Kiểu dáng công nghiệp là gì

Khái niệm kiểu dáng công nghiệp

Theo định nghĩa của WIPO

  • Theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), kiểu dáng công nghiệp cấu thành khía cạnh trang trí của một sản phẩm. Kiểu dáng công nghiệp có thể bao gồm các đặc điểm ba chiều, chẳng hạn như hình dạng của một mặt hàng hoặc các đặc điểm hai chiều, chẳng hạn như hoa văn, đường nét hoặc màu sắc.
  • Theo định nghĩa này, kiểu dáng công nghiệp có thể được hiểu theo một nghĩa rất rộng. Đầu tiên, nó được xác định ở tính chất trang trí hay thẩm mỹ của nó. Bên cạnh đó, nó cũng được xác định bằng biểu hiện bên ngoài của sản phẩm như họa tiết, đường nét, màu sắc hoặc ba chiều như hình khối, kết cấu của sản phẩm.

Định nghĩa của pháp luật Hoa Kỳ

  • Theo pháp luật của Hoa Kỳ, một trong những nước phát triển hàng đầu về sở hữu trí tuệ, kiểu dáng bao gồm các đặc tính trang trí được thể hiện hay áp dụng trong một sản phẩm. Vì kiểu dáng được thể hiện ở hình dáng bên ngoài nên các đối tượng bảo hộ kiểu dáng có thể là hình dạng của một sản phẩm, là trang trí mặt ngoài của một sản phẩm, hay là sự kết hợp giữa hình dạng và trang trí bên ngoài. Một kiểu dáng trang trí bề ngoài không thể tách rời khỏi sản phẩm mà nó trang trí và do vậy không thể tự thân tồn tại một mình được.
  • Như vậy, đặc tính quan trọng nhất của kiểu dáng công nghiệp là các đặc tính trang trí. Theo pháp luật Hoa kỳ, điểm mấu chốt của kiểu dáng công nghiệp là nhất thiết phải gắn liền với sản phẩm mà nó trang trí, nghĩa là không có dạng kiểu dáng công nghiệp tự thân tồn tại một mình.

Định nghĩa của pháp luật Việt Nam

  • Khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ quy định, kiểu dáng công nghiệplà hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.
  • Theo định nghĩa này, có thể hiểu, kiểu dáng công nghiệp đơn thuần là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, hay là hình dáng bên ngoài của sản phẩm kết hợp với họa tiết, là hình dáng bên ngoài của sản phẩm kết hợp với màu sắc, hoặc là hình dáng bên ngoài của sản phẩm kết hợp cả họa tiết, màu sắc.
  • Như vậy, với tư cách là một đối tượng của sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp chỉ để cập đến các khía cạnh thẩm mỹ hoặc hình dáng bên ngoài của sản phẩm chứ không thể hiện các đặc điểm kỹ thuật hoặc chức năng bên trong của sản phẩm. Cách định nghĩa này của pháp luật Việt Nam cũng có nét tương đồng với định nghĩa của các nước trên thế giới khi khẳng định kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm và luôn gắn liền với sản phẩm.

Tầm quan trọng của kiểu dáng công nghiệp đối với chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp

  • Làm cho sản phẩm phù hợp với các nhóm khách hàng cụ thể. Những sửa đổi nhỏ đối với kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm (ví dụ: đồng hồ) có thể làm cho chúng phù hợp với từng độ tuổi, nét văn hóa hoặc nhóm người cụ thể. Trong khi chức năng chính của đồng hồ có thể không thay đổi, nhưng trẻ em và người lớn có thể ưa thích các kiểu dáng khác nhau.
  • Tạo ra một thị trường mục tiêu mới. Trên thị trường cạnh tranh khốc liệt, một công ty có thể phải xây dựng một thị trường mục tiêu cho mình bằng cách giới thiệu sản phẩm có kiểu dáng sáng tạo để phân biệt sản phẩm của công ty với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh. Điều này có thể được áp dụng cho các sản phẩm thông thường như khóa, cốc hoặc đĩa đựng cốc hoặc cho các sản phẩm có giá trị cao tiềm năng như đồ trang sức, máy tính hoặc xe hơi.
  • Nâng cao thương hiệu. Kiểu dáng sáng tạo thường được kết hợp với các nhãn hiệu có khả năng phân biệt cao để nâng cao thương hiệu của công ty. Nhiều công ty đã xác định lại một cách thành công hình ảnh thương hiệu của họ thông qua việc tập trung mạnh mẽ vào kiểu dáng sản phẩm.

Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Có tính mới;
  • Có tính sáng tạo;
  • Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Tính mới của kiểu dáng công nghiệp

  • Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.
  • Kiểu dáng công nghiệp được coi là có sự khác biệt đáng kể so với kiểu dáng công nghiệp khác khi có những đặc điểm tạo dáng dễ nhận biết, ghi nhớ và dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp với nhau. Những đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp thể hiện qua đường nét, màu sắc, hình khối, tương quan vị trí, kích thước của các yếu tố đó tạo thành tổng thể kiểu dáng đó.
  • Hai kiểu dáng công nghiệp không được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và không thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó.
  • Kiểu dáng công nghiệp được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó.

Kiểu dáng công nghiệp không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:

  • Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ;
  • Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này công bố dưới dạng báo cáo khoa học;
  • Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.

Tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp

  • Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
  • Việc đánh giá, thẩm định về yêu cầu kiểu dáng công nghiệp không thể tạo ra một cách dế dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng sẽ được cân nhắc trên các yếu tố cụ thể của từng vụ việc trên thực tế. Tuy nhiên, có thể hiểu người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng được xác định là người có kiến thức, hiểu biết cơ bản đối với hoạt động sáng tạo, thiết kế cấc kiểu dáng cần thẩm định.
  • Trong trường hợp kiểu dáng của sản phẩm được tạo ra chỉ đơn thuần từ sự sắp xếp, bố trí một cách đơn giản các yếu tố cấu thành như màu sắc, hình khối, đường nét của người có hiểu biết trung bình này thì kiểu dáng đó không đáp ứng điều kiện về tính sáng tạo.
  • Việc tạo ra kiểu dáng một cách dễ dàng còn có thể được thể hiện thông qua việc sáng tạo kiểu sáng từ các hoạt động như mô phỏng các hình dáng bên ngoài của sự vật, hiện tượng trong tự nhiên; sử dụng các hình học cơ bản; sao chép hoàn toàn hoặc một phần hình dạng của các công trình nhân tạo.

Khả năng áp dụng công nghiệp của kiểu dáng công nghiệp

  • Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
  • Khả năng áp dụng công nghiệp chính là yếu tố cơ bản xác định điều kiện bảo hộ hình dạng bên ngoài của sản phẩm có được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp hay chỉ dừng lại ở việc bảo hộ tác phẩm mĩ thuật ứng dụng. Trong trường hợp kiểu dáng của sản phẩm chỉ là kết tinh thẩm mĩ để có kết quả là một sản phẩm đẹp thì kiểu dáng đó chỉ dừng lại ở việc tồn tại dưới dạng tác phẩm, được mọi người chiêm ngưỡng vẻ đẹp. Kiểu dáng công nghiệp, đúng với tên gọi của nó, cần đáp ứng khả năng có thể ứng dụng kiểu dáng đó để tạo ra hàng loạt các sản phẩm có hình dáng bề ngoài tương tự nhau.
  • Khả năng áp dụng công nghiệp của kiểu dáng công nghiệp của kiểu dáng công nghiệp có thể đưa ra các yêu cầu như: (i) kiểu dáng sản phẩm phải thể hiện ở hình dạng được tồn tại ổn định (không thuộc các trường hợp hình dạng thay đổi theo tính chất nguyên vật liệu hoặc theo các môi trường tồn tại khác nhau. Đó là sự phân biệt nhóm hàng hóa có hình dạng nắm bắt được và những nhóm hàng hóa khác như chất lỏng, chất bột vốn không được thể hiện dưới những hình dạng nhất định (nói chính xác là không được thể hiện dưới ột hình dạng thương mại hoặc như một sản phẩm thông thường trên thị trường); (ii) kiểu dáng sản phẩm phải có thể là mẫu để chế tạo hàng loạt các sản phẩm có kiểu dáng tương tự theo phương pháp công nghiệp hay thủ công nghiệp mà không yêu cầu thêm những kĩ năng, kĩ xảo của từng cá nhân hoặc những yêu cầu tương tự khác.

Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp

Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp:

  • Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;
  • Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;
  • Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.

Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có

  • Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kĩ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có nếu được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp sẽ dẫn tới hậu quả hạn chế sáng tạo (thay vì mục đích khuyến khích sáng tạo của pháp luật về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp). Bởi vì những hình dáng này là kết quả tất yếu và bất buộc đối với bất kỳ sản phẩm nào có đặc tính kĩ thuật tương tự.
  • Nếu cho phép độc quyền bảo hộ các hình dáng này sẽ dẫn tới những bất hợp lý: (i) không đảm bảo điều kiện về tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ; (ii) những chủ thể khác khi áp dụng tính chất kĩ thuật tương tự đối với các sản phẩm của mình sẽ không thể thực hiện được (trong khi các kết quả này là bắt buộc phải có); (iii) sự kế thừa, phát triển các kiểu dáng và bản chất về sự thỏa thuận của cộng đồng và chủ thể sáng tạo không được áp dụng.

Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp

  • Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp, về cơ bản không phải là kiểu dáng công nghiệp của đối tượng đó và cũng không đáp ứng yêu cầu về tính sản xuất công nghiệp. Hình dáng này là sự dựng hình vật chất từ bản vẽ thiết kế xây dựng. Do đó, đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở đây là bản vẽ, thay vì là sản phẩm được tạo ra từ bản vẽ.
  • Mặt khác, các công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp có thể có hình dáng bên ngoài giống nhau, bởi vì hình dáng bên ngoài của các công trình xây dựng cũng có thể coi là do đặc tính kỹ thuật bắt buộc phải có; nhưng điểm quyết định sự khác biệt giữa các công trình không phải là hình dáng; mà là thiết kế bên trong công trình như vật liệu xây dựng, cách bố trí đồ trang trí, nội thất bên trong. Vì vậy, hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng không được bảo hộ với danh nghĩa là kiểu dáng công nghiệp là hoàn toàn hợp lý.

Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm

  • Một trong những tính năng quan trọng của kiểu dáng công nghiệp là tính thẩm mỹ nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, từ đó đẩy mạnh quá trình tiêu thụ sản phẩm. Đối với những loại sản phẩm mà hình dáng bên ngoài là một trong những đặc điểm quan trọng ảnh hưởng đến sức tiêu thụ sản phẩm thì việc bảo hộ cho những hình dáng đó là cần thiết.
  • Bên cạnh đó, kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, thể hiện tổng thể tạo hình của sản phẩm. Do đó, hình dáng của các chi tiết bên trong của sản phẩm, của bộ phận cấu thành nên sản phẩm nhưng không thể quan sất khi sử dụng sản phẩm mà khi tháo rời các bộ phận hoặc phải bóc gỡ vào bên trong mới nhìn thấy thì không thể đảm bảo tính chất “bên ngoài” này. Do đó, các kiểu dáng này, cho dù có đáp ứng được các điều kiện như tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp cũng không được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp. Ví dụ: hình dáng của động cơ bên trong một chiếc máy, hình dáng của các linh kiện bên trong một thiết bị điện tử không được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp.

Quý khách hàng có nhu cầu đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam và nước ngoài xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!

Mục lục

Bài viết liên quan

Mục lục
Ẩn

    Tư vấn sở hữu trí tuệ

    Tư vấn sở hữu trí tuệ

    Văn bản pháp luật

    Văn bản pháp luật

    Tư vấn pháp luật

    Tư vấn luật

    LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT VIỆT AN

    Tư vấn doanh nghiệp: 09 79 05 77 68
    Tư vấn doanh nghiệp
    Tư vấn sở hữu trí tuệ: 0976 18 66 08
    Tư vấn sở hữu trí tuệ
    Tư vấn đầu tư: 09 13 380 750
    Tư vấn đầu tư

    TỔNG ĐÀI PHÍA BẮC

    Hotline: 09 61 37 18 18
    (Whatsapp, Zalo, Viber) hanoi@vietanlaw.vn Skype IconSkype Chat
    Tư vấn kế toán - thuế: 09 888 567 08
    Dịch vụ kế toán thuế
    Tư vấn giấy phép: 0966 83 66 08
    Tư vấn giấy phép
    Tư vấn hợp đồng: 0913 380 750
    Tư vấn hợp đồng

    TỔNG ĐÀI PHÍA NAM

    Hotline: 09 61 57 18 18

    (Whatsapp, Zalo, Viber)
    hcm@vietanlaw.vn
    Skype IconSkype Chat

    Liên hệ tư vấn
    Cảnh báo lừa đảo
    CẢNH BÁO MẠO DANH CÔNG TY LUẬT VIỆT AN LỪA ĐẢO