Việt Nam, với những chính sách ưu đãi hấp dẫn, đã trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, khi đặt chân vào thị trường đầy tiềm năng này, các doanh nghiệp FDI sẽ đối mặt với những quyền lợi và nghĩa vụ gì? Thông qua bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ cung cấp cho quý khách về quyền và nghĩa vụ của công ty FDI theo quy định pháp luật hiện hành.
Quyền và nghĩa vụ của công ty FDI
Quyền của công ty FDI
Tự chủ kinh doanh: Được quyền tự do quyết định và thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, phù hợp với mục tiêu và phạm vi kinh doanh đã được xác định trong Giấy chứng nhận đầu tư.
Quyền xuất nhập khẩu: Được phép trực tiếp nhập khẩu các thiết bị, máy móc, vật tư, phương tiện vận tải và sản phẩm để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, có quyền ủy thác xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm của mình.
Miễn thuế nhập khẩu: Hưởng các chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nhằm hỗ trợ cho việc xây dựng và mở rộng quy mô dự án đầu tư.
Quyền tài chính: Được mở tài khoản ngân hàng bằng tiền Việt Nam hoặc ngoại tệ tại các ngân hàng trong nước hoặc ngân hàng nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam, cũng như được phép mở tài khoản vốn vay tại ngân hàng nước ngoài.
Bảo hiểm: Được bảo hiểm tài sản và trách nhiệm dân sự tại các công ty bảo hiểm được phép hoạt động tại Việt Nam.
Tuyển dụng lao động: Có quyền tuyển dụng lao động theo nhu cầu sản xuất kinh doanh, ưu tiên tuyển dụng lao động Việt Nam, đồng thời có quyền tuyển dụng người nước ngoài có trình độ chuyên môn đặc biệt.
Ưu đãi thuế: Hưởng các ưu đãi về thuế lợi tức và thuế suất thuế lợi tức trong các trường hợp khuyến khích đầu tư.
Mở chi nhánh: Được phép mở chi nhánh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện các hoạt động kinh doanh của mình.
Nghĩa vụ của công ty FDI
Hoạt động kinh doanh: Thực hiện sản xuất kinh doanh đúng theo Giấy chứng nhận đầu tư và pháp luật Việt Nam.
Chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường là một nghĩa vụ cần thực hiện.
Đấu thầu: Thực hiện đấu thầu theo quy định pháp luật Việt Nam. Sau khi hoàn thành xây dựng cơ bản, phải nghiệm thu và quyết toán công trình với sự xác nhận của tổ chức giám định.
Kế toán và kiểm toán: Tuân thủ các quy định về kế toán, kiểm toán, thống kê của Việt Nam. Áp dụng chế độ kế toán Việt Nam, trường hợp đặc biệt cần áp dụng chế độ kế toán nước ngoài phải được Bộ Tài chính chấp thuận.
Cân đối thu chi ngoại tệ: Tự đảm bảo cân đối thu chi ngoại tệ cho hoạt động của doanh nghiệp, kể cả lợi nhuận chuyển ra nước ngoài. Chính phủ chỉ hỗ trợ cân đối ngoại tệ cho các dự án hạ tầng, sản xuất hàng thay thế nhập khẩu thiết yếu và một số công trình quan trọng khác.
Nộp thuế: Thực hiện nộp các loại thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Các dự án trồng rừng, xây dựng công trình hạ tầng tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, dự án lớn và có tác động lớn đến kinh tế xã hội thuộc danh mục đặc biệt khuyến khích đầu tư sẽ được miễn thuế lợi tức theo quy định pháp luật.
Việc miễn giảm thuế lợi tức không áp dụng cho các dự án khách sạn (trừ khi đầu tư vào vùng có điều kiện khó khăn hoặc chuyển giao tài sản cho Nhà nước sau khi kết thúc thời hạn hoạt động), các dự án tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ, thương mại.
Ngành, nghề cấm kinh doanh theo quy định pháp luật Việt Nam
Doanh nghiệp FDI không được kinh doanh các nghề bị cấm theo Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020:
Kinh doanh các chất ma túy;
Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật;
Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;
Kinh doanh mại dâm;
Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
Kinh doanh pháo nổ;
Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Thành lập doanh nghiệp FDI tại Việt Nam
Xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 22 Luật Đầu tư 2020, trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hồ sơ bao gồm:
Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
Đề xuất dự án đầu tư: Nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án;
Bản sao một trong các tài liệu sau: Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính, bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
Đề xuất nhu cầu sử dụng đất; trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư.
Giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án có sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ, bao gồm các nội dung: tên công nghệ, xuất xứ công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ; thông số kỹ thuật chính, tình trạng sử dụng của máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ chính.
Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
Thẩm quyền chấp thuận
Theo khoản 1, 2 Điều 39 Luật Đầu tư 2020, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định như sau;
Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
Xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cá nhân, tổ chức tiến hành chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp để nộp lên Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hồ sơ bao gồm:
Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
Điều lệ công ty.
Bản sao các giấy tờ:
Giấy tờ pháp lý của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Giấy tờ pháp lý của chủ sở hữu công ty; giấy tờ pháp lý của người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Hoàn thành xong bước này, doanh nghiệp được coi là doanh nghiệp FDI và được hưởng các ưu đãi của một doanh nghiệp FDI.
Trên đây là tư vấn của Luật Việt An về quyền và nghĩa vụ của công ty FDI của Luật Việt An. Nếu có bất kỳ vướng mắc nào khác liên quan đến vấn đề pháp lý trong lĩnh vực hoạt động doanh nghiệp, xin hãy liên hệ với Luật Việt An để được tư vấn cụ thể và chi tiết hơn. Xin chân thành cảm ơn Quý khách!