Có thể nói, hợp đồng là một chế định được áp dụng nhiều nhất trong cả kinh doanh lẫn trong đời sống xã hội. Không chỉ là những hợp đồng mua bán hàng hóa thương mại hay hợp đồng mua phần vốn góp mà từ những hoạt động đơn giản như đặt hàng trên mạng, mua vé tàu xe hay đặt một chuyến taxi thì giữa những chủ thể đã hình thành các hợp đồng dân sự. Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng là một trong những căn cứ xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia.
Câu hỏi đặt ra là: Nếu một bên không nắm bắt đầy đủ thông tin về giao dịch mà mình dự định tham gia do bên kia đã không cung cấp các thông tin cần thiết hoặc các thông tin được cung cấp làm bên này hiểu sai thì đâu sẽ là cơ chế bảo vệ? Ví dụ, bên A và bên B ký kết hợp đồng mua bán một lô gạo (thuộc giống đặc biệt) nhưng bên A – bên bán không cung cấp thông tin về cách bảo quản thích hợp cho bên B dẫn đến lô gạo này bị hư hỏng chỉ ít ngày sau khi bên B nhận được hàng. Theo quy định tại Điều 443 Bộ luật Dân sự 2015 về nghĩa vụ cung cấp thông tin thì:
Bên bán có nghĩa vụ cung cấp cho bên mua thông tin cần thiết về tài sản mua bán và hướng dẫn cách sử dụng tài sản đó;
Nếu bên bán không thực hiện nghĩa vụ này thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán phải thực hiện trong một thời hạn hợp lý;
Nếu bên bán vẫn không thực hiện làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng thì bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Như vậy, trong trường hợp này, bên B đã không đạt được mục đích giao kết hợp đồng là mua được thứ hàng hóa có tiêu chuẩn như mình mong đợi và bên B có yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, sẽ có nhiều vấn đề pháp lý đặt ra như bên B đã yêu cầu bên A thực hiện cung cấp thông tin về việc bảo quản loại gạo này hay chưa và việc bên B không yêu cầu cũng cấu thành yếu tố lỗi khi cơ quan giải quyết tranh chấp xem xét vấn đề bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2015 cũng mới chỉ dừng lại quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hợp đồng mua bán tài sản trong khi các loại hợp đồng phát sinh trong kinh doanh và đời sống xã hội là vô cùng đa dạng. Công ty Luật Việt An khuyến khích Quý Khách hàng khi đàm phán và ký kết hợp đồng nên đưa vào điều khoản về nghĩa vụ cung cấp thông tin và các biện pháp bồi thường nếu vi phạm nghĩa vụ này. Chúng tôi có một số gợi ý như sau:
Đối với hợp đồng mua bán tài sản thông thường:
Điều khoản về nghĩa vụ cung cấp thông tin nên ràng buộc bên bán phải cung cấp các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp tài sản, các tranh chấp (nếu có) đang xảy ra đối với tài sản, tình trạng pháp lý của tài sản (có đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ gì hay không), quyền của người thứ ba đối với tài sản đó, cách thức bảo quản và sử dụng tài sản, những đặc điểm đặc biệt của tài sản mà bên mua cần phải biết… Nếu hoạt động mua bán này là hoạt động kinh doanh thì bên bán còn phải cung cấp các giấy tờ chứng mình sự thành lập và hoạt động hợp pháp của mình, các giấy tờ khác liên quan đến nguồn gốc và chất lượng tài sản…
Đối với hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp:
Điều khoản về nghĩa vụ cung cấp thông tin nên ràng buộc bên bán phải cung cấp các giấy tờ chứng minh sự thành lập hợp pháp, hoạt động hợp pháp, báo cáo tài chính, giấy tờ chứng minh thẩm quyền ký kết hợp đồng…
Đối với cung ứng dịch vụ:
Điều khoản về nghĩa vụ cung cấp thông tin nên ràng buộc bên cung ứng dịch vụ phải cung cấp các giấy tờ chứng minh mình được thành lập và hoạt động hợp pháp, các dịch vụ mình cung cấp là hoàn toàn hợp pháp. Ngoài ra, có những dịch vụ đặc thù như ứng dụng trên thiết bị di động, bên cung ứng, về mặt nguyên tắc, phải cung cấp cho bên sử dụng dịch vụ biết quyền truy cập vào dữ liệu người dùng để đảm bảo vấn đề bảo mật và quyền riêng tư. Nhất là các công ty thuê ngoài dịch vụ IT, trong hợp đồng cung ứng dịch vụ nên quy định thật cụ thể điều khoản này để bảo vệ doanh nghiệp của mình.
Nếu Quý Khách hàng có khó khăn, thắc mắc, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ thêm!