Nhãn hiệu là dấu hiệu quan trọng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, tổ chức kinh doanh này với cá nhân, tổ chức kinh doanh khác. Việc đăng ký nhãn hiệu là cần thiết để tăng khả năng cạnh tranh và độ nhận diện với khách hàng. Tuy nhiên trong thực tế nhiều khách hàng không nắm rõ cách thức đăng ký nhãn hiệu. Để giải đáp thắc mắc của quý khách hàng, Công ty Luật Việt An xin đưa ra bài viết đăng ký nhãn hiệu sản phẩm hạt nhựa tại Việt Nam trong bài viết sau.
Căn cứ pháp lý
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019, 2022.
Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
Thông tư số 263/2016/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 31/2020/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp
Nhãn hiệu là gì?
Nhãn hiệu (trademark) theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) là “các dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau”. Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng đưa ra định nghĩa nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau (khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ).
Hạt nhựa là gì?
Hạt nhựa nguyên sinh là sản phẩm nhựa được sinh ra từ quá trình chưng cất phân đoạn dầu mỏ. Hạt nhựa nguyên sinh chưa qua sử dụng thường có màu trắng tự nhiên và người ta có thể pha thêm hạt tạo màu để sản phẩm có màu sắc như mong muốn. Một số loại hạt nhựa nguyên sinh như ABS, PP, PC,PS-GPPS, PA, HIPS, POM, PMMA,….
Nhựa nguyên sinh có độ đàn hồi cao, tính chất mềm và dẻo, chịu được cong vênh và áp lực. Về thẩm mỹ hạt nhựa nguyên sinh được đánh giá khá cao do bề mặt bóng, mịn, màu sắc tươi sáng và thường được sử dụng trong sản xuất đòi hỏi có tính đảm bảo an toàn cao, VD: sản xuất thiết bị y ế, bao bì thực phẩm,… Ngoài ra còn sử dụng trong rất nhiều ngành sản xuất khác.
Tiếp nhận hồ sơ đăng ký nhãn hiệu
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm hạt nhựa chỉ cần cung cấp các tài liệu sau đây:
Mẫu nhãn hiệu dự định đăng ký;
Thông tin chủ sở hữu nhãn hiệu, bao gồm các thông tin về Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, CMND/CCCD/Hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại, email,….
Sau khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ, chúng tôi sẽ phân loại nhóm sản phẩm, dịch vụ và triển khai tra cứu và kiểm tra khả năng phân biệt của nhãn hiệu, cụ thể sản phẩm hạt nhựa, nhựa bán thành phẩm, nhựa nhân tạo sẽ được phân loại vào nhóm sau:
Nhóm 17: Nhựa acrylic, bán thành phẩm; nhựa nhân tạo, bán thành phẩm; nhựa dẻo; nhựa nhân tạo ở dạng thanh dùng trong sản xuất; nhựa nhiệt dẻo gia cố bằng sợi tự nhiên; nhựa nhân tạo ở dạng hạt để sử dụng trong sản xuất (Tổng 06 sản phẩm).
Nhóm 35: Mua bán, xuất nhập khẩu các sản phẩm.
Thủ tục đăng ký nhãn hiệu sản phẩm hạt nhựa
Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu
Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu bao gồm các tài liệu sau đây:
01 mẫu nhãn hiệu (không nhỏ hơn 3×3 cm, không vượt quá 8×8 cm);
01 bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí;
02 tờ khai theo Mẫu số 08 Nghị định 65/2023/NĐ-CP;
Danh mục sản phẩm, dịch vụ dự định đăng ký nhãn hiệu;
Tờ khai đăng ký nhãn hiệu (trường hợp khách hàng ủy quyền cho Công ty Luật Việt An thì tờ khai sẽ do người đại diện sở hữu công nghiệp của Luật Việt An ký);
Giấy Ủy quyền cho đại diện Công ty Luật Việt An nộp đơn đăng ký nhãn hiệu;
Cách nộp đơn đăng ký nhãn hiệu
Tổ chức, cá nhân nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ theo hai cách thức:
Hình thức nộp đơn giấy trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu điện
Tổ chức, cá nhân có thể nộp đơn tại một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ, cụ thể:
Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội;
Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh;
Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng.
Lưu ý: Trường hợp nộp hồ sơ đơn đăng ký nhãn hiệu qua bưu điện, tổ chức, cá nhân cần chuyển tiền qua dịch vụ của bưu điện, sau đó phô tô Giấy biên nhận chuyển tiền gửi kèm theo hồ sơ đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ để chứng minh khoản tiền đã nộp.
Hình thức nộp đơn trực tuyến
Tổ chức, cá nhân cần đáp ứng điều kiện về chứng thư và chữ ký số để có thể đăng ký tài khoản trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản để thực hiện các giao dịch đăng ký quyền sở hữu công nghiệp.
Trình tự nộp đơn trực tuyến như sau: Tổ chức, cá nhân thực hiện khai báo và gửi đơn đăng ký nhãn hiệu trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ, sau khi hoàn thành, Hệ thống sẽ gửi lại Phiếu xác nhận nộp tài liệu trực tuyến. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày gửi đơn trự4c tuyến, tổ chức cá nhân phải đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ vào các ngày làm việc trong giờ giao dịch để xuất trình Phiếu xác nhận tài liệu nộp trực tuyến cùng các tài liệu kèm theo (nếu có) và nộp phí/lệ phí theo quy định.
Nếu tài liệu và phí/lệ phí đầy đủ theo quy định, cán bộ nhận đơn sẽ cấp số đơn trên Tờ khai đăng ký nhãn hiệu, trường hợp ngược lại thì đơn sẽ bị từ chối tiếp nhận. Trong trường hợp tổ chức cá nhân không hoàn tất thủ tục nộp đơn theo quy định, tài liệu trực tuyến sẽ bị huỷ và Thông báo huỷ tài liệu trực tuyến được gửi cho tổ chức cá nhân trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến.
Lệ phí đăng ký nhãn hiệu
Mức biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp được quy định chi tiết tại Thông tư 263/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính, quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.
Nhóm sản phẩm, dịch vụ là căn cứ để xác định các khoản phí, lệ phí mà chủ sở hữu nhãn hiệu phải nộp kể từ khi bắt đầu nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho đến khi cấp Văn bằng và gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Khung phí, lệ phí đăng ký nhãn hiệu được quy định cụ thể như sau:
Thứ nhất, phí, lệ phí đăng ký 01 nhãn hiệu cho 01 nhóm sản phẩm, dịch vụ (tối đã không quá 06 sản phẩm hoặc 06 dịch vụ trong 01 nhóm bao gồm các khoản phí, lệ phí sau:
Lệ phí nộp đơn: 150.000 VNĐ
Phí công bố đơn: 120.000 VNĐ
Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ việc thẩm định: 180.000 VNĐ
Phí thẩm định đơn: 550.000 VNĐ
Thứ hai, phí, lệ phí khi đăng ký nhãn hiệu từ nhóm sản phẩm, dịch vụ thứ hai trở lên, chi phí phát sinh thêm như sau:
Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ việc thẩm định: 180.000 VNĐ
Phí thẩm định đơn: 550.000 đồng
Trong trường hợp có trên 06 sản phẩm hoặc 06 dịch vụ trong 01 nhóm, chủ sở hữu nhãn hiệu phải thanh toán phí, lệ phí bổ sung cho mỗi sản phẩm/dịch vụ thứ 7 phát sinh thêm như sau:
Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ việc thẩm định cho sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở lên: 30.000 VNĐ.
Phí thẩm định đơn cho sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở lên: 120.000 VNĐ.
Thứ ba, lệ phí cấp văn bằng bảo hộ:
Lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu: 120.000 đồng
Lệ phí đăng bạ: 120.000 đồng
Lệ phí công bố nhãn hiệu: 120.000 đồng
Từ nhóm sản phẩm/dịch vụ thứ hai trở đi, lệ phí cấp văn bằng sẽ tăng thêm 100.000 đồng/01 nhóm sản phẩm/dịch vụ.
Trong trường hợp sau khi thẩm định hình thức, Cục Sở hữu trí tuệ ra Công văn về kết quả thẩm định hình thức yêu cầu chỉnh sửa phần mô tả nhãn hiệu hoặc chỉnh sửa lại nhóm sản phẩm, dịch vụ, thì trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký công văn, người nộp đơn cần sửa chữa các thiếu sót và bổ sung 160.000 VNĐ phí thẩm định yêu cầu sửa đổi.
Dịch vụ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm hạt nhựa của Đại diện Sở hữu công nghiệp – Luật Việt An
Đại diện khách hàng tiến hành thủ tục nộp đơn, theo dõi và phản hồi quá trình đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Tư vấn hỗ trợ khách hàng trong quá trình đăng ký nhãn hiệu.
Tư vấn tăng khả năng bảo hộ nhãn hiệu.
Đại diện khách hàng soạn thảo hồ sơ rút đơn đăng ký nhãn hiệu theo yêu cầu.
Tư vấn giảm thiểu rủi ro liên quan đến quá trình đăng ký và rút đơn đăng ký nhãn hiệu.
Quý khách hàng có nhu đăng ký nhãn hiệu sản phẩm hạt nhựa, xin vui lòng liên hệ Công ty Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.