Trong những năm gần đây, nhu cầu mang thai hộ ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi nhiều cặp đôi gặp khó khăn trong việc sinh con do vấn đề sức khỏe, tuổi tác hoặc những yếu tố khác. Việc quy định những vấn đề pháp lý liên quan đến mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không chỉ đáp ứng nhu cầu này mà còn mở ra những cơ hội mới cho những người mong muốn làm cha mẹ. Ngoài ra Nhà nước có thể kiểm soát và ngăn chặn những hành vi lợi dụng điều này vào mục đích xấu. Điều này không chỉ thể hiện sự tiến bộ trong tư duy xã hội mà còn phản ánh trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của con người. Bài viết Công nhận cơ sở mang thai hộ vì mục đích nhân đạo dưới đây của Luật Việt An sẽ cung cấp cho quý khách những vấn đề pháp lý xoay quanh vấn đề này.
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là gì?
Căn cứ theo Khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về mang thai hộ về mục đích nhân đạo cụ thể như sau:
“Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang.”
Như vậy, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải là sự tự nguyện, không vì mục đích thương mại và cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ là cặp vợ chồng mà trong đó người vợ không thể mang thai và sinh con. Phương pháp này được thực hiện bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm và sau đó cấy vào tử cung của người được nhờ mang thai hộ.
Mang thai hộ thường được áp dụng trong các trường hợp hiếm muộn vì người phụ nữ có bệnh lý, dị tật nào đó khiến không thể tự mang đứa bé trong bụng ví dụ như tim mạch, huyết áp, rối loạn đông máu, rối loạn nội tiết nặng, không có tử cung vì những bệnh lý bẩm sinh hoặc tử cung hoàn toàn không có khả năng mang thai, bị cắt tử cung do ung thư hay dị dạng bất thường…
Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Căn cứ theo Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình 2015 quy định về điều kiện mang thai hộ vì mục đích thương mại như sau:
Đối với cặp vợ chồng người người mang thai hộ:
Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
Vợ chồng đang không có con chung;
Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Đối với người được nhờ mang thai hộ:
Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Ngoài ra, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Điều kiện về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Căn cứ theo Khoản 3 Điều 1 Nghị định 98/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung khoản 1 Điều 13 Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định về điều kiện cơ sở khám chữa bệnh được phép thực hiện kĩ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:
Có ít nhất 02 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, kể từ ngày được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật này;
Tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm tối thiểu là 1.000 chu kỳ mỗi năm trong 02 năm.
Đáp ứng nhu cầu và bảo đảm thuận lợi cho người dân.
Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định có 3 cơ sở khám chữa bệnh có đủ điều kiện thực hiện ngay kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo gồm:
Bệnh viện Phụ sản trung ương;
Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế;
Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh.’
Lưu ý: Sau 01 (một) năm triển khai thực hiện Nghị định 10/2015/NĐ-CP, căn cứ theo các quy định về điều kiện quy định cơ sở khám chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, giao cho Bộ Y tế quyết định bổ sung cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được Bộ Y tế công nhận được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo ngoài 03 Bệnh viện nêu trên.
Hiện nay đã có 5 cơ sở được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo gồm: Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Mỹ Đức, Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Trung ương Huế.
Hồ sơ, thủ tục công nhận cơ sở được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Căn cứ theo Khoản 3 Điều 1 Nghị định 98/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 13 Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định về hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận cơ sở được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:
Hồ sơ gồm:
Công văn đề nghị Bộ Y tế công nhận cơ sở được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo mẫu 03a tại Phụ lục ban hành kèm theo của Nghị định 98/2016/NĐ-CP:
Tài liệu chứng minh đã thực hiện tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm tối thiểu là 1.000 chu kỳ mỗi năm trong 02 năm.
Thủ tục yêu cầu công nhận:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lập 01 bộ hồ sơ đề nghị công nhận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, gửi Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em
Hồ sơ có thể được nộp qua 2 hình thức là trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính
Bước 2: Thẩm định hồ sơ
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, Bộ Y tế có văn bản thông báo, nêu rõ lý do gửi cơ sở đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo để hoàn chỉnh hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Bộ Y tế xem xét hồ sơ và ra quyết định công nhận cơ sở được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Bước 3: Nhận kết quả
Cơ sở khám chữa bệnh nhận được quyết định công nhận cơ sở được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Lưu ý: Ba cơ sở gồm Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế, Bệnh viện Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh không phải thực hiện các quy định về thủ tục đề nghị công nhận cơ sở được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Trên đây là tư vấn của Luật Việt An về công nhận cơ sở mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn pháp lý xung quanh về hôn nhân gia đình, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.