Để đáp ứng các yêu cầu của pháp luật đầu tư xây dựng và quản lý đầu tư công, ngày 30/06/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 05/2023/TT-BKHĐT hướng dẫn các mẫu báo cáo liên quan đến giám sát, đánh giá dự án đầu tư, trong đó có sử dụng vốn nước ngoài. Thông tư có hiệu lực từ tháng 9 năm 2023 đã cung cấp nhiều mẫu báo cáo giám sát đầu tư năm 2024. Trong bài viết sau, Luật Việt An sẽ tổng hợp nội dung liên quan đến các mẫu báo cáo trên.
Căn cứ pháp lý
Nghị định 29/2021/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư;
Thông tư 05/2023/TT-BKHĐT quy định về mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư; chế độ báo cáo trực tuyến và quản lý vận hành Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước.
Mẫu báo cáo giám sát đầu tư là gì?
Nghĩa vụ báo cáo giám sát đầu tư đặt ra cho các chủ thể thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam. Báo cáo đánh giá, giám sát dự án đầu tư được thực hiện xuyên suốt quá trình thực hiện dự án nhằm thực hiện công tác quản lý của nhà nước, đặc biệt quan trọng đối với các dự án có sử dụng vốn nhà nước.
Nghĩa vụ báo cáo đánh giá, giám sát đầu tư đặt ra cho các chủ thể sau:
Chủ đầu tư, chủ dự án thành phần;
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư), ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước;
Cơ quan quản lý vận hành Hệ thống thông tin về giám sát đầu tư là Trung tâm Công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Nội dung các mẫu Báo cáo giám sát đầu tư năm 2024
Thông tư 05/2023/TT-BKHĐT ra đời đã thay thế Thông tư số 22/2015/TT-BKHĐT trước đây quy định về các mẫu Báo cáo giám sát đầu tư với nội dung các mẫu như sau:
1. Mẫu báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư cả năm:
Mẫu số 01
Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư cả năm.
2. Mẫu báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư công và dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công:
Mẫu số 02
Báo cáo đánh giá ban đầu
Mẫu số 03
Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ trong giai đoạn thực hiện đầu tư (6 tháng, cả năm)
Mẫu số 04
Báo cáo đánh giá giữa kỳ hoặc giai đoạn
Mẫu số 05
Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh dự án đầu tư;
Mẫu số 06
Báo cáo đánh giá đột xuất
Mẫu số 07
Báo cáo giám sát, đánh giá kết thúc đầu tư
Mẫu số 08
Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ trong giai đoạn khai thác, vận hành (6 tháng, cả năm)
Mẫu số 09
Báo cáo đánh giá tác động
Mẫu số 10
Báo cáo tổng hợp công tác giám sát, đánh giá các dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý trong năm
3. Mẫu báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư:
Mẫu số 11
Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ trong giai đoạn thực hiện đầu tư (6 tháng, cả năm)
Mẫu số 12
Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ trong giai đoạn khai thác, vận hành (6 tháng, cả năm)
4. Mẫu báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác:
Mẫu số 13
Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ trong giai đoạn thực hiện đầu tư (6 tháng, cả năm)
Mẫu số 14
Báo cáo đánh giá đột xuất
Mẫu số 15
Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh dự án đầu tư
Mẫu số 16
Báo cáo đánh giá kết thúc
Mẫu số 17
Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ trong giai đoạn khai thác, vận hành (6 tháng, cả năm)
Mẫu số 18
Báo cáo đánh giá tác động
5. Mẫu báo cáo giám sát đầu tư của cộng đồng:
Mẫu số 19
Báo cáo tình hình giám sát đầu tư của cộng đồng
Xem đầy đủ các mẫu tại đây:
Lưu ý:
Trong các mẫu trên đây, những chữ in nghiêng là các nội dung mang tính hướng dẫn và sẽ được người sử dụng cụ thể hóa căn cứ vào tình hình thực tế.
Nghĩa vụ báo cáo của cơ quan nhà nước
Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước có nghĩa vụ thực hiện lập báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư theo Mẫu số 01 định kỳ hằng năm báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư trên Hệ thống thông tin nghiệp vụ theo quy định với các nội dung sau:
Rà soát, tổng hợp số liệu giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư từ số liệu trên Hệ thống thông tin nghiệp vụ của các chủ đầu tư, chủ dự án thành phần trong phạm vi quản lý hoặc từ các cơ quan quản lý cấp dưới;
Lập báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư theo Mẫu số 01 (kèm theo các phụ biểu 01, 02, 03.1, 03.2, 04, 05, 06, 07, 08 được tổng hợp từ số liệu trên Hệ thống thông tin nghiệp vụ) và đăng tải báo cáo đã được xác thực bằng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ vào Hệ thống thông tin nghiệp vụ. Quy định này đã lược bớt thủ tục hành chính nhà nước liên quan đến nộp báo cáo bằng văn bản giấy cho các cơ quan có thẩm quyền.
Thời hạn: Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước thực hiện gửi báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể hàng năm trước ngày 01 tháng 3 năm sau.
Những thông tin, báo cáo do chủ đầu tư, chủ dự án thành phần phải đăng tải theo quy định
Các báo cáo giám sát, đánh giá sau khi có đóng dấu hoặc có chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đăng tải lên Hệ thống thông tin nghiệp vụ bao gồm:
Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ: 6 tháng, cả năm. Riêng báo cáo giám sát, đánh giá thực hiện đầu tư của chủ đầu tư, chủ dự án thành phần theo Phụ biểu 09 được tổng hợp từ thông tin trên Hệ thống thông tin nghiệp vụ từ các hợp đồng của dự án thuộc phạm vi quản lý;
Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh dự án đầu tư;
Báo cáo giám sát, đánh giá kết thúc đầu tư;
Báo cáo tổng hợp công tác giám sát, đánh giá hằng năm các chương trình, dự án đầu tư do mình quản lý.
Thời hạn gửi báo cáo của chủ chương trình, chủ đầu tư và nhà đầu tư theo quy định tại điểm a khoản 11 Điều 100 Nghị định 29/2021/NĐ-CP:
Gửi báo cáo 6 tháng trước ngày 10 tháng 7 của năm báo cáo;
Gửi báo cáo hàng năm trước ngày 10 tháng 02 năm sau;
Gửi báo cáo trước khi trình điều chỉnh chương trình dự án.
Xử phạt khi không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo
Chủ đầu tư, chủ dự án thành phần không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 5 Thông tư 05/2023/TT-BKHĐT sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 103 Nghị định 29/2021/NĐ-CP. Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì bồi thường theo quy định của pháp luật.
Theo Nghị định 122/2021/NĐ-CP về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, hành vi vi phạm về báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư có thể bị phạt tiền lên đến 50 triệu đồng và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như nộp bổ sung nhằm thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định.
Trên đây là nội dung Luật Việt An tổng hợp liên quan đến mẫu Báo cáo giám sát đầu tư năm 2024 theo quy định mới của Thông tư 05/2023/TT-BKHĐT. Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư, pháp luật hành chính, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ hiệu quả nhất.