Điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo quản lý nhà chung cư
Trước đây, kinh doanh dịch vụ đào tạo quản lý nhà chung cư được xem là một ngành nghề có điều kiện. Tuy nhiên, với những thay đổi mới của pháp luật, các quy định về điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa đáng kể. Điều này tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các tổ chức, cá nhân muốn tham gia vào lĩnh vực này. Bài viết sẽ giúp khách hàng hiểu rõ hơn về những thay đổi mới nhất và các điều kiện cần thiết để kinh doanh dịch vụ đào tạo quản lý nhà chung cư.
Điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo quản lý nhà chung cư
Trước đây, kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Nhưng chính thức kể từ ngày 01/01/2021 theo Luật Đầu tư 2020 thì ngành, nghề này không còn là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, theo Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư và Thông tư 05/2021/TT-BXD đã bãi bỏ điều kiện kinh doanh đối với loại hình dịch vụ này.
Nguyên tắc quản lý, vận hành nhà chung cư
Các nguyên tắc quản lý, vận hành nhà chung cư phải được thực hiện theo các nguyên tắc quy định tại Điều 4 Thông tư 02/2016/TT-BXD được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2, 3 Điều 1 Thông tư 06/2019/TT-BXD như sau:
Thứ nhất, việc quản lý, sử dụng nhà chung cư được thực hiện trên cơ sở tự nguyện cam kết, thỏa thuận giữa các bên nhưng không được trái pháp luật về nhà ở, pháp luật có liên quan và đạo đức xã hội.
Thứ hai, việc đóng kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư được thực hiện theo thỏa thuận giữa chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư với đơn vị quản lý vận hành trên cơ sở các quy định của pháp luật về nhà ở. Việc sử dụng kinh phí phải công khai, minh bạch và đúng mục đích.
Thứ ba, chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư phải đóng kinh phí bảo trì, quản lý vận hành, hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư và các khoản phí, lệ phí khác trong quá trình sử dụng nhà chung cư theo quy định; phải chấp hành nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư, quy định của pháp luật.
Thứ tư, ban quản trị nhà chung cư thay mặt cho các chủ sở hữu, người đang sử dụng để thực hiện các quyền và trách nhiệm liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư theo quy định của pháp luật; Trường hợp nhà chung cư không bắt buộc phải thành lập Ban quản trị theo quy định của Luật Nhà ở thì các chủ sở hữu, người đang sử dụng tự thỏa thuận phương án quản lý nhà chung cư.
Thứ năm, mọi hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Quy định về Quản lý, vận hành nhà chung cư
Điều kiện chức năng và năng lực đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 105 Luật nhà ở 2014, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư phải có đủ điều kiện về chức năng và năng lực theo quy định sau đây:
Được thành lập, hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp hoặc Luật hợp tác xã và có chức năng quản lý vận hành nhà chung cư;
Phải có các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ về quản lý vận hành nhà chung cư bao gồm bộ phận kỹ thuật, dịch vụ, bảo vệ an ninh, vệ sinh, môi trường;
Có đội ngũ cán bộ, nhân viên đáp ứng yêu cầu về quản lý vận hành nhà ở bao gồm lĩnh vực xây dựng, kỹ thuật điện, nước, phòng cháy, chữa cháy, vận hành trang thiết bị gắn với nhà chung cư và có giấy chứng nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Quy định khác
Đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện việc quản lý vận hành hệ thống kỹ thuật, trang thiết bị, cung cấp các dịch vụ cho nhà chung cư, bảo trì nhà chung cư nếu có năng lực thực hiện bảo trì và thực hiện các công việc khác liên quan đến việc quản lý vận hành nhà chung cư;
Đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư được thu kinh phí quản lý vận hành của các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư theo mức giá quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 106 của Luật này; đối với nhà chung cư thuộc sở hữu nhà nước thì giá dịch vụ quản lý vận hành được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 106 của Luật này;
Đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư được quản lý, vận hành nhiều nhà chung cư tại một hoặc nhiều địa bàn khác nhau.
Giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư
Theo Điều 30 Thông tư 02/2016/TT-BXD được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2019/TT-BXD quy định Giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được xác định theo quy định tại Điều 106 của Luật Nhà ở, được căn cứ vào từng nhà chung cư và trên cơ sở thỏa thuận với đơn vị quản lý vận hành.
Trường hợp nhà chung cư đã được bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa tổ chức được hội nghị nhà chung cư lần đầu
Trường hợp này, giá dịch vụ quản lý vận hành do chủ đầu tư quyết định và được ghi rõ trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ.
Sau khi tổ chức được hội nghị nhà chung cư thì giá dịch vụ do hội nghị nhà chung cư quyết định trên cơ sở thống nhất với đơn vị quản lý vận hành.
Giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được xác định bằng tiền Việt Nam đồng và tính trên mỗi mét vuông (m2) diện tích sử dụng căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư (xác định theo diện tích thông thủy).
Trường hợp nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp
Trường hợp này, giá dịch vụ quản lý vận hành áp dụng đối với phần diện tích văn phòng, dịch vụ, thương mại và diện tích thuộc sở hữu riêng dùng làm chỗ để xe ô tô được xác định theo nguyên tắc sau đây:
Giá dịch vụ quản lý vận hành áp dụng đối với phần diện tích văn phòng, dịch vụ, thương mại do các bên thỏa thuận trên cơ sở tình hình thực tế của hoạt động kinh doanh, dịch vụ, văn phòng và của từng vị trí nhà chung cư;
Giá dịch vụ quản lý vận hành áp dụng đối với phần diện tích thuộc sở hữu riêng dùng làm chỗ để xe ô tô do các bên thỏa thuận và có thể được tính thấp hơn giá dịch vụ quản lý vận hành áp dụng đối với căn hộ trong cùng một tòa nhà. Quy định này cũng áp dụng đối với phần diện tích thuộc sở hữu riêng dùng làm chỗ để xe ô tô của nhà chung cư chỉ có mục đích để ở;
Trường hợp các bên không thỏa thuận được giá dịch vụ ở trên thì xác định theo khung giá dịch vụ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà chung cư đó quy định.
Đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư xác định cụ thể và thu kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư của các chủ sở hữu, người sử dụng trên cơ sở mức giá được xác định theo quy định tại Điều này.
Một số câu hỏi liên quan
Ai là người quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định hiện nay?
Căn cứ theo Điều 105 Luật nhà ở 2014, việc quản lý vận hành nhà chung cư được quy định như sau:
Đối với nhà chung cư có thang máy thì do đơn vị có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện;
Đối với nhà chung cư không có thang máy thì Hội nghị nhà chung cư họp quyết định tự quản lý vận hành hoặc thuê đơn vị có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện.
Cách tính chi phí quản lý nhà chung cư
Theo Điều 31 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2019/TT-BXD, tùy vào loại chung cư mà cách tính chi phí quản lý chung cư cao tầng, quản lý chung cư cao cấp sẽ khác nhau:
Đối với căn hộ chung cư: Diện tích thông thủy của căn hộ (x) giá dịch vụ quản lý;
Đối với khu nhà thấp tầng: Diện tích sàn được sử dụng (x) giá dịch vụ quản lý.
Trên đây là phần cung cấp thông tin về Điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo quản lý nhà chung cư của Luật Việt An. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ nhanh nhất. Xin cảm ơn!