Công ty nước ngoài thành lập công ty con tại Việt Nam
Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Một trong những hình thức đầu tư phổ biến là thành lập công ty con có tư cách pháp nhân độc lập tại Việt Nam. Tuy nhiên, khác với thủ tục thành lập doanh nghiệp thông thường, công ty nước ngoài khi muốn thành lập công ty con tại Việt Nam sẽ phải tuân thủ nhiều quy định pháp luật đặc thù dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài. Sau đây, Luật Việt An xin cung cấp đến quý khách hàng các thông tin liên quan về công ty nước ngoài thành lập công ty con tại Việt Nam.
Thế nào là công ty mẹ, công ty con?
Khác với chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty nước ngoài, công ty mẹ – công ty con là hai thực thể độc lập với nhau, có tư cách pháp nhân riêng. Tuy nhiên, công ty mẹ có lợi ích kinh tế nhất định đối với công ty con (phần vốn góp của công ty mẹ trong công ty con). Tùy thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con, công ty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con. Công ty mẹ có quyền chi phối các quyết định của công ty con bằng nhiều hình thức khác nhau.
Căn cứ khoản 1 Điều 195 Luật Doanh nghiệp 2020, một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;
Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty đó;
Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung điều lệ của công ty đó.
Điều kiện thành lập công ty con tại Việt Nam
Công ty nước ngoài muốn thành lập công ty con tại Việt Nam cần đáp ứng các điều kiện sau:
Điều kiện về chủ thể, ngành, nghề kinh doanh, vốn, trụ sở chính, tên doanh nghiệp;
Ngành nghề kinh doanh của công ty con không thuộc một trong 25 ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Phụ lục I kèm theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP;
Đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường theo pháp luật chuyên ngành đối với nhóm ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện như:
Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
Hình thức đầu tư;
Phạm vi hoạt động đầu tư;
Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư.
Công ty nước ngoài được phép thành lập loại hình doanh nghiệp nào tại Việt Nam?
Công ty nước ngoài được phép thành lập loại hình doanh nghiệp sau:
Công ty hợp danh;
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
Công ty cổ phần.
Thủ tục thành lập công ty con tại Việt Nam
Công ty nước ngoài thành lập công ty con tại Việt Nam thường là hình thức góp vốn đầu tư thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam. Để thành lập công ty con tại Việt Nam, công ty nước ngoài cần thực hiện các thủ tục sau:
Bước 1: Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Bước 2: Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Bước 3: Thủ tục khắc dấu pháp nhân và đăng tải mẫu dấu của công ty
Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được thực hiện như thế nào?
Công ty nước ngoài thành lập công ty con ở Việt Nam thì dù công ty nước ngoài chiếm 1% hay đến 100% vốn điều lệ của công ty con tại Việt Nam cũng phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm:
Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;
Sở Tài chính nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính công ty.
Hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm:
Văn bản đề nghị thực hiện dự án;
Đề xuất dự án đầu tư;
Thuyết minh năng lực tài chính kèm xác nhận số dư tài khoản ngân hàng tiền đầu tư theo vốn điều lệ kê khai hoặc báo cáo tài chính của công ty nước ngoài (có lãi tương ứng với vốn điều lệ góp tại của công ty Việt Nam);
Giải trình đáp ứng điều kiện;
Quyết định thành lập;
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê nhà;
Nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tại phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Tài chính nơi công ty dự kiến đặt trụ sở chính.
Hồ sơ thành lập công ty
Hồ sơ đăng ký thành lập công ty bao gồm các văn bản sau:
Giấy đề nghị đăng ký thành lập công ty con;
Dự thảo điều lệ công ty;
Danh sách thành viên (nếu thành lập công ty theo loại hình công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) hoặc danh sách cổ đông sáng lập (nếu thành lập theo loại hình công ty cổ phần);
Bản sao chứng thực giấy tờ pháp lý cá nhân của người đại diện theo pháp luật, của thành viên hoặc cổ đông sáng lập; giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên/cổ đông là tổ chức;
Bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
Chuẩn bị các giấy tờ khác trong trường hợp phòng đăng ký kinh doanh yêu cầu cung cấp thêm như:
Biên bản họp, quyết định thành lập công ty con của công ty mẹ;
Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với trường hợp công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định;
Chứng chỉ hành nghề của thành viên công ty và cá nhân khác đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề.
Thời hạn giải quyết hồ sơ
Phòng đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Sau khi thành lập, công ty con cần thực hiện các thủ tục nào?
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty con tại Việt Nam phải thực hiện các công việc sau:
Khắc dấu pháp nhân của công ty;
Treo bảng hiệu tại trụ sở công ty;
Mở tài khoản ngân hàng và mua chữ ký số điện tử;
Tiến hành kê khai thuế.
Các lưu ý đối với công ty nước ngoài thành lập công ty con tại Việt Nam
Công ty nước ngoài thành lập công ty con tại Việt Nam cần lưu ý các vấn đề sau:
Công ty con không được đầu tư mua cổ phần, góp vốn vào công ty mẹ;
Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được đồng thời cùng góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau;
Công ty mẹ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi phần vốn góp đối với công ty con;
Về cơ cấu quản trị công ty con:
Giám đốc, tổng giám đốc không được là người có quan hệ gia đình người quản lý công ty, kiểm soát viên của công ty mẹ;
Thành viên độc lập hội đồng quản trị công ty cổ phần không phải là người đang làm việc cho công ty mẹ; không phải là người đã từng làm việc cho công ty mẹ ít nhất trong 03 năm liền trước đó;
Công ty con bắt buộc phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú hợp pháp tại Việt Nam
Nếu công ty mẹ cử người từ nước ngoài sang làm việc tại công ty con thì cần làm thủ tục xin visa, giấy phép lao động.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn chi tiết về công ty nước ngoài thành lập công ty con tại Việt Nam xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!