Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh phòng cháy chữa cháy
Kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy là một trong những ngành kinh doanh có vai trò quan trọng và cần tuân theo các điều kiện của pháp luật. Vậy điều kiện để có thể kinh doanh phòng cháy chữa cháy là gì? Phải làm gì để được cấp giấy xác nhận như nào? Để giải đáp thắc mắc của quý khách hàng, công ty Luật Việt An đưa ra bài viết về Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh phòng cháy, chữa cháy dưới đây.
Căn cứ pháp lý
Luật Phòng cháy chữa cháy năm 2001, sửa đổi bổ sung 2013;
Luật Doanh nghiệp 2020;
Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Điều kiện kinh doanh phòng cháy chữa cháy
Căn cứ theo quy định tại Điều 41 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì các đối tượng được phép kinh doanh PCCC bao gồm:
Cá nhân kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy;
Cơ sở kinh doanh PCCC sau đây:
Hộ kinh doanh;
Doanh nghiệp Việt Nam;
Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài;
Chi nhánh và các đơn vị trực thuộc doanh nghiệp;
Hợp tác xã, liên hợp tác xã;
Các đơn vị sự nghiệp của nhà nước…
Theo quy định tại Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi năm 2013, các ngành nghề kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy bao gồm:
Kinh doanh thiết bị, vật tư, phương tiện PCCC;
Huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ PCCC;
Tư vấn thiết kế, thẩm định, giám sát, kiểm tra; thi công lắp đặt hệ thống PCCC; sản xuất, lắp đặt thiết bị, phương tiện PCCC; tư vấn chuyển giao công nghệ phòng cháy và chữa cháy; sản xuất; lắp ráp phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy.
Trình tự và thủ tục đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh phòng cháy chữa cháy
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền quy định của pháp luật hiện hành theo một trong các hình thức sau:
Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền;
Trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyển (đối với các văn bản, giấy tờ thuộc danh mục bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước);
Thông qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật;
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra thành phần, tính hợp lệ của hồ sơ và thực hiện theo các quy định sau:
Trường hợp hồ sơ chưa đầu đủ thành phần hoặc chưa hợp lệ theo quy định thì hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định và ghi thông tin vào Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC04);
Trường hợp hồ sơ đầy đủ thành phần và hợp lệ theo quy định thì tiếp nhận và ghi thông tin vào Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC03).
Bước 3: Thông báo kết quả xử lý hồ sơ
Trong trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải giao trực tiếp 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về PCCC hoặc Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về PCCC cho người đến nộp hồ sơ và lưu 01 bản;
Trường hợp nộp hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận gửi thông báo qua thư điện tử, tin nhắn điện thoại về việc tiếp nhận hoặc hướng dẫn bổ sung hồ sơ đến cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ;
Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền quy định của pháp luật, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải gửi 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy chữa cháy cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ trước đó và lưu 01 bản.
Lưu ý:
Người được cơ quan, tổ chức cử đến liên hệ nộp hồ sơ phải có Giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền, xuất trình thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu có giá trị sử dung.
Nếu hồ sơ hợp lệ và đủ thành phần thì viết Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về PCC (Mẫu số PC03) giao cho người nộp hồ sơ 01 bản và lưu 01 bản;
Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thành phần hoặc chưa hợp lệ thì trả lại, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ và ghi thông tin vào Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ (Mẫu số PC04) giao cho người nộp hồ sơ 01 bản và lưu 01 bản.
Trường hợp hồ sơ không thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết thì trả hồ sơ, viết Phiếu từ chối nhận hồ sơ (Mẫu BM.03) và hướng dẫn để cơ quan, tổ chức, cá nhân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Bước 4: Nhận kết quả
Căn cứ theo ngày hẹn trên Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy, cơ quan, tổ chức, cá nhân đến nơi nộp hồ sơ để nhận kết quả.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận đủ hồ sơ, kết quả nhận được từ cơ quan thẩm quyền sẽ có 2 trường hợp:
Trường hợp 1: Giấy chứng nhận đủ điều kinh doanh dịch vụ PCCC nếu hồ sơ hợp lệ;
Trường hợp 2: Văn bản trả lời có ghi rõ lý do nếu hồ sơ chưa hợp lệ.
Cơ sở kinh doanh chỉ được tiến hành các hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy sau khi được cơ quan Công an cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy.
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh phòng cháy chữa cháy
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh phòng cháy chữa cháy gồm các giấy tờ sau:
Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC (mẫu số PC33);
Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
Bản sao hợp lệ văn bằng, chứng chỉ về trình độ chuyên môn của người đại diện pháp luật;
Danh sách cá nhân có văn bằng, chứng chỉ về PCCC phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp cơ sở;
Bản sao hợp lệ hợp đồng lao động của cá nhân hoặc quyết định tuyển dụng;
Văn bản chứng minh đủ điều kiện về thiết bị, phương tiện, cơ sở vật chất về PCCC.
Hồ sơ đề nghị cấp đổi Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy đối với trường hợp cơ sở kinh doanh có sự thay đổi về người đúng đầu, người đại diện theo pháp luật gồm
Văn bản đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC33);
Văn bằng hoặc Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy của người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh;
Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC đã được cấp trước đó
Một số câu hỏi liên quan
Kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy gồm những ngành nghề nào?
Kinh doanh dịch vụ PCCC gồm:
Kinh doanh các thiết bị, phương tiện, vật tư PCCC;
Hướng dẫn, huấn luyện về nghiệp vụ PCCC;
Tư vấn thiết kế, thẩm định, giám sát; tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật; thi công, lắp đặt thiết bị PCCC.
Giấy xác nhận kinh doanh dịch vụ PCC bị thu hồi khi nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 46 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, thì:
Cơ sở kinh doanh không bảo đảm duy trì các điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy sau khi đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy sẽ bị thu hồi Giấy xác nhận kinh doanh dịch vụ PCCC.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về thủ tục đề nghị cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh phòng cháy chữa cháy,xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.