Điểm mới Nghị định 70/2023/NĐ-CP liên quan đến Giấy phép lao động
Nghị định 70/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 18/9/2023 đã sửa đổi nhiều nội dung của Nghị định 152/2020/NĐ-CP về quản lý việc làm của người nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó có nhiều nội dung sửa đổi liên quan đến giấy phép lao động của người nước ngoài. Luật Việt An sẽ cập nhật những Điểm mới Nghị định 70/2023/NĐ-CP liên quan đến Giấy phép lao động trong bài viết sau đây.
Căn cứ pháp lý
Bộ luật Lao động 2019;
Nghị định 152/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 35/2022/NĐ-CP và Nghị định 70/2023/NĐ-CP về việc làm của người nước ngoài tại Việt Nam và việc tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động
Sửa đổi trường hợp được cử sang giảng dạy nghiên cứu
Điều 7 của Nghị định 70/2023/NĐ-CP đã sửa đổi một trong những trường hợp được miễn giấy phép lao động là “được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cử sang Việt Nam giảng dạy hoặc làm nhà quản lý, giám đốc điều hành tại cơ sở giáo dục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức liên chính phủ đề nghị thành lập tại Việt Nam; các cơ sở, tổ chức được thành lập theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia”.
Theo đó, so với nghị định cũ, nghị định mới đã bổ sung trường hợp được cử sang để “làm nhà quản lý, giám đốc điều hành tại cơ sở giáo dục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức liên chính phủ đề nghị thành lập tại Việt Nam” thay cho trường hợp làm “nghiên cứu tại trường quốc tế thuộc quản lý của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc Liên hợp quốc”.
Cụ thể hóa trường hợp được xác nhận bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo
Ngoài trường hợp được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận người lao động nước ngoài vào Việt Nam để giảng dạy, nghiên cứu như quy định tại Điều 7.14 Nghị định 152/2020/NĐ-CP thì nghị định mới còn bổ sung trường hợp nhằm mục đích thực hiện việc: “Làm nhà quản lý, giám đốc điều hành, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cơ sở giáo dục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức liên chính phủ đề nghị thành lập tại Việt Nam” để phù hợp với quy định được sửa đổi ở trên.
Xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động
Để rõ ràng hơn về thời hạn trong trường hợp ngoại lệ người sử dụng lao động nước ngoài có thể tiến hành thủ tục thông báo tới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thay vì xin xác nhận, nghị định mới đã thay thế từ “3 ngày” trong nghị định cũ thành “3 ngày làm việc” để thống nhất với các văn bản hành chính hiện hành. Quy định này sẽ áp dụng cho trường hợp người nước ngoài:
Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ; hoặc
Là luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật Luật sư.
Theo đó, quy định về ngoại lệ trên cũng đã loại bỏ trường hợp quy định tại Điều 154.8 Bộ luật Lao động, tức là trường hợp người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, nếu trở thành người lao động, vẫn sẽ phải thực hiện thủ tục xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động trước ít nhất 10 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc.
Sửa đổi liên quan đến thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động
Bổ sung nội dung trong văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động
Trong văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo Mẫu số 11/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP, Nghị định 70/2023/NĐ-CP còn quy định bổ sung “trường hợp người lao động nước ngoài làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều địa điểm thì trong văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động phải liệt kê đầy đủ các địa điểm làm việc”. Quy định này giúp cho việc quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam trở nên minh bạch hơn, tạo thuận lợi trong việc rà soát, kiểm tra nghĩa vụ nộp thuế của cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Bổ sung giấy tờ chứng minh là nhà quản lý của người lao động
Để cụ thể hóa giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành gồm những gì, Nghị định 70/2023/NĐ-CP đã chỉ rõ bao gồm 3 loại giấy tờ sau:
Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp;
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận thành lập hoặc quyết định thành lập hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương;
Nghị quyết hoặc Quyết định bổ nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Còn đối với giấy tờ chứng minh chuyên gia, lao động kỹ thuật, nghị định mới cũng bổ sung thêm các giấy tờ thay thế (thể hiện tại phần quy định in nghiêng, gạch chân) và chỉ rõ bao gồm 2 loại giấy tờ sau:
Văn bằng hoặc chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận;
Văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài về số năm kinh nghiệm của chuyên gia, lao động kỹ thuật hoặc giấy phép lao động đã được cấp hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã được cấp.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động
Trường hợp người lao động vào làm việc tại Việt Nam dưới hình thức thực hiện hợp đồng lao động, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động được nhấn mạnh rõ là không cần bao gồm các giấy tờ liên quan đến người lao động như văn bản cử sang làm việc, hợp đồng cung cấp dịch vụ như các trường hợp khác.
Đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam dưới hình thức nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật có thể thay văn bản cử người của tổ chức nước ngoài bằng giấy tờ chứng minh là nhà quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp Việt Nam hoặc người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức.
Bổ sung hồ sơ cấp phép trong trường hợp đặc biệt mới đối với người lao động nước ngoài là chuyên gia, lao động kỹ thuật đã được cấp giấy phép lao động và đã được gia hạn một lần mà có nhu cầu tiếp tục làm việc với cùng vị trí công việc và chức danh công việc ghi trong giấy phép lao động. Theo đó, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động mới trong trường hợp này không cần bao gồm Phiếu lý lịch tư pháp, giấy tờ chứng minh vị trí, nhưng phải bổ sung kèm theo bản sao giấy phép lao động đã được cấp.
Quy định về tài liệu trong hồ sơ
Hộ chiếu
Hộ chiếu trong hồ sơ đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động (Điều 8.3) , hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động (Điều 9.7) và hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép lao động (Điều 17.5), nghị định mới đã thay thế cụm từ “Bản sao có chứng thực hộ chiếu” bằng cụm từ “Bản sao có chứng thực hộ chiếu hoặc bản sao hộ chiếu có xác nhận của người sử dụng lao động”.
Theo đó, ngoài bản sao có chứng thực hộ chiếu, người lao động hiện tại có thể thay việc chứng thực bằng xác nhận của người sử dụng lao động để hợp lệ hóa tài liệu trong hồ sơ đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Chứng thực giấy tờ
Cũng trong các hồ sơ trên, nghị định mới cũng sửa đổi quy định về chứng thực các giấy tờ. Cụ thể, nghị định 70/2023/NĐ-CP đã thay thế cụm từ “dịch ra tiếng Việt và có chứng thực” bằng cụm từ “dịch ra tiếng Việt và công chứng hoặc chứng thực” đối với các giấy tờ quy định tại Điều 9.10 và Điều 23.4.
Theo đó, luật đã quy định rõ các văn bản này có thể được công chứng theo pháp luật công chứng ở Việt Nam, chứ không chỉ bằng thủ tục chứng thực tại cơ quan nhà nước mới có tính hợp lệ khi nộp hồ sơ theo quy định. Việc này phù hợp với nhu cầu công chứng của người nước ngoài hoặc các tổ chức, doanh nghiệp là người nộp đơn trên ở Việt Nam do sự tiện dụng và nhanh chóng của thủ tục công chứng tại Việt Nam.
Hình thức của giấy phép lao động
Nghị định 70/2023/NĐ-CP đã bổ sung quy định về hình thức của giấy phép lao động được cấp tại Điều 11.2 của Nghị định 152 trước đó. Theo đó, ngoài việc quy định mẫu đính kèm Phụ lục 1 của Nghị định 152, giấy phép còn cần đảm bảo:
Giấy phép lao động có kích thước khổ A4, gồm 2 trang: trang 1 có màu xanh; trang 2 có nền màu trắng, hoa văn màu xanh, ở giữa có hình ngôi sao. Giấy phép lao động được mã số như sau: mã số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và mà số Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo mẫu quy định; 2 chữ số cuối của năm cấp giấy phép; loại giấy phép (cấp mới ký hiệu 1; gia hạn ký hiệu 2; cấp lại ký hiệu 3); số thứ tự (từ 000.001).
Trường hợp giấy phép lao động là bản điện tử thì phải phù hợp với quy định của pháp luật liên quan và đáp ứng nội dung theo mẫu quy định.
Cấp lại giấy phép lao động
Nghị định mới đã bổ sung trường hợp “thay đổi nội dung liên quan đến đổi tên doanh nghiệp mà không thay đổi mã số doanh nghiệp ghi trong giấy phép lao động còn thời hạn là trường hợp cấp lại giấy phép lao động”.
Tuy nhiên có thể thấy đây là một quy định chưa hợp lý, bởi trên thực tế thông tin về mã số doanh nghiệp không được hiển thị trên giấy phép lao động nên không có cơ sở để kiểm chứng việc thay đổi tên doanh nghiệp có làm thay đổi mã số doanh nghiệp không. Trường hợp này có thể hiểu, tên doanh nghiệp được hiển thị trên giấy phép lao động bị thay đổi thì người lao động phải xin cấp lại giấy phép lao động, nếu giấy phép còn hiệu lực.
Hồ sơ đề nghị cấp lại cũng đã lược đi thành phần hồ sơ được cho là không hợp lý trong thực tế, đó là “văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài trừ những trường hợp không phải xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài”.
Thẩm quyền cấp giấy phép lao động
Trước đây, Ban quản lý khu công nghiệp cũng có thẩm quyền “Cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế” theo Điều 6a của Nghị định 152/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 35/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên, Nghị định 70/2023/NĐ-CP đã bãi bỏ thẩm quyền này và tập trung đầu mối cấp giấy phép về Bộ và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.
Trên đây là một số nội dung cập nhật về Điểm mới Nghị định 70/2023/NĐ-CP liên quan đến Giấy phép lao động được Luật Việt An tổng hợp. Quý khách có nhu cầu cấp mới, cấp lại, gia hạn Giấy phép lao động hay các thủ tục liên quan, vui lòng liên hệ đến Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.