Nghị định về xử phạt VPHC lĩnh vực HN&GĐ, thi hành án dân sự, phá sản DN
Ngày 18/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2024. Sau đây, Luật Việt An sẽ phân tích một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định về xử phạt VPHC lĩnh vực HN&GĐ, thi hành án dân sự, phá sản DN mới này.
Nghị định số 117/2024/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định nào?
Nghị định số 117/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ.
Cụ thể quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực sau:
Bổ trợ tư pháp;
Hành chính tư pháp;
Hôn nhân và gia đình;
Thi hành án dân sự;
Phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Bổ sung quy định về hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, đang thực hiện và trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần
Nghị định 117/2024/NĐ-CP đã bổ sung Điều 4a của Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần.
Xử phạt hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện: Việc xác định để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể hiện nay là Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.
Xử phạt hành vi vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần: Một người thực hiện vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ một số trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần thì bị áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm hành chính nhiều lần.
Việc bổ sung quy định này nhằm bảo đảm phù hợp với quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 và khoản 1 Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020), đồng thời phù hợp với Nghị định hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính – Nghị định 118/2021/NĐ-CP.
Sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực hôn nhân gia đình
Từ Khoản 34 đến Khoản 44 Điều 1 của Nghị định 117/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực hôn nhân gia đình tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP. Trong đó có một số nội dung đáng chú ý:
Bổ sung 2 biện pháp khắc phục hậu quả sau:
Buộc nộp lại bản chính giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp, trừ trường hợp bản chính đã tịch thu theo quy định tại Khoản 3 các Điều.
Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy khai sinh đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 các Điều.
Lưu ý việc bổ sung 2 biện pháp khắc phục hậu quả này được áp dụng đối với một số hành vi vi phạm như sau:
Hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai sinh: tại Khoản 4 Điều 37
Hành vi vi phạm quy định về đăng ký kết hôn: tại Khoản 4 Điều 38;
Hành vi vi phạm quy định về tổ chức, hoạt động của trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài: tại Khoản 7 Điều 39;
Hành vi vi phạm quy định về cấp, sử dụng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân: tại Khoản 4 Điều 40;
Hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai tử: tại Khoản 5 Điều 41;
Hành vi vi phạm quy định về đăng ký giám hộ: tại Khoản 5 Điều 42;
Hành vi vi phạm quy định về đăng ký nhận cha, mẹ, con: tại Khoản 4 Điều 43;
Hành vi vi phạm quy định về thay đổi, cải chính hộ tịch, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc: tại Khoản 5 Điều 44;…
Sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp
Khoản 56 Điều 1 của Nghị định 117/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP, cụ thể đối với hành vi vi phạm quy định về hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên; đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân; đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản đối với doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Bổ sung hành vi áp dụng hình thức phạt tiền
Bổ sung mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên; đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân; đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản đối với doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản;
Khai không trung thực trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề quản tài viên; đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân; đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản đối với doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Như vậy so với Khoản 1 Điều 78 Nghị định 82/2020/NĐ-CP thì Nghị định 117/2024/NĐ-CP đã bổ sung thêm việc xử phạt hành chính đối với hành vi không trung thực trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề quản tài viên; đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân; đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản đối với doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Bổ sung hình thức xử phạt bổ sung
Cụ thể bổ sung hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 78 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả
Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả tại Khoản 3 Điều 78 Nghị định 82/2020/NĐ-CP như sau:
Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm;
Buộc nộp lại bản chính giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trừ trường hợp bản chính đã bị tịch thu theo quy định.
Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả tại điểm a Khoản 6 Điều 79 Nghị định 82/2020/NĐ-CP như sau: Buộc nộp lại bản chính giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp đối với hành vi vi phạm quy định.
Sửa đổi bổ sung quy định về thẩm quyền xử phạt VPHC lĩnh vực HN&GĐ, thi hành án dân sự, phá sản DN
Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
Nghị định về xử phạt VPHC lĩnh vực HN&GĐ, thi hành án dân sự, phá sản DN đã sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định như sau:
Bổ sung thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính của Công an nhân dân.
Bãi bỏ thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính của Công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã, Công chức Phòng Tư pháp cấp huyện đối với các hành vi tại các điểm m, o, q và s khoản 2, các điểm m, o, q và s khoản 3 Điều 81 Nghị định 82/2020/NĐ-CP về hành vi làm giả tài liệu hoặc sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Bãi bỏ thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính của Công chức, viên chức Sở Tư pháp đối với hành vi tại Chương VII về các hành vi vi phạm khác.
Bãi bỏ thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính của Công chức cơ quan Thi hành án dân sự đối với các hành vi tại điểm t khoản 2 và điểm t khoản 3 Điều 81 Nghị định 82/2020/NĐ-CP về hành vi làm giả tài liệu hoặc sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Bổ sung thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính của Chiến sĩ công an nhân dân, Trạm trưởng, đội trưởng của Chiến sĩ công an nhân dân, Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất đối với các hành vi vi phạm trong một số trường hợp.
Sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan
Bổ sung thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong một số trường hợp đối với thẩm quyền của các chủ thể sau:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp: tại điểm d khoản 2 Điều 83 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
Cơ quan Thanh tra: tại Điều 84 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
Cơ quan Thi hành án dân sự: tại Điều 85 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài: tại Điều 86 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
Bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân
Nghị định 117/2024/NĐ-CP đã bổ sung Điều 87a về thẩm quyền xử phạt VPHC lĩnh vực HN&GĐ, thi hành án dân sự, phá sản DN của Công an nhân dân, trong đó quy định cụ thể về thẩm quyền các cơ quan, quyền hạn, mức phạt,…
Lưu ý một số quy định chuyển tiếp
Đối với hành vi vi phạm xảy ra và đã kết thúc trước thời điểm Nghị định 117/2024/NĐ-CP có hiệu lực (trước 15 tháng 11 năm 2024) mà bị phát hiện hoặc đang xem xét ra quyết định xử phạt khi Nghị định 117/2024/NĐ-CP đã có hiệu lực: thì áp dụng quy định của Nghị định này nếu Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn;
Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định 117/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại: thì áp dụng quy định của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.
Trên đây là cập nhật một số nội dung đáng chú ý về Nghị định về xử phạt VPHC lĩnh vực HN&GĐ, thi hành án dân sự, phá sản DN. Qúy khách hàng có thắc mắc liên quan, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất!