Myanmar cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu mẫu mới từ 2024
Bộ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đầu tiên cho các nhãn hiệu được nộp theo Luật Nhãn hiệu năm 2019 đã được Cục Sở hữu Trí tuệ Myanmar (IPD) công bố vào ngày 01 tháng 12 năm 2024. Đây là thông báo đầu tiên về việc đăng ký kể từ khi giai đoạn mở cửa thử nghiệm của IPD bắt đầu vào năm 2020. Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ cập nhật quy định về việc Myanmar cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu mẫu mới từ 2024.
Quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu nhãn hiệu
Khác với trước đây khi chưa có Luật Nhãn hiệu, các chủ sỡ hữu nhãn hiệu rất hạn chế trong việc đảm bảo quyền lợi của mình, nhãn hiệu của họ dễ bị sử dụng trái phép. Hiện nay, khi việc đăng ký nhãn hiệu đã có hiệu lực, các chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ có sự bảo hộ mạnh hơn của pháp luật trong việc bảo vệ quyền sở hữu của mình. Sự bảo hộ này bao gồm:
Thẩm quyền duy nhất để ngăn bên thứ ba sử dụng nhãn hiệu giống hệt hoặc tương tự mà không có sự cho phép, có nghĩa là chủ sở hữu nhãn hiệu được độc quyền sử dụng nhãn hiệu, mọi hành vi xâm phạm đến nhãn hiệu được bảo hộ mà không có sự cho phép đều là vi phạm pháp luật.
Quyền thực hiện các biện pháp hành chính và thực thi như: chuyển nhượng, nhượng quyền,…
Không chỉ vậy, khi Luật này có hiệu lực cũng đã cung cấp hành lang pháp lý đầy đủ hơn bao gồm các quy định rõ ràng về quyền và lợi ích hợp pháp được pháp luật bảo vệ đối với chủ đơn và các chế tài đối với những người vi phạm luật Nhãn hiệu, đồng thời những căn cứ pháp luật nói trên cũng giúp các vụ tranh chấp về vấn đề nhãn hiệu trở nên khả thi và công bằng trong thực tế.
Nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên” – “first to file”
Trước đây, khi chưa có Luật Nhãn hiệu, việc xác định quyền sở hữu đối với nhãn hiệu sẽ thực hiện theo nguyên tắc “người sử dụng đầu tiên” – “first to use”. Nguyên tắc này được hiểu là: chủ thể đầu tiên sử dụng một nhãn hiệu mới trong thực tế kinh doanh sẽ được công nhận là chủ sở hữu của nhãn hiệu đó. Tuy nhiên nguyên tắc xác định quyền đối với nhãn hiệu này sẽ rất khó để chứng minh bên nào là bên sử dụng thực tế trước, dẫn đến việc phát sinh các tranh chấp về chủ sở hữu nhãn hiệu. Việc chứng minh thời gian mà nhãn hiệu được sử dụng rất dễ giả mạo, từ đó tạo ra rất nhiều rủi ro như các loại tội phạm sử dụng nhãn hiệu của người khác với mục đích xấu.
Hiện nay nguyên tắc được Myanmar thực hiện triển khai là “nộp đơn đầu tiên”. Điều này có nghĩa là nếu muốn nhãn hiệu được bảo hộ tại đất nước này thì chủ sở hữu phải là người nộp hồ sơ xin bảo hộ sớm nhất tại cơ quan có thẩm quyền. Nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên” nghĩa là đơn nào nộp sớm nhất thì sẽ được bảo hộ, những đơn xin bảo hộ nộp sau có nhãn hiệu trùng, tương tự hoặc gây nhầm lẫn sẽ bị từ chối bảo hộ. Các nhãn hiệu được đăng ký trước sẽ có khả năng được bảo hộ rất cao và vị thế mạnh hơn.
Nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên” có một số ưu điểm so với nguyên tắc cũ như sau:
Hạn chế tranh chấp: Nguyên tắc người nộp đơn đầu tiên sẽ giúp cơ quan đăng ký dễ dàng trong việc xác định ai là người nộp đơn sớm nhất, tránh các cuộc tranh chấp về thời điểm nhãn hiệu được sáng tạo ra. Trên thực tế các tác giả cũng như cơ quan đăng ký sẽ rất khó khăn trong việc xác định thời điểm nhãn hiệu được sáng tạo ra (ngày, giờ, tháng, năm, múi giờ…) nên việc xác định theo thời gian nộp đơn sẽ giảm bớt được sự phức tạp trong quá trình xác định ai là tác giả thật sự.
Khuyến khích nộp đơn sớm hơn: Việc chần chừ nộp đơn cũng là nguyên nhân gây ra tranh chấp về quyền sở hữu đối với nhãn hiệu. Không chỉ vậy việc không có sự đốc thúc các tác giả nộp đơn sớm sẽ làm chậm sự phát triển của các phát minh sau này, đồng thời giảm sự cạnh tranh giữa các tác giả. Việc nộp đơn sớm hơn sẽ hạn chế được phần nào những bất cập trên
Phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu: Nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên” đã được áp dụng rộng rãi trên toàn cầu, việc Myanmar áp dụng nguyên tắc này là hệ quả tất yếu trong xu thế toàn cầu hoá. Áp dụng nguyên tắc này sẽ tạo thuận lợi vô cùng lớn cho các tác giả, tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu tại Myanmar, tránh được sự khác biệt đáng kể về thủ tục từ đó còn giúp giảm thiểu chi phí cho người nộp.
Hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Những người nộp đơn bằng hệ thống nộp đơn trực tuyến của IPD sẽ nhận được giấy chứng nhận đăng ký từ IPD dưới dạng điện tử. Giấy chứng nhận đăng ký bản giấy sẽ được IPD cấp cho những chủ thể nộp đơn bằng giấy. Đây cũng là cách thức mà Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện đang sử dụng để cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Việc cấp giấy chứng nhận theo hình thức đăng ký đem lại lợi ích rất lớn cho các cá nhân, tổ chức thực hiện nộp đơn đăng ký nhãn hiệu. Việc cấp giấy chứng nhận dưới dạng điện tử sẽ làm giảm thời gian di chuyển cũng như chi phí cho các chủ đơn ở cách xa, tạo sự thuận lợi cho các chủ đơn cũng như khuyến khích các chủ đơn ở xa nộp đơn nhanh nhất có thể.
Giấy chứng nhận bao gồm các thông tin về nhãn hiệu đã đăng ký như số đăng ký, ngày đăng ký, và hiệu lực của giấy chứng nhận.
Thời hạn của giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Thời hạn đăng ký ban đầu của nhãn hiệu là 10 năm kể từ ngày nộp đơn và có thể gia hạn thêm 10 năm nữa. Thông qua trang web chính thức của mình, việc gia hạn này được thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền, IPD công khai dữ liệu về nhãn hiệu đã đăng ký theo luật nhãn hiệu của Myanmar.
Các quy định mới này không chỉ tạo ra những lợi ích đáng kể cho các tổ chức cá nhân trong nước mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức cá nhân nước ngoài đầu tư vào Myanmar, đồng thời đây cũng là một bước tiến đáng kể trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ của Myanmar đã được thực hiện với việc IPD cấp giấy đăng ký nhãn hiệu theo Luật nhãn hiệu năm 2019. Điều này khẳng định lại cam kết của Myanmar trong việc hài hòa hóa các hoạt động của mình và tăng cường bảo vệ pháp lý cho chủ sở hữu nhãn hiệu và các cá nhân được chấp thuận khác.
Trên đây là một số quy định cập nhật của Luật Việt An về việc Myanmar cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu mẫu mới từ 2024. Mọi thắc mắc liên quan đến đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á, vui lòng liên hệ chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.