Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với hàng hóa xuất khẩu
Hàng hóa được cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do là một trong những văn bản khẳng định chất lượng và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường. Đây cũng là một trong những văn bản được yêu cầu khi thực hiện thủ tục nhập khẩu vâng thị trường quốc gia khác theo quy định pháp luật từng quốc gia. Bài viết dưới đây Luật Việt An sẽ thông tin đến quý khách hàng giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với hàng hóa xuất khẩu.
Căn cứ pháp lý
Luật Quản lý Ngoại thương năm 2017;
Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương;
Thông tư số 12/2018/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 42/2019/TT-BCT và Thông tư 08/2023/TT-BCT.
Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với hàng hóa xuất khẩu là gì?
Căn cứ quy định Khoản 1 Điều 36 Luật Quản lý ngoại thương 2017 thì CFS (viết tắt từ cụm từ Certificate of Free Sale) là giấy chứng nhận lưu hành tự do. Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với hàng hóa xuất khẩu là văn bản chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp cho thương nhân xuất khẩu hàng hóa với ý nghĩa để chứng nhận rằng hàng hóa đó được sản xuất và lưu hành tự do tại nước xuất khẩu.
Như vậy, CFS chính là một hàng rào phi thuế quan, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn, chất lượng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Điều kiện để được cấp CFS đối với hàng hóa xuất khẩu
Căn cứ Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định Bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý thực hiện cấp CFS đối với hàng hóa xuất khẩu theo các quy định sau:
Có yêu cầu của thương nhân xuất khẩu về việc cấp CFS cho hàng hóa.
Hàng hóa có tiêu chuẩn công bố áp dụng phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Như vậy, CFS đối với hàng hóa xuất khẩu có thể được cấp khi đạt đủ yêu cầu về hồ sơ và đặc biệt phải có yêu cầu từ thương nhân xuất khẩu. Bởi theo quy định của pháp luật CFS được cấp trên cơ sở đề nghị của nhà xuất khẩu và nhà xuất khẩu chỉ phải xin cấp CFS khi thương nhân nhập khẩu nước ngoài có yêu cầu.
Lưu ý: CFS đối với hàng hóa xuất khẩu thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Anh và phải có tối thiểu các thông tin quy định sau:
Tên cơ quan, tổ chức cấp CFS.
Số, ngày cấp CFS.
Tên sản phẩm, hàng hóa được cấp CFS.
Loại hoặc nhóm sản phẩm, hàng hóa được cấp CFS.
Tên và địa chỉ của nhà sản xuất.
Trên CFS phải ghi rõ là sản phẩm, hàng hóa được sản xuất và được phép bán tự do tại thị trường của nước sản xuất hoặc nước cấp CFS.
Họ tên, chữ ký của người ký CFS và dấu của cơ quan, tổ chức cấp CFS.
Cơ quan nào có thẩm quyền cấp CFS?
Theo Điều 11 và Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định tùy vào từng loại hàng hóa xuất khẩu mà cơ quan có thẩm quyền quản lý cấp CFS. Ví dụ:
Thẩm quyền quản lý
Hàng hóa
Bộ Công thương
Hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp
Máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương
Sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác
Sản phẩm, hàng hóa khác không thuộc thẩm quyền quản lý các bộ cơ quan khác
Bộ Xây dựng
Vật liệu xây dựng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, nông sản, lâm sản, thủy sản, muối, gia súc, gia cầm, vật nuôi
Vật tư nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, phân bón, thức ăn, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi; thức ăn thủy sản, chất bổ sung vào thức ăn thủy sản
Sản phẩm trong nuôi trồng, thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển nông sản, lâm sản, thủy sản, muối
Phụ gia, hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, chế phẩm sinh học, hóa chất xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, động vật;
Dụng cụ, thiết bị chuyên dùng trong nuôi trồng thủy sản
Bộ Y tế
Thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, phụ gia thực phẩm, nước uống, nước sinh hoạt, nước khoáng thiên nhiên, thuốc lá điếu, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế;
Thuốc, mỹ phẩm
Trang thiết bị y tế
Bộ Giao thông vận tải
Các loại phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển trên biển, phương tiện, thiết bị xếp dỡ thi công chuyên dùng trong giao thông vận tải (trừ phương tiện phục vụ vào mục đích quốc phòng, an ninh và tàu cá) và trang bị, thiết bị kỹ thuật chuyên ngành giao thông vận tải
Máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải
Thủ tục cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với hàng hóa xuất khẩu
Thành phần hồ sơ yêu cầu
Căn cứ điểm a Khoản 3 Điều 11 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP và Điều 5 Thông tư số 12/2018/TT-BCT quy định thương nhân gửi 1 bộ hồ sơ đến cơ quan cấp CFS bao gồm các tài liệu sau:
Văn bản đề nghị cấp CFS nêu rõ tên hàng, mã HS của hàng hóa, số chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm hoặc số đăng ký, số hiệu tiêu chuẩn (nếu có), thành phần hàm lượng hợp chất (nếu có), nước nhập khẩu hàng hóa: 1 bản chính, thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Mẫu đơn đề nghị cấp CFS ban hành kèm theo Thông tư số 12/2018/TT-BCT.
Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.
Danh mục các cơ sở sản xuất (nếu có), bao gồm tên, địa chỉ của cơ sở, các mặt hàng sản xuất để xuất khẩu: 1 bản chính.
Bản tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa kèm theo cách thể hiện (trên nhãn hàng hóa hoặc trên bao bì hàng hóa hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa): 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.
Giấy ủy quyền cho Luật Việt An thực hiện thủ tục.
Trình tự xử lý yêu cầu cấp CFS
Bước 1: Thương nhân chuẩn bị hồ sơ yêu cầu cấp CFS
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết yêu cầu cấp CFS
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp CFS thông báo để thương nhân hoàn thiện hồ sơ.
Lưu ý:
Trường hợp cơ quan cấp CFS nhận thấy việc kiểm tra trên hồ sơ là chưa đủ căn cứ để cấp giấy CFS hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy định đối với CFS đã cấp trước đó, cơ quan cấp CFS có thể tiến hành kiểm tra tại nơi sản xuất của thương nhân.
Số lượng CFS được cấp cho hàng hóa sẽ theo yêu cầu của thương nhân.
Bước 3: Thông báo kết quả xử lý hồ sơ
Kể từ ngày thương nhân nộp hồ sơ đầy đủ, đúng quy định thời hạn cấp CFS không quá 3 ngày làm việc.
Trường hợp không cấp CFS, cơ quan cấp CFS có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Hai trường hợp bị thu hồi CFS đối với hàng hóa xuất khẩu
Căn cứ Khoản 4 Điều 11 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định các trường hợp Bộ, cơ quan ngang bộ thu hồi CFS đã cấp như sau:
Thứ nhất, thương nhân xuất khẩu giả mạo chứng từ, tài liệu
Thứ hai, CFS được cấp cho hàng hóa mà không phù hợp các tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Dịch vụ tư vấn hồ sơ CFS của Luật Việt An
Tư vấn điều kiện để được cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do;
Soạn thảo hồ sơ cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do hàng hóa xuất khẩu;
Đại diện khách hàng thực hiện các thủ tục cấp phép và thành lập;
Dịch vụ kế toán thuế cho doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực xuất nhập khẩu;
Đại diện sở hữu trí tuệ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, sáng chế, quyền tác giả;
Đại diện khách hàng thực hiện thủ tục tự công bố sản phẩm, xin các giấy phép con cho doanh nghiệp;
Tư vấn các vấn đề pháp lý thường xuyên cho doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam.
Trên đây là toàn bộ thông tin về giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với hàng hóa xuất khẩu. Quý khách hàng có nhu cầu xin cấp CFS vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.