Mã số hoặc mã vạch thường được sử dụng để định danh và theo dõi sản phẩm trong chuỗi cung ứng, quản lý hàng tồn kho, và dễ dàng thực hiện giao dịch. Các tổ chức hoặc doanh nghiệp có thể cần đăng ký và sử dụng mã số hoặc mã vạch từ các tổ chức quản lý chúng, và việc này có thể liên quan đến việc thanh toán các loại phí hay chi phí dành cho việc đăng ký, duy trì, hoặc sử dụng các dịch vụ liên quan đến mã số hoặc mã vạch. Đối với đăng ký mã số mã vạch, ngoài mức phí phải nộp ban đầu (phí đăng ký mã số mã vạch) còn một mức phí bắt buộc phải đóng hàng năm nữa đó chính là “phí duy trì mã số mã vạch“. Vậy việc đóng phí duy trì sử dụng mã số mã vạch được quy định như thế nào? Sau đây, Luật Việt An sẽ hướng dẫn đóng phí duy trì sử dụng mã số mã vạch.
Khi nào phải đóng phí duy trì sử dụng mã số mã vạch?
Sau khi tiến hành thủ tục đăng ký mã số mã vạch theo quy định, tổ chức cá nhân sẽ được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch.
Theo Khoản 6 Điều 3 Thông tư 232/2016/TT-BTC, khi nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nộp phí duy trì sử dụng mã số mã vạch như sau:
Nộp nộp phí duy trì sử dụng mã số mã vạch cho năm đầu tiên (năm được cấp mã số mã vạch);
Các năm tiếp theo, thời hạn nộp phí chậm nhất là ngày 30 tháng 6 hàng năm.
Mức lệ phí duy trì sử dụng mã số mã vạch
Mức thu lệ phí duy trì sử dụng mã số mã vạch tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư 232/2016/TT-BTC như sau:
Sử dụng mã doanh nghiệp GS1
GS1 là tên viết tắt của tổ chức Mã số, Mã vạch quốc tế, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quốc tế về mã số, mã vạch, quy định các thủ tục quản lý, sử dụng và cung cấp các dịch vụ có liên quan. Tổ chức GS1 có các thành viên làm đại diện tại mỗi nước, tại Việt Nam là GS1 Việt Nam.
Trường hợp sử dụng mã doanh nghiệp GS1, mức thu phí duy trì như sau:
Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 loại 10 số (tương ứng với trường hợp doanh nghiệp được sử dụng 100 số vật phẩm): 500.000 đồng/năm
Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 loại 9 số (tương ứng với trường hợp doanh nghiệp được sử dụng 1.000 số vật phẩm): 800.000 đồng/năm
Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 loại 8 số (tương ứng với trường hợp doanh nghiệp được sử dụng 10.000 số vật phẩm): 1.500.000 đồng/năm
Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 loại 7 số (tương ứng với trường hợp doanh nghiệp được sử dụng 100.000 số vật phẩm): 2.000.000 đồng/năm
Sử dụng mã địa điểm toàn cầu (GLN)
Mã số địa điểm toàn cầu – GLN (tiếng Anh là Global Location Number) là dãy số gồm tiền tố mã doanh nghiệp và số định danh địa điểm theo tiêu chuẩn GS1.
Theo đó, mức phí duy trì sử dụng mã địa điểm toàn cầu (GLN) là 200.000 đồng/năm.
Sử dụng mã số thương phẩm toàn cầu 8 chữ số EAN-8 (GTIN-8)
Mã số sản phẩm toàn cầu – GTIN (tiếng Anh là Global Trade Item Number) là dãy số gồm tiền tố mã doanh nghiệp và số định danh sản phẩm theo tiêu chuẩn GS1.
Theo đó, mức phí duy trì sử dụng mã số thương phẩm toàn cầu 8 chữ số EAN-8 (GTIN-8): 200.000 đồng/năm
Hướng dẫn đóng phí duy trì sử dụng mã số mã vạch
Cơ quan thu phí
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) và các đơn vị trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được giao nhiệm vụ liên quan đến cấp mã số mã vạch và thu phí là tổ chức thu phí.
Hình thức nộp phí
Doanh nghiệp có thể nộp phí bằng hình thức chuyển khoản theo thông tin sau:
Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Chi nhánh: Vạn Phúc Hà Nội
Số tài khoản: 8600599999
Đơn vị hưởng: TRUNG TÂM MÃ SỐ MÃ VẠCH QUỐC GIA
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank)
Chi nhánh: Nam Thăng Long
Số tài khoản: 122000064913
Đơn vị hưởng: TRUNG TÂM MÃ SỐ MÃ VẠCH QUỐC GIA
Sau khi chuyển khoản phí, trong vòng 05 ngày làm việc, doanh nghiệp sẽ nhận được biên lai điện tử gửi về email của doanh nghiệp trên hệ thống VNPC.
Trong trường hợp Doanh nghiệp không nhận được biên lai, vui lòng chụp ảnh ủy nhiệm chi hoặc thông báo chuyển tiền thành công có đầy đủ nội dung chuyển khoản và liên hệ ngay đến Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia để được hướng dẫn giải quyết kịp thời.
Lưu ý khi đóng phí
Khi chuyển khoản đề nghị cơ sở phải ghi rõ tên cơ sở, loại phí nộp (phí cấp mã hoặc phí duy trì) và đặc biệt khi nộp phí hàng năm cần ghi thêm mã số doanh nghiệp đã được Tổng cục Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp vào chứng từ chuyển khoản để tiện theo dõi (ví dụ: 893……): Phí duy trì: Tên doanh nghiệp ngắn gọn_Mã số đã được cấp 893…_Nộp phí duy trì cho năm nào
Phí duy trì sử dụng mã số mã vạch phải nộp trước ngày 30/6 hàng năm
Khi có sự thay đổi về tên của công ty, địa chỉ hoặc thất lạc Giấy chứng nhận sử dụng mã số mã vạch, đề nghị doanh nghiệp làm thủ tục để thay đổi.
Khi doanh nghiệp không muốn tiếp tục sử dụng Mã số mã vạch, đề nghị doanh nghiệp làm thủ tục xin ngừng sử dụng mã số mã vạch
Xử phạt vi phạm liên quan đến đóng phí duy trì sử dụng mã số mã vạch
Căn cứ Khoản 1a Điều 32 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 126/2021/NĐ-CP, trường hợp không thực hiện đóng phí duy trì sử dụng mã số mã vạch đúng quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 3 lần số tiền phí duy trì sử dụng mã số mã vạch (mức phạt với tổ chức). Mức phạt tối đa là 50.000.000 đồng;
Ngoài ra, còn phải chịu biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp phí duy trì sử dụng mã số mã vạch đúng quy định.
Trường hợp phải tiến hành thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch
Giấy chứng nhận được cấp lại áp dụng đối với trường hợp tổ chức, cá nhân có giấy chứng nhận còn hiệu lực nhưng bị mất, hư hỏng hoặc thay đổi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân.
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch nộp hồ sơ đăng ký sử dụng mã số mã vạch tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có trách nhiệm cấp lại Ciấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp không đáp ứng yêu cầu phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Không có nhu cầu sử dụng mã số, mã vạch thì cần tiến hành thủ tục gì?
Theo Điều 19b Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 74/2018/NĐ-CP, khi tổ chức không có nhu cầu sử dụng mã số, mã vạch hoặc chấm dứt hoạt động cần lưu ý thủ tục sau:
Thông báo bằng văn bản và nộp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi tổ chức không có nhu cầu sử dụng mã số, mã vạch.
Luật Việt An cung cấp dịch vụ đăng ký mã số mã vạch nhanh chóng, trọn gói. Đồng thời, hướng dẫn đóng phí duy trì sử dụng mã số mã vạch và các loại phí, lệ phí liên quan. . Quý khách hay có nhu cầu tư vấn thủ tục về đăng ký, cấp lại hoặc duy trì mã số mã vạch, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!