Điều kiện thành lập công ty kinh doanh lữ hành nội địa
Phát triển du lịch đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên sinh thái, truyền thống văn hóa lịch sử. Nhận thấy được tiềm năng đó, nhu cầu thành lập công ty kinh doanh lữ hành nội địa đang trở lên mạnh mẽ hơn. Bài viết dưới đây của Luật Việt An sẽ cung cấp cho quý khách một vài thông tin về điều kiện thành lập công ty kinh doanh lữ hành nội địa.
Cơ sở pháp lý
Biểu cam kết Việt Nam trong WTO;
Luật Doanh nghiệp 2020;
Luật Du lịch 2017;
Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật du lịch, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 94/2021/NĐ-CP.
Thông tư 06/2017/TT-BCHTTDL quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 13/2021/TT-BVHTTDL.
Kinh doanh lữ hành nội địa là gì?
Theo quy định hiện hành ở Việt Nam, kinh doanh lữ hành nội địa là một hoạt động của doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ du lịch và lữ hành trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Hoạt động này bao gồm xây dựng mạng lưới đối tác, thiết kế và tổ chức các tour du lịch nội địa, chăm sóc khách hàng và quảng bá dịch vụ du lịch trong nước.
Điều kiện tiếp cận thị trường lữ hành nội địa đối với nhà đầu tư nước ngoài
Trong khuôn khổ WTO, Việt Nam hiện có cam kết đối với ngành Dịch vụ đại lý lữ hành và điều hành tour du lịch (CPC 7471), theo đó các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ nhưng chỉ dưới hình thức liên doanh với đối tác Việt Nam, và phần vốn góp của phía nước ngoài không bị hạn chế. Ngoài ra, hướng dẫn viên du lịch trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải là công dân Việt Nam.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được phép cung cấp dịch vụ đưa khách vào du lịch Việt Nam (inbound) và lữ hành nội địa đối với khách vào du lịch Việt Nam như là một phần của dịch vụ đưa khách vào du lịch Việt Nam. Theo đó công ty du lịch có vốn đầu tư nước ngoài không được đưa khách Việt Nam và khách nước ngoài đi du lịch ngoài lãnh thổ Việt Nam tức không được kinh doanh dịch vụ outbound.
Điều kiện thành lập công ty kinh doanh lữ hành nội địa
Là doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật
Quý khách hàng lưu ý về ngành nghề cũng như mức vốn điều lệ khi đăng ký như sau:
Ngành nghề đăng ký là Điều hành tua du lịch, chi tiết: Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế. Ngoài ra, Quý khách hàng cũng nên đăng ký những mã ngành liên quan đến du lịch như đại lý du lịch, kinh doanh lưu trú, dịch vụ hỗ trợ du lịch… Việt An sẽ tư vấn và sắp xếp mã ngành phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng.
Về vốn: Do điều kiện xin cấp giấy phép lữ hành nội địa yêu cầu mức ký quỹ là 20.000.000 đồng nên Quý khách hàng cân đối để đăng ký mức vốn cao hơn, phù hợp với quy mô kinh doanh.
Hồ sơ cần chuẩn bị:
Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
Điều lệ công ty;
Giấy chứng thực cá nhân của thành viên/cổ đông sáng lập;
Giấy ủy quyền cho Luật Việt An thực hiện thủ tục;
Các giấy tờ về chứng minh địa chỉ: Quý khách hàng lưu ý không đăng ký địa chỉ tại chung cư và nhà tập thể theo quy định của Luật Nhà ở. Nếu đăng ký tại tòa nhà phải chứng minh địa chỉ đăng ký có chức năng kinh doanh thương mại được thể hiện tại quyết định xây dựng.
Cách thức thực hiện: Nộp trực tiếp hoặc nộp trực tuyến tại trang web Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (dangkykinhdoanh.gov.vn)
Thời hạn xử lý: Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ trả lời về tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp phải sửa đổi, bổ sung sẽ thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.
Kết quả thủ tục: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có mã số doanh nghiệp đồng thời là mã số thuế.
Lưu ý: Sau khi đã có giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở kế hoạch đầu tư tỉnh/thành phố cấp thì công ty tiến hành khắc dấu, đăng ký hồ sơ thuế ban đầu tại chi cục thuế, thực hiện thủ tục phát hành hóa đơn để chuẩn bị đi vào hoạt động.
Ký quỹ tại ngân hàng
Các cá nhân, tổ chức muốn thành lập công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa sẽ phải thực hiện việc ký quỹ tại ngân hàng. Mức ký quỹ là 20.000.000 đồng. Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng thương mại. Hoặc tại ngân hàng hợp tác xã. Hoặc tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Và được hưởng lãi suất theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ phù hợp với quy định của pháp luật. Tiền ký quỹ phải được duy trì trong suốt thời gian doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Sau khi phong tỏa số tiền ký quỹ. Ngân hàng nhận ký quỹ cấp Giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành cho doanh nghiệp.
Điều kiện về nhân sự
Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành: Chuyên ngành về lữ được thể hiện trên bằng tốt nghiệp của một trong các ngành, nghề, chuyên ngành sau đây:
Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;
Quản trị lữ hành;
Điều hành tour du lịch;
Marketing du lịch;
Du lịch;
Du lịch lữ hành;
Quản lý và kinh doanh du lịch;
Quản trị du lịch MICE;
Đại lý lữ hành;
Hướng dẫn du lịch;
Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành’, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở giáo dục ở Việt Nam đào tạo.
Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở đào tạo nước ngoài đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp.
Trường hợp bằng tốt nghiệp không thể hiện các ngành, nghề, chuyên ngành quy định thì bổ sung bảng điểm tốt nghiệp hoặc phụ lục văn bằng thể hiện ngành, nghề, chuyên ngành, trong đó có một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch”.’’
Thủ tục đăng ký thành lập công ty kinh doanh lữ hành nội địa
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp
Bước 2: Nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch & Đầu tư
Bước 3: Công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp
Sau khi được sở kế hoạch đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia. Nội dung công bố bao gồm nội dung Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp, các thông tin về ngành nghề kinh doanh.
Bước 4: Khắc dấu và thủ tục sau thành lập
Doanh nghiệp tự quyết mẫu dấu và quản lý con dấu của mình. Dấu khắc của doanh nghiệp cần đảm bảo chứa thông tin như mã số thuế, địa chỉ liên hệ của công ty.
Thủ tục cần thực hiện sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Treo biển tại trụ sở công ty.
Mở tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp, thông báo tài khoản ngân hàng với Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh.
Đăng ký chữ ký số điện tử.
Phát hành hóa đơn.
Kê khai và nộp thuế môn bài
Góp vốn đầy đủ đúng hạn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày cấp đăng ký kinh doanh.
Tốt nghiệp ngành hướng dẫn du lịch có mở công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa được không?
Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành được quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL là người giữ một trong các chức danh sau: chủ tịch hội đồng quản trị; chủ tịch hội đồng thành viên; chủ tịch công ty; chủ doanh nghiệp tư nhân; tổng giám đốc; giám đốc hoặc phó giám đốc; trưởng bộ phận kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Dịch vụ tư vấn thành lập công ty lữ hành nội địa của Công ty luật Việt An
Tư vấn điều kiện, soạn thảo hồ sơ đăng ký cấp giấy phép đăng ký kinh doanh và các thủ tục sau thành lập công ty;
Tư vấn điều kiện, hồ sơ đăng ký cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa;
Thay mặt doanh nghiệp làm các thủ tục xin phép tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Trao đổi, cung cấp thông tin cho khách hàng trong tiến trình cấp phép;
Nhận và giao lại cho khách hàng các giấy phép theo yêu cầu.
Trên đây là một vài những tư vấn của Luật Việt An về điều kiện thành lập công ty kinh doanh lữ hành nội địa. Nếu quý khách có thắc gì thêm về thành lập doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành, xin Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa, lữ hành quốc tế hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất!