Đối tượng nào được đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom
Hệ thống giao dịch Upcom (Unlisted Public Company Market) là hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết do Sở giao dịch chứng khoán tổ chức, vận hành (khoản 35 Điều 3 Nghị định 155/2020/NĐ-CP). Đây là một sàn giao dịch chứng khoán tại Việt Nam được thành lập vào năm 2009 với mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam bằng cách cung cấp một nền tảng cho các công ty cổ phần đại chúng chưa niêm yết và các công ty cổ phần có quy mô vừa và nhỏ có thể giao dịch cổ phiếu công khai. Vậy đối tượng nào được đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom? Sau đây Luật Việt An sẽ tư vấn giải đáp thắc mắc cho quý khách hàng.
Hệ thống giao dịch Upcom có những đặc điểm quan trọng nào?
Một số đặc điểm quan trọng mà nhà đầu tư cần biết về sàn Upcom có thể kể đến như:
Upcom là sàn giao dịch chứng khoán dành riêng cho các công ty không niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán (HOSE) hoặc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Tính thanh khoản trên Upcom thường thấp. Do đó, việc mua bán cổ phiếu trên Upcom có thể gặp khó khăn và thời gian giao dịch có thể lâu hơn.
Các công ty niêm yết trên Upcom phải tuân thủ quy định về công bố thông tin và minh bạch, bao gồm công bố báo cáo tài chính định kỳ và thông tin quan trọng về hoạt động kinh doanh.
Trên Upcom, các công ty có thể được niêm yết với mức giá ban đầu thấp hơn so với các sàn giao dịch chứng khoán khác.
Biên độ giao động giá cổ phiếu có thể biến động mạnh (15% so với giá tham chiếu) và không thể dự đoán trước,
Sàn Upcom chịu sự quản lý và giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và Hội đồng Quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VSD)
Đối tượng nào được đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 133 Nghị định 155/2020/NĐ-CP thì những đối tượng sau được đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom:
Công ty đại chúng không niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán;
Công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc hoặc hủy bỏ niêm yết tự nguyện nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng;
Doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc đối tượng phải đăng ký giao dịch theo quy định pháp luật về chuyển doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Thời hạn thực hiện đăng ký giao dịch là bao lâu?
Đối với công ty đại chúng không niêm yết
Công ty đại chúng phải hoàn tất việc đăng ký cổ phiếu tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom theo quy định tại điểm d, đ khoản 1 Điều 34 Luật Chứng khoán 2019:
Công ty đại chúng có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ phải đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng.
Công ty đại chúng đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải đưa cổ phiếu vào niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán ra công chúng.
Đối với công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày hủy bỏ niêm yết có hiệu lực, Sở giao dịch chứng khoán có trách nhiệm phối hợp với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu của công ty bị hủy bỏ niêm yết.
Đối với doanh nghiệp cổ phần hóa
Thời hạn đăng ký giao dịch của doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện theo quy định pháp luật về chuyển doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Doanh nghiệp cổ phần hóa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định pháp luật và quy chế của Sở giao dịch chứng khoán.
Hồ sơ đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom gồm những gì?
Đối với công ty đại chúng không niêm yết
Hồ sơ đăng ký giao dịch của công ty đại chúng có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ bao gồm:
(1) Giấy đề nghị đăng ký giao dịch cổ phiếu theo Mẫu số 36 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155/2020:
(2) Điều lệ công ty;
(3) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
(4) Bản công bố thông tin về công ty đại chúng bao gồm thông tin tóm tắt về mô hình tổ chức bộ máy, hoạt động kinh doanh, bộ máy quản lý, cơ cấu cổ đông, tài sản, tình hình tài chính và các thông tin khác
(5) Báo cáo tài chính năm gần nhất của công ty cổ phần được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập
(6) Giấy xác nhận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc hoàn tất đăng ký công ty đại chúng
(7) Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và văn bản thông báo cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam về việc đăng ký ngày chốt danh sách cổ đông để đăng ký giao dịch.
Hồ sơ đăng ký giao dịch của công ty đại chúng đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng bao gồm:
Tài liệu số 1, 2, 3, 6, 7 như trường hợp trên;
Bản cáo bạch kèm theo Giấy chứng nhận đăng ký chào bán và báo cáo kết quả chào bán chứng khoán ra công chúng;
Đối với doanh nghiệp cổ phần hóa
Đối với trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa đã hoàn tất việc chuyển sang công ty cổ phần, hồ sơ đăng ký giao dịch bao gồm các tài liệu như trường hợp công ty đại chúng có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ.
Đối với trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa gắn với đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch, hồ sơ đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom thực hiện theo quy định pháp luật về chuyển doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Thủ tục đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom là bao lâu?
Theo Điều 135 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, thủ tục đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom được tiến hành như sau:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ hoặc kể từ ngày nhận được Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán có quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch đồng thời thực hiện công bố thông tin ra thị trường.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Sở giao dịch chứng khoán ban hành quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch, tổ chức phát hành có trách nhiệm đưa cổ phiếu vào giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom.
Đối với doanh nghiệp cổ phần hóa gắn với đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch thì trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom thực hiện theo quy định pháp luật về chuyển doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Khi nào phải thực hiện thay đổi đăng ký giao dịch trên hệ thống Upcom?
Theo Điều 136 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, tổ chức đăng ký giao dịch thực hiện thay đổi đăng ký giao dịch khi thay đổi số lượng cổ phiếu đưa vào đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.
Theo đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sửa đổi hoặc kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, phát hành hoặc kể từ ngày thay đổi số lượng cổ phiếu đăng ký giao dịch khác, tổ chức đăng ký giao dịch phải nộp hồ sơ thay đổi đăng ký giao dịch.
Trên đây là tư vấn của Luật Việt An về: Đối tượng nào được đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom.Qúy khách hàng có thắc mắc liên quan, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn hỗ trợ tốt nhất!