Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu
Hiện nay, ngày càng có nhiều thực phẩm được nhập khẩu vào Việt Nam cũng như xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, các loại thực phẩm xuất nhập khẩu đều cần phải được trải qua quá trình kiểm tra theo đúng quy định pháp luật. Bài viết dưới đây của Luật Việt An sẽ giúp Quý Khách hàng hiểu rõ hơn quy định về kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu.
Căn cứ pháp lý
Luật An toàn thực phẩm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2018;
Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 155/2018/NĐ-CP và Nghị định Nghị định 85/2019/NĐ-CP.
Quy định về trường hợp phải kiểm tra an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu
Kiểm tra nhà nước được áp dụng khi thực phẩm đi qua kho hải quan để xuất nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam.
Quy định tại Điều 13 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, việc miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với một số thực phẩm nhập khẩu chỉ áp dụng với các loại thực phẩm sau:
Sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.
Sản phẩm mang theo người nhập cảnh phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt; Quà biếu, quà tặng trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế.
Sản phẩm nhập khẩu dùng cho cá nhân của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao.
Sản phẩm quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan.
Sản phẩm là mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu có số lượng phù hợp với mục đích thử nghiệm hoặc nghiên cứu có xác nhận của tổ chức, cá nhân.
Sản phẩm trưng bày hội chợ, triển lãm.
Sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Sản phẩm tạm nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế.
Hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cơ quan kiểm tra
Cơ quan được Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Bộ Công Thương giao hoặc chỉ định.
Trường hợp một lô hàng nhập khẩu có nhiều loại thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều bộ thì cơ quan kiểm tra nhà nước là cơ quan được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao hoặc chỉ định.
Các phương thức kiểm tra nhà nước
Điều 16 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định các phương thức kiểm tra áp dụng đối với thực phẩm nhập khẩu gồm 3 phương thức sau:
Phương thức kiểm tra giảm: kiểm tra tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 01 năm do cơ quan hải quan lựa chọn ngẫu nhiên.
Phương thức kiểm tra thông thường: chỉ kiểm tra hồ sơ của lô hàng nhập khẩu.
Phương thức kiểm tra chặt: kiểm tra hồ sơ kết hợp lấy mẫu kiểm nghiệm.
Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu
Đối với các thực phẩm khi xuất khẩu hay nhập khẩu thì đều phải đạt được những tiêu chuẩn nhất định mới có thể có đủ các điều kiện để xuất nhập khẩu. Do đó việc tìm hiểu và đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thực phẩm là điều vô cùng cần thiết đối với các doanh nghiệp.
Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm nhập khẩu
Căn cứ quy định tại Điều 38 Luật An toàn thực phẩm 2010, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm nhập khẩu bao gồm các điều kiện sau:
Tuân thủ các điều kiện về đảm bảo an toàn thực phẩm (như điều kiện đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng…)
Phải được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi nhập khẩu;
Phải được cấp “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu” đối với từng lô hàng của cơ quan kiểm tra được chỉ định theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.
Ngoài ra đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm đã qua chiếu xạ thì còn phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc giấy chứng nhận y tế theo quy định của Chính phủ.
Trường hợp Việt Nam chưa có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu thì áp dụng theo thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Lưu ý:
Đối với sản phẩm động vật trên cạn, sản phẩm động vật thủy sản, sản phẩm thực vật dùng làm thực phẩm nhập khẩu, trừ các thực phẩm đã qua chế biến, bao gói sẵn, thực phẩm do tổ chức, cá nhân Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài nhưng bị trả về và các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu (trừ trường hợp có cảnh báo về an toàn thực phẩm) phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
Xuất xứ: quốc gia, vùng lãnh thổ có hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đáp ứng quy định của Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đưa vào danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật, thủy sản vào Việt Nam;
Sản phẩm động vật trên cạn được dùng làm thực phẩm, sản phẩm động vật thủy sản dùng làm thực phẩm: Phải được sản xuất bởi cơ sở sản xuất, kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam;
Giấy chứng nhận: Mỗi lô hàng nhập khẩu có nguồn gốc động vật, thủy sản nhập khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Đối với trường hợp thủy sản do tàu cá nước ngoài thực hiện đánh bắt, chế biến trên biển thì sẽ bán trực tiếp cho Việt Nam.
Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm xuất khẩu
Căn cứ quy định tại Điều 41 Luật An toàn thực phẩm 2010, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm xuất khẩu bao gồm:
Đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của Việt Nam.
Phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với quốc gia, vùng lãnh thổ có liên quan.
Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu
Để thực phẩm xuất nhập khẩu được đảm bảo điều kiện an toàn trước khi tiến hành đưa ra thị trường, thì sự kiểm tra của Nhà nước sẽ giúp đảm bảo và kiểm soát tốt hơn đối với vấn đề an toàn thực phẩm.
Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu
Căn cứ quy định tại Điều 39 Luật An toàn thực phẩm 2010, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu được áp dụng như sau:
Các loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu: phải được kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, trừ một số thực phẩm được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm theo quy định của Chính phủ.
Thực phẩm nhập khẩu từ nước có ký kết điều ước quốc tế với Việt Nam về thừa nhận lẫn nhau đối với hoạt động chứng nhận an toàn thực phẩm: áp dụng chế độ kiểm tra giảm, trừ trường hợp có cảnh báo hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam về an toàn thực phẩm.
Lưu ý: Trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm tại nước sẽ xuất khẩu thực phẩm vào Việt Nam sẽ được thực hiện theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm xuất khẩu
Căn cứ quy định tại Điều 23 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm xuất khẩu như sau:
Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định thẩm quyền kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm xuất khẩu thuộc lĩnh vực được phân công quản lý cho Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công thương khi có yêu cầu của nước nhập khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm kiểm tra đối với lô hàng thực phẩm xuất khẩu gồm nhiều mặt hàng thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 bộ trở lên.
Lưu ý: Hồ sơ kiểm tra nhà nước đối với từng phương thức được quy định tại Điều 18 Nghị định 15/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi bổ sung.