dịch, trong hợp đồng lữ hành, trên ấn phẩm quảng cáo và trong giao dịch điện tử.
Sở dĩ có quy định như vậy là vì biển hiệu của công ty lữ hành đóng vai trò vô cùng quan trọng, vừa quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp tới người tiêu dùng, vừa để phân biệt với các doanh nghiệp lữ hành khác.
Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không công khai số giấy phép lữ hành trên biển hiệu
Mức xử phạt
Căn cứ vào quy định tại điểm c khoản 4 Điều 7 Nghị định 45/2019/NĐ-CP, doanh nghiệp không công khai tên doanh nghiệp, số giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trên biển hiệu tại trụ sở, chi nhánh, văn phòng giao dịch hoặc trong hợp đồng lữ hành hoặc trên ấn phẩm quảng cáo hoặc trong giao dịch điện tử sẽ bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đây là mức xử phạt vi phạm đối với tổ chức.
Ngoài việc phải chịu mức xử phạt tiền như trên, doanh nghiệp không cần phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả nào khác.
Thẩm quyền xử phạt
Theo quy định tại Điều 25 Nghị định 45/2019/NĐ-CP về phân định thẩm quyền xử phạt, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch; người có thẩm quyền xử phạt của Bộ đội biên phòng; người có thẩm quyền xử phạt của Cảnh sát biển; người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Công an có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không công khai số giấy phép lữ hành trên biển hiệu của công ty kinh doanh lữ hành.
Thời hiệu xử phạt
Theo quy định tại Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, thời hiệu xử phạt hành vi không công khai số giấy phép lữ hành trên biển hiệu công ty là 01 năm.
Lưu ý: Trong trường hợp doanh nghiệp cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính sẽ được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
Một số câu hỏi khác có liên quan
Hiện nay kinh doanh lữ hành được điều chỉnh bởi văn bản nào?
Các văn bản có hiệu lực năm 2024 điều chỉnh kinh doanh lữ hành gồm:
Luật Du lịch 2017;
Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012;
Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 129/2021/NĐ-CP;
Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL quy định chi tiết một số điều của luật du lịch được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 13/2019/TT-BVHTTDL và Thông tư 13/2021/TT-BVHTTDL.
Cơ quan nào có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 32 và khoản 2 Điều 33 Luật Du lịch 2017, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành là:
Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại nơi công ty đặt trụ sở.
Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế:Tổng cục Du lịch – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và quốc tế gồm những gì?
Điều 32 và Điều 33 Luật Du lịch 2017 quy định về thành phần hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa như sau:
Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa theo Mẫu số 04 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL;
Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;
Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành;
Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành;
Giấy ủy quyền cho Luật Việt An thực hiện thủ tục.
Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành mà không có giấy phép sẽ bị xử phạt ra sao?
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 45/2019/NĐ-CP, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành mà không có giấy phép kinih doanh dịch vụ lữ hành sẽ bị xử phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải chịu biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được do thực hiện kinh doanh dịch vụ lữ hành mà không có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định.
Dịch vụ tư vấn cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành của Công ty Luật Việt An
Tư vấn các cá nhân, tổ chức đáp ứng các điều kiện thành lập công ty kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế;
Soạn thảo hồ sơ thực hiện các nghĩa vụ đăng ký, báo cáo với cơ quan khi thành lập công ty kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế;
Đại diện theo ủy quyền của khách hàng để thực hiện các thủ tục liên quan trong quá trình hoạt động kinh doanh của công ty;
Tư vấn thường xuyên, toàn diện cho khách hàng về các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực doanh nghiệp, lữ hành, du lịch.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn hay tìm hiểu kỹ hơn về thành lập công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.