Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với hàng hóa nhập khẩu
Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với hàng hóa nhập khẩu là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp nhằm mục đích xác nhận rằng hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, sức khỏe và môi trường theo quy định pháp luật. Đây là một phần quan trọng trong quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa và thông quan để đảm bảo tính hợp pháp và chất lượng của sản phẩm. Ngoài ra, Giấy chứng nhận lưu hành tự do còn là chứng nhận bắt buộc phải có đề làm hồ sơ xin cấp giấy phép công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đối với một số nhóm thực phẩm đặc biệt như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hương liệu thực phẩm. Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ cung cấp cho khách hàng những tư vấn pháp lý khái quát về Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với hàng hóa nhập khẩu.
Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với hàng hóa nhập khẩu là gì?
Khái quát về Giấy chứng nhận lưu hành tự do
Theo Điều 36 Luật Quản lý ngoại thương 2017, Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS – Certificate of Free Sale) là văn bản chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp cho thương nhân xuất khẩu hàng hóa để chứng nhận hàng hóa đó được phép lưu hành tự do tại nước xuất khẩu. Theo đó, đề có căn cứ lưu hành tự do đối với một số mặt hàng quy định, hàng hóa nhập khẩu cần có Giấy chứng nhận lưu hành tự do được thương nhân xuất khẩu cung cấp.
Thời hạn CFS
Giấy chứng nhận có thời hạn được tính theo thời hạn ghi trên giấy, trường hợp không ghi thời hạn thì sẽ được tính là 02 năm kể từ ngày cấp.
Giấy chứng nhận lưu hành tự do bao gồm:
Giấy chứng nhận mang tính đặc thù hoặc mang đầy đủ nội dung của Giấy chứng nhận lưu hành tự do;
Các loại văn bản chứng nhận có nội dung tương tự.
Các trường hợp áp dụng biện pháp chứng nhận lưu hành tự do:
Hàng hóa theo luật định phải áp dụng giấy chứng nhận lưu hành tự do (Phụ lục V kèm theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP);
Theo đề nghị của thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trường hợp hàng hóa không bắt buộc phải áp dụng giấy chứng nhận lưu hành tự do.
Nội dung Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS)
Theo đó, Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cần có những nội dung sau:
Thông tin các bên liên quan:
Tên cơ quan, tổ chức cấp CFS.
Họ tên, chữ ký của người ký CFS và dấu của cơ quan, tổ chức cấp CFS.
Tên và địa chỉ của nhà sản xuất.
Thông tin đối tượng:
Tên sản phẩm, hàng hóa được cấp CFS.
Loại hoặc nhóm sản phẩm, hàng hóa được cấp CFS.
Ngoài ra, trên CFS phải ghi rõ là sản phẩm, hàng hóa được sản xuất và được phép bán tự do tại thị trường của nước sản xuất hoặc nước cấp CFS.
Thông tin khác: Số, ngày tháng năm cấp CFS.
Khái quát về Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với hàng hóa nhập khẩu
Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với hàng hóa nhập khẩu theo Điều 10 Nghị định 69/2018/NĐ-CP như sau:
CFS này sẽ do cơ quan, tổ chức nước ngoài (nước mà thương nhân nhập khẩu hàng hóa) cấp để thương nhân nộp cho cơ quan có thẩm quyền quản lý khi nhập khẩu hàng hóa.
Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa và thẩm quyền quản lý CFS quy định tại Phụ lục V Nghị định 69/2018/NĐ-CP. Theo đó,
Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam nằm trong danh sách được quy định tại Phụ lục V Nghị định 69/2018/NĐ-CP (như mỹ phẩm, thuốc, hóa chất…) cần xuất trình Giấy chứng nhận lưu hành tự do CFS khi làm thủ tục thông quan.
Những hàng hóa không nằm trong danh mục được quy định tại phụ lục này không cần nộp hay xuất trình CFS cho cơ quan Hải quan khi làm thủ tục Thông quan.
Căn cứ yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ và trong phạm vi Danh mục hàng hóa quy định, các bộ, cơ quan ngang bộ công bố chi tiết Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải nộp CFS kèm theo mã HS hàng hóa.
Lưu ý: Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Việt Nam cần phải cung cấp bản CFS đã được dịch thuật, hợp pháp hóa lãnh sự theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, ngoại trừ những trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thủ tục cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với hàng hóa nhập khẩu
Bước 1: Xác định hàng hóa thuộc nhóm đối tượng bắt buộc
Thương nhân có hàng hóa nhập khẩu cần kiểm tra có thuộc đối tượng bắt buộc phải có Giấy chứng nhận lưu hành tự do không dựa trên Danh mục các sản phẩm được quy định tại Phụ lục V Nghị định 69/2018/NĐ-CP hoặc thuộc trường hợp nước nhập khẩu yêu cầu.
Tuy nhiên, với nhiều lợi ích mà Giấy chứng nhận lưu hành tự do đem lại, thương nhân có thể cân nhắc đề nghị cấp giấy chứng nhận:
Giấy chứng nhận CFS có ý nghĩa kiểm tra mức độ chất lượng, tăng sự uy tín để hàng hóa được lưu hành một cách tự do; minh chứng cho việc sản phẩm, hàng hóa đã được thông qua những phương pháp kiểm tra, đánh giá chuyên môn một cách kỹ lưỡng của cơ quan có thẩm quyền và được phép sản xuất, buôn bán đến tay người tiêu dùng;
Giấy chứng nhận CFS sẽ làm cơ sở cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp các giấy chứng nhận khác theo đúng quy định pháp luật. Cụ thể, đối với một số sản phẩm nhập khẩu như: mỹ phẩm, thiết bị y tế, thực phẩm chức năng, hương liệu hay phụ gia…nếu thương nhân muốn làm hồ sơ xin cấp Giấy phép công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm bắt buộc phải có giấy chứng nhận CFS.
Bước 2: Nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với hàng hóa nhập khẩu
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do
Thương nhân có hàng hóa nhập khẩu khi sử dụng dịch vụ của Luật Việt An sẽ được hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, quý khách hàng cần cung cấp các thông tin sau:
Thông tin để điền Đơn đề nghị cấp CFS (01 bản Tiếng Việt và 01 bản dịch Tiếng Anh):
Tên hàng, mã HS của hàng hóa;
Số chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm/số đăng ký, số hiệu tiêu chuẩn (nếu có);
Thành phần hàm lượng hợp chất (nếu có),
Nước nhập khẩu hàng hóa.
Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản sao có đóng dấu của thương nhân)
Danh mục các cơ sở sản xuất (nếu có), bao gồm tên, địa chỉ của cơ sở, các mặt hàng sản xuất để xuất khẩu (bản chính);
Bản tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa kèm theo cách thể hiện trên nhãn hàng hóa hoặc trên bao bì hàng hóa hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa (bản sao có đóng dấu của thương nhân).
Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do
Sau khi hoàn thiện hồ sơ, Luật Việt An theo ủy quyền của quý khách hàng sẽ nộp hồ sơ đề nghị theo các phương thức nộp trực tiếp/qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) tới cơ quan có thẩm quyền. Tùy vào sản phẩm, hàng hóa mà cơ quan có thẩm quyền sẽ khác nhau, cụ thể:
Bộ Y tế
Bộ Công thương
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Bộ Giao thông vận tải
Bộ Thông tin và Truyền thông
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với
Bộ Tài nguyên và Môi trường
Bộ Xây dựng
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Bộ Quốc phòng
Bộ Công an
Bộ Khoa học và Công nghệ
Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý hồ sơ và trả kết quả
Cơ quan có thẩm quyền sau khi tiếp nhận tiến hành xử lý hồ sơ:
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền thông báo để thương nhân hoàn thiện hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục:
Cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với hàng hóa nhập khẩu.
Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với hàng hóa nhập khẩu phải có văn bản trả lời nêu lý do.
Lưu ý:
Trường hợp cơ quan cấp CFS nhận thấy việc kiểm tra trên hồ sơ là chưa đủ căn cứ để cấp giấy CFS hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy định đối với CFS đã cấp trước đó, cơ quan cấp CFS có thể tiến hành kiểm tra tại nơi sản xuất của thương nhân.
Số lượng CFS được cấp cho hàng hóa sẽ theo yêu cầu của thương nhân.
Trường hợp thương nhân muốn bổ sung, sửa đổi, cấp lại CFS do bị mất, thất lạc thì phải gửi văn bản đề nghị, các giấy tờ liên quan đến cơ quan cấp CFS. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, cơ quan cấp CFS xem xét điều chỉnh và cấp lại CFS cho thương nhân.
Một số lưu ý khi làm hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận
Căn cứ theo Khoản 4, 5, 6 Điều 10 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về thẩm quyền quản lý của các cơ quan đối với hàng hóa nhập khẩu:
Trong trường hợp CFS được áp dụng cho nhiều lô hàng, Bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý quy định cụ thể.
Trường hợp có yêu cầu của bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý, CFS phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc trên cơ sở có đi có lại.
Trường hợp có nghi ngờ tính xác thực của CFS hoặc hàng hóa nhập khẩu không phù hợp với nội dung CFS, cơ quan có thẩm quyền gửi yêu cầu kiểm tra, xác minh tới cơ quan, tổ chức cấp CFS.
Giấy chứng nhận lưu hành tự do CFS được Bộ, cơ quan ngang bộ thu hồi trong trường hợp sau:
Phát hiện thấy thương nhân xuất khẩu giả mạo chứng từ, tài liệu.
CFS được cấp cho hàng hóa nhưng không phù hợp các tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Trên đây là tư vấn của Luật Việt An về Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với hàng hóa nhập khẩu. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu hỗ trợ, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!