Điều kiện thành lập công ty vốn đầu tư Hồng Kông tại Việt Nam
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 06 tháng đầu năm 2024, Hồng Kông (Trung Quốc) là đối tác lớn thứ 3 đã đầu tư vào Việt Nam. Hai cách thức phổ biến mà nhà đầu tư Hồng Kông đầu tư vào Việt Nam là thành lập doanh nghiệp và đầu tư theo hình thức mua vốn góp, cổ phần vào doanh nghiệp Việt Nam. Vậy nhà đầu tư Hồng Kông muốn góp vốn thành lập công ty tại Việt Nam, cần lưu ý những điều kiện nào? Sau đây, Công ty Luật Việt An tư vấn về điều kiện thành lập công ty vốn đầu tư Hồng Kông tại Việt Nam.
Điều kiện thành lập công ty vốn đầu tư Hồng Kông tại Việt Nam
Điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư Hồng Kông theo Cam kết WTO
Nhà đầu tư Hồng Kông được đầu tư tại Việt Nam theo tỷ lệ sở hữu vốn tuân theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và các văn bản pháp luật chuyên ngành của Việt Nam.
Nhà đầu tư Hồng Kông được phép thành lập công ty 100% vốn vào hầu hết các lĩnh vực đầu tư như: Sản xuất, Thương mại, xuất nhập khẩu; tư vấn quản lý, dịch vụ máy vi tính, dịch vụ ăn uống, khách sạn; Bất động sản; Thương mại điện tử; Giáo dục,…
Tuy nhiên, có một ngành nghề có hạn chế tỉ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài theo Cam kết WTO, ví dụ như:
Các dịch vụ có hạ tầng mạng: Ngay sau khi gia nhập, cho phép liên doanh với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông được cấp phép tại Việt Nam. Phần vốn góp của phía nước ngoài trong liên doanh không vượt quá 49% vốn pháp định của liên doanh.
Dịch vụ giải trí (bao gồm nhà hát, nhạc sống và xiếc) (CPC 9619): Sau 5 năm kể từ ngày gia nhập, cho phép thành lập liên doanh trong đó tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài không được vượt quá 49%.
Kinh doanh trò chơi điện tử (CPC 964): Phần vốn góp của phía nước ngoài trong liên doanh không được vượt quá 49% vốn pháp định của liên doanh.
Dịch vụ vận tải hành khách (CPC 7221), Dịch vụ vận tải hàng hóa (CPC 7222): Nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chỉ được phép cung cấp dịch vụ thông qua việc thành lập liên doanh với đối tác Việt Nam trong đó phần vốn góp của phía nước ngoài không được vượt quá 49% tổng vốn pháp định.;….
Điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư Hồng Kông theo Luật Đầu tư
Căn cứ Điều 9 Luật Đầu tư năm 2020 và Mục 2 Chương II Nghị định 31/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường theo Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được công bố tại Phụ lục I Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Cụ thể:
Các điều kiện tiếp cận thị trường này bao gồm:
Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
Hình thức đầu tư;
Phạm vi hoạt động đầu tư;
Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư trong các ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường theo quy định tại Mục A Phụ lục này.
Đối với các ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Mục B Phụ lục này, nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường được đăng tải theo quy định tại Điều 18 Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, tập hợp điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành, nghề quy định tại Phụ lục I để đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư.
Cần lưu ý điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề Việt Nam chưa cam kết về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng như sau:
Trường hợp pháp luật Việt Nam không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề đó thì nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước;
Trường hợp pháp luật Việt Nam đã có quy định về hạn chế tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành, nghề đó thì áp dụng quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều kiện về hình thức đầu tư
Căn cứ Điều 21 Luật Đầu tư 2020 quy định về hình thức đầu tư bao gồm:
Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
Thực hiện dự án đầu tư.
Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Lưu ý về đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo Điều 22 Luật Đầu tư 2020:
Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trên.
Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Lưu ý đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo Điều 24 Luật Đầu tư 2020:
Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài;
Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Đầu tư 2020;
Điều kiện pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.
Điều kiện về phạm vi hoạt động
Cũng như bất cứ nhà đầu tư nước ngoài khác, nhà đầu tư Hồng Kông được phép đầu tư thành lập công ty tại Việt Nam và được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như nhà đầu tư trong nước.
Tuy nhiên, trừ một số ngành, dịch vụ đặc thù như Giáo dục, kinh doanh bất động sản, thương mại với một số hàng hóa thuộc danh mục hạn chế, cấm xuất nhập khẩu và phân phối;… có quy định hạn chế về phạm vi hoạt động đầu tư.
Điều kiện xin giấy phép con đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Nhà đầu tư Hồng Kông phải thực hiện xin giấy phép con theo đúng quy định pháp luật chuyên ngành đối với một số lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định pháp luật Việt Nam. Điều kiện này được áp dụng chung cho toàn bộ nhà đầu tư Việt Nam cũng như các nhà đầu tư nước ngoài khác khi thực hiện thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.
Giấy phép con này có thể thể hiện dưới các hình thức như: Giấy chứng nhận, Giấy đăng ký; Chứng chỉ, Văn bản xác nhận,…
Hiện nay, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh danh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư 2020, Luật số 03/2022/QH15, Luật Điện ảnh 2022, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 với 229 ngành, nghề.
Một số lĩnh vực đầu tư phải đáp ứng điều kiện này như sau:
Thương mại: bán lẻ hàng hóa;
Giáo dục; y tế;
Kinh doanh dich vụ lữ hành, lưu trú, dịch vụ cung cấp đồ ăn đồ uống;
Dịch vụ logistics;
Dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử;
Dịch vụ tài chính;
Xây dựng như: dịch vụ khảo sát xây dựng, dịch vụ tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng, hoạt động xây dựng của nhà thầu nước ngoài,…
Có hạn chế nào đối với nhà đầu tư Hồng Kông là cá nhân đầu tư vào Việt Nam hay không?
Nhà đầu tư Hồng Kông là cá nhân hay pháp nhân đều không có quy định hạn chế đầu tư vào Việt Nam. Không có những rào cản như nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc có “đường lưỡi bò” trên hộ chiếu, nhà đầu tư Hồng Kong không bị hạn chế đầu tư nào, ngay cả việc cấp visa và thẻ tạm trú tại Việt Nam. Nhà đầu tư Hồng Kông vẫn thực hiện các thủ tục để cấp visa và thẻ trạm trú bình thường.
Sau khi nhà đầu tư Hồng Kông tìm hiểu và đáp ứng các điều kiện đầu tư sẽ thực hiện các thủ tục để thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.
Trên đây là tư vấn của Luật Việt An về điều kiện thành lập công ty vốn đầu tư Hồng Kông tại Việt Nam. Qúy khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn về thành lập doanh nghiệp, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn hỗ trợ tốt nhất!