Trung Quốc là thị trường lớn và giàu tiềm năng cho các doanh nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của toàn khu vực. Để giúp phân biệt hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ của các chủ thể khác, ngăn chặn hành vi làm hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của doanh nghiệp trên thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp nên thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc. Sau khi thực hiện thủ tục này, nếu đủ điều kiện, các doanh nghiệp sẽ được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu. Tuy nhiên tương tự Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam, văn bằng bảo hộ này tại Trung Quốc cũng có hiệu lực trong một khoảng thời gian nhất định. Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ cung cấp cho Quý khách hàng những thông tin tư vấn pháp lý khái quát về gia hạn giấy chứng nhận nhãn hiệu tại Trung Quốc.
Nhãn hiệu ở Trung Quốc là gì?
Tại Trung Quốc, định nghĩa nhãn hiệu là bất kỳ dấu hiệu nào để phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của các cá nhân và tổ chức khác và dấu hiệu đó có thể là từ ngữ; tên gọi; hình; hình dạng ba chiều (3D); màu sắc; khẩu hiệu; bao bì sản phẩm (chỉ với các dạng bao bì sản phẩm có các yếu tố đặc biệt); và sự kết hợp của các yếu tố trên.
Theo đó, một nhãn hiệu muốn có khả năng đăng ký tại Trung Quốc thì nhãn hiệu đó cần đáp ứng các điều kiện sau:
Nhãn hiệu không được vi phạm các cơ sở tuyệt đối khi bảo hộ nhãn hiệu. Chẳng hạn, không rơi vào các trường hợp nộp đăng ký với dụng ý xấu, mẫu nhãn xâm phạm đến các dấu hiệu không được đăng ký như huy hiệu cơ quan nhà nước.
Nhãn hiệu phải có những đặc điểm phân biệt hàng hóa, dịch vụ;
Nhãn hiệu không được xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được xác lập trước, nhãn hiệu nổi tiếng, đơn đăng ký nhãn hiệu đã được nộp trước đó;
Nhãn hiệu không được xung đột với các quyền sở hữu trí tuệ khác đã được xác lập trước của người khác.
Lưu ý: Hiện nay, việc đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc có thể được thực hiện thông qua hai cách: Nộp đơn đăng ký trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc (Cơ quan Quản lý Sở hữu trí tuệ Quốc gia Trung Quốc – China National Intellectual Property Administration (CNIPA) hoặc chỉ định bảo hộ nhãn hiệu tại Trung Quốc thông qua Hệ thống Madrid. Nhãn hiệu được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu phải được sử dụng tại Trung Quốc trong vòng 03 năm kể từ ngày cấp bằng. Việc không sử dụng nhãn hiệu hoặc sử dụng không liên tục trong vòng 03 năm có thể là cơ sở để bên thứ ba hoặc cơ quan có thẩm quyền thu hồi/ hủy bỏ hiệu lực của văn bằng.
Một số dấu hiệu loại trừ không được bảo hộ nhãn hiệu tại Trung Quốc
Trung Quốc từ chối nhãn hiệu xin đăng ký chứa dấu hiệu liên quan đến vũ trụ ảo, tiền ảo, tiền điện tử. Đồng thời, từ chối sản phẩm xin đăng ký liên quan đến Metaverse, Non-fungible Token (NFT), Cryptocurrencies, Tokens, Virtual Currencies.
Trung Quốc từ chối nhãn hiệu xin đăng ký đối với dịch vụ bán buôn, bán lẻ (trừ dịch vụ bán buôn, bán lẻ dược phẩm cho người, thuốc thú ý và chế phẩm vệ sinh thuộc phân nhóm phụ subclass 3509.
Trung Quốc từ chối nhãn hiệu liên quan đến dịch vụ chiêm tinh, tử vi, bói toán và tư vấn tâm linh vì không coi đây là một dịch vụ kinh doanh trên thị trường.
Trung Quốc từ chối nhãn hiệu xin đăng ký chứa tên địa danh nước ngoài được biết tới rộng rãi bởi công chúng Trung Quốc.
Trung Quốc thường từ chối bảo hộ nhãn hiệu 3 chiều (nhãn hiệu hình dạng) nếu nó có tính chức năng, cụ thể nó chỉ gồm hình dạng xuất phát từ bản chất của sản phẩm, hoặc hình dạng mà nhất thiết phải có để đạt mục tiêu kỹ thuật, hoặc hình dạng đem lại cho sản phẩm giá trị lớn, tức hình dạng mang tính chất mô tả công dụng, hình thức của sản phẩm.
Trung Quốc từ chối nhãn hiệu xin đăng ký do chứa yếu tố gây hiểu sai lệch hoặc lừa dối người tiêu dùng nếu dấu hiệu mô tả có mặt trong nhãn hiệu không được dùng cho sản phẩm có liên quan đến dấu hiệu mô tả đó: từ chối toàn bộ do nhãn hiệu chỉ gồm chỉ dẫn tham chiếu trực tiếp đến chức năng của sản phẩm trong khi nhãn hiệu chứa từ “tea fusion” có khả năng gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, trùng với tên quốc gia, quốc kỳ của các nước trên thế giới.
Trung Quốc từ chối nhãn hiệu xin đăng ký được cấu thành bởi một hoặc hai chữ cái ghép với một hoặc hai chữ số chỉ được thể hiện ở hình thức đơn giản không có khả năng phân biệt.
Hình thức Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc
Nhãn hiệu đã đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ theo quy định pháp luật về Nhãn hiệu của Trung Quốc (cụ thể tại Luật Nhãn hiệu Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sửa đổi bổ sung 2019) sẽ được công bố trên Công báo, nếu không có ý kiến phản đối cấp bằng của bên thứ ba thì nhãn hiệu sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Từ năm 2021, Cơ quan Sở hữu trí tuệ Trung Quốc chỉ cấp Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu bản điện tử, giá trị hiệu lực của bản điện tử này là tương đương với bản giấy và có hiệu lực trên lãnh thổ Trung Quốc.
Hiệu lực của nhãn hiệu đã đăng ký tại Trung Quốc
Nếu tại Việt Nam, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn thì đối với Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc, thời hạn bảo hộ là 10 năm kể từ ngày cấp bằng.
Như vậy, thời hạn từ lúc nộp đơn đến cấp bằng của đơn đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc sẽ không tính vào thời hạn bảo hộ của nhãn hiệu như đơn Việt Nam, đồng thời chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ không mất khoảng thời gian thẩm định đơn đăng ký vào thời gian bảo hộ, đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu nhãn hiệu.
Trước khi Giấy chứng nhận hết hạn 6 tháng, chủ sở hữu cần phải gia hạn Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và có thể gia hạn 2 lần, mỗi lần 10 năm. Trong trường hợp chủ sở hữu điền hồ sơ gia hạn sau ngày hết hạn, 6 tháng là thời gian gia hạn đăng ký, nhưng phải chịu phạt nếu nộp chậm. Bất kỳ lần gia hạn đăng ký nào cũng phải được công bố sau khi được chấp thuận. Nếu không có đơn xin gia hạn đăng ký nào được nộp vào thời điểm hết thời hạn gia hạn, nhãn hiệu đã đăng ký sẽ bị hủy bỏ.
Sau đây là ví dụ về một đơn đăng ký sẽ hết hạn vào ngày 31 tháng 12 năm 2020:
Thời gian nộp
Kiểu
Phí
31/12/2019-31/12/ 2020
Gia hạn bình thường
Phí gia hạn
01/01/2021-30/06/2021
Gia hạn trong thời gian ân hạn
Phí gia hạn + phí gia hạn trễ
Sau 01/07/2021
Không thể gia hạn, hủy bỏ nhãn hiệu
Không áp dụng
Thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận nhãn hiệu tại Trung Quốc
Chủ sở hữu nhãn hiệu trực tiếp hoặc thông qua sử dụng dịch vụ pháp lý nộp hồ sơ yêu cầu gia hạn đơn yêu cầu gia hạn lên Cục Sở hữu trí tuệ Quốc gia Trung Quốc (CNIPA) hoặc thông qua Hệ thống Madrid, gồm các tài liệu:
Đơn yêu cầu gia hạn nhãn hiệu;
Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;
Bản sao giấy tờ chứng minh danh tính chủ sở hữu, đủ điều kiện chủ thể: CCCD đối với cá nhân, giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp hoặc giấy phép kinh doanh đối với tổ chức;
Tài liệu được dịch tra tiếng Trung nếu các tài liệu yêu cầu là tiếng nước ngoài;
Giấy ủy quyền (có chữ ký nếu thông qua dịch vụ pháp lý).
Chủ sở hữu nhãn hiệu trực tiếp hoặc thông qua sử dụng dịch vụ pháp lý nộp phí gia hạn theo quy định (nếu nộp đơn sau ngày hết hiệu lực, nộp thêm phí phạt):
Phí gia hạn Giấy chứng nhận dăng ký nhãn hiệu: Đối với đơn xin gia hạn bản giấy là 500 nhân dân tệ, đối với đơn điện tử là 450 nhân dân tệ.
Phí gia hạn Giấy chứng nhận dăng ký nhãn hiệu (phạt nộp muộn): Đối với đơn xin gia hạn bản giấy là 250 nhân dân tệ, đối với đơn điện tử là 225 nhân dân tệ.
Cơ quan Quản lý Sở hữu trí tuệ Quốc gia Trung Quốc sẽ cấp giấy chứng nhận gia hạn cho người nộp đơn bằng cách gửi thư trực tiếp cho người nộp đơn hoặc thông qua cơ quan đăng ký nhãn hiệu. Thủ tục gia hạn nhãn hiệu chỉ bao gồm thẩm định hình thức để kiểm tra xem các tài liệu do người nộp đơn nộp đã hoàn tất hay chưa và không thẩm định nội dung. Sau khi yêu cầu được chấp thuận, Cơ quan Quản lý Sở hữu trí tuệ Quốc gia Trung Quốc sẽ cấp phiên bản điện tử của giấy chứng nhận gia hạn và đăng thông báo gia hạn. Thời hạn hiệu lực của mỗi nhãn hiệu được gia hạn là 10 năm và việc gia hạn sẽ có hiệu lực kể từ ngày hết hạn đăng ký trước đó.
Nếu có bất kỳ bổ sung và sửa chữa nào, cơ quan nhãn hiệu sẽ ban hành thông báo bổ sung và sửa chữa (gửi trực tiếp cho người nộp đơn hoặc thông qua đại lý nhãn hiệu), yêu cầu người nộp đơn thực hiện bổ sung và sửa chữa trong thời hạn nhất định. Cơ quan nhãn hiệu có quyền từ chối đơn xin gia hạn đăng ký nhãn hiệu nếu người nộp đơn không thực hiện bổ sung và sửa chữa trong thời hạn nhất định.
Nếu đơn bị từ chối, cơ quan nhãn hiệu sẽ ban hành thông báo từ chối cho người nộp đơn bằng cách gửi trực tiếp cho người nộp đơn hoặc thông qua đại lý nhãn hiệu. Tất cả các tài liệu sẽ được gửi qua đường bưu điện đến cơ quan quản lý nhãn hiệu nếu người nộp đơn ủy quyền cho cơ quan quản lý nhãn hiệu giải quyết vấn đề này.
Trên đây là phân tích về gia hạn giấy chứng nhận nhãn hiệu tại Trung Quốc. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn các quy định của pháp luật, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!