Giỗ Tổ Hùng Vương là một trong những ngày lễ quan trọng của dân tộc, được ghi nhận trong lịch nghỉ chính thức hàng năm của người lao động tại Việt Nam. Với ý nghĩa tôn vinh truyền thống uống nước nhớ nguồn và tưởng nhớ các vị vua Hùng, ngày lễ này không chỉ là dịp để người lao động nghỉ ngơi, sum họp gia đình, mà còn mang tính lịch sử và văn hóa sâu sắc. Qua bài viết sau đây, Luật Việt An sẽ cung cấp thông tin chi tiết về lịch nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025 theo quy định của pháp luật hiện hành.
Lịch nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương năm 2025
Thời gian nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương của người lao động được ghi nhận tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019. Theo đó, trong dịp lễ này, người lao động được nghỉ 01 ngày làm việc và vẫn được hưởng nguyên lương.
Trong năm 2025, ngày lễ giỗ tổ Hùng Vương (ngày 10 tháng 3 âm lịch) rơi vào Thứ hai, ngày 07/04/2025 dương lịch. Liền trước đó là ngày nghỉ hàng tuần của người lao động (Thứ bảy, Chủ nhật)
Vì vậy, trong dịp nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương năm 2025 thì người lao động được nghỉ 01 ngày lễ cùng với 02 ngày nghỉ hàng tuần từ ngày 05/04/2025 đến hết ngày 07/04/2025.
Tuy nhiên, đối với người lao động có ngày nghỉ hàng tuần là ngày Chủ nhật thì chỉ được nghỉ 02 ngày, từ ngày 06/04/2025 đến hết ngày 07/04/2025. Còn đối với người lao động có ngày nghỉ hàng tuần là ngày khác trong tuần thì vẫn được đảm bảo nghỉ 01 ngày là ngày 07/04/2025 (ngày 10/03 âm lịch).
Giỗ tổ Hùng Vương 2025 có bắn pháo hoa không?
Theo quy định khoản 2 Điều 11 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, dịp lễ giỗ tổ Hùng Vương thuộc trường hợp được bắn pháo hoa với thời gian, địa điểm và thời lượng bắn pháo hoa như sau:
Địa điểm: Khu vực Đền Hùng tại tỉnh Phú Thọ;
Thời gian: 21 giờ ngày 09/03 âm lịch;
Thời lượng: Không quá 15 phút.
Như vậy, trong dịp lễ giỗ tổ Hùng Vương, Nhà nước có tổ chức bắn pháo hoa nhưng sẽ bắn vào đêm liền trước ngày giỗ tổ Hùng Vương (ngày 09/3 âm lịch). Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP thì các cá nhân, tổ chức có thể tự tổ chức bắn pháo hoa vào ngày lễ này nhưng phải đáp ứng các điều kiện như sau:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện bắn pháo hoa phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Quyền lợi đối với người lao động làm thêm vào ngày nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương
Điều kiện để người lao động làm thêm giờ?
Căn cứ Điều 107 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có thể sắp xếp, bố trí để người lao động làm thêm giờ khi có đủ những điều kiện như sau:
Phải được sự đồng ý của người lao động;
Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không vượt quá định mức như sau:
Không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày;
Tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng (trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần).
Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số ngành, nghề đặc thù hoặc giải quyết công việc cấp bách được quy định tại khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019.
Tiền lương làm thêm giờ
Khi người lao động làm thêm giờ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lương làm thêm giờ cho người lao động. Căn cứ quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019, tiền lương làm thêm giờ đối vời người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương được tính như sau:
Làm thêm giờ vào ban ngày:
Người lao động hưởng lương ngày: ít nhất bằng 400%
Người lao động hưởng lương theo hình thức khác: ít nhất bằng 300%.
Làm thêm giờ vào ban đêm (từ 22 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau):
Người lao động hưởng lương ngày: ít nhất bằng 450%
Người lao động hưởng lương theo hình thức khác: ít nhất bằng 350%.
Người lao động ở xa có được nghỉ lễ lâu hơn không?
Như đã đề cập ở phần trên, theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019, đối với dịp lễ giỗ tổ Hùng Vương, người lao động chỉ được hưởng một ngày nghỉ hưởng nguyên lương.
Hiện nay, pháp luật chỉ có quy định về việc tăng thêm số ngày nghỉ phép hằng năm tại Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 đối với người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.
Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành thì người lao động ở xã cũng chỉ được hưởng 01 ngày nghỉ lễ trong dịp lễ giỗ tổ Hùng Vương. Việc người lao động có được hưởng thêm ngày nghỉ lễ phụ thuộc vào quyết định của người sử dụng lao động. Hoặc, người lao động có thể nghỉ phép vào dịp lễ này để có thời gian nghỉ lâu hơn.
Người lao động làm việc tại công ty nước ngoài có được nghỉ lễ không?
Lễ giỗ tổ Hùng Vương là ngày lễ riêng của người Việt Nam. Do đó, có khá nhiều người lao động làm việc tại công ty nước ngoài ở Việt Nam băn khoăn liệu mình có được nghỉ dịp lễ này không?
Theo quy định tại Điều 1, Điều 2 và Điều 3 Bộ luật Lao động thì Bộ luật Lao động 2019 điều chỉnh các mối quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam. Trong khi đó, ngày nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương là ngày nghỉ lễ của người lao động được quy định tại Bộ luật này. Do đó, người lao động làm việc tại công ty nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam thì vẫn được hưởng ngày nghỉ lễ ngày như bình thường.
Qua bài viết trên, Luật Việt An đã chia sẻ đến Quý khách hàng Lịch nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương năm 2025. Quý khách hàng còn vướng mắc về bài viết hoặc có nhu cầu hỗ trợ các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ tới Luật Việt An để được hỗ trợ kịp thời.