Từ ngày 01/07/2025, hệ thống hành chính cấp tỉnh của Việt Nam giảm số lượng đơn vị cấp tỉnh từ 63 xuống còn 34 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Cùng với đó là tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, bỏ đơn vị hành chính cấp huyện. Đồng thời, từ 01/07/2025 sẽ kết thúc hoạt động của 3 Tòa án nhân dân cấp cao, không tổ chức Tòa án cấp huyện. Việc sáp nhập này dẫn đến thẩm quyền giải quyết ly hôn của Tòa án cũng có sự thay đổi. Vậy nộp đơn ly hôn ở đâu khi tỉnh sáp nhập từ 2025? Sau đây, Luật Việt An sẽ tư vấn và giải đáp thắc mắc cho quý khách hàng.
Hệ thống tổ chức Tòa án nhân dân theo mô hình mới từ 01/07/2025
Theo Nghị quyết 81/2025/UBTVQH15 và khoản 1 Điều 1 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi 2025, từ 01/07/2025, tổ chức của Tòa án nhân dân bao gồm:
Tòa án nhân dân tối cao;
Tòa án nhân dân cấp tỉnh;
Tòa án nhân dân khu vực;
Tòa án chuyên biệt;
Tòa án quân sự
Như vây, từ 01/07/2025 sẽ kết thúc hoạt động tổ chức Tòa án cấp huyện, thành lập Tòa án khu vực. Quý khách có thể theo dõi địa điểm đặt trụ sở của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân khu vực sau khi thành lập theo Nghị quyết 81/2025/UBTVQH15 tại Quyết định số 114/QĐ-TANDTC ngày 01/07/2025 của Chánh án TAND Tối cao.
Nộp đơn ly hôn ở đâu khi tỉnh sáp nhập từ 2025?
Đối với trường hợp thuận tình ly hôn
Thẩm quyền theo loại việc
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 29 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn là yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Thẩm quyền theo cấp
Theo Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2025, từ ngày 01/07/2025, Tòa án nhân dân khu vực là tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.
Đối với yêu cầu thuận tình ly hôn mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì thẩm quyền thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Thẩm quyền theo lãnh thổ
Theo điểm h khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn cư trú có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.
Đối với trường hợp đơn phương ly hôn
Thẩm quyền theo loại việc
Căn cứ theo Điều 28 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án gồm:
Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn.
Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.
Tranh chấp về cấp dưỡng.
Theo đó, trường hợp đơn phương ly hôn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Thẩm quyền theo cấp
Theo Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2025, từ ngày 01/07/2025, Tòa án nhân dân khu vực là tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu đơn phương ly hôn.
Như vậy, sau sáp nhập tỉnh 2025, vợ chồng nộp đơn ly hôn tại Tòa án nhân dân khu vực, thay vì là Tòa án nhân dân cấp huyện như trước đây.
Lưu ý: Đối với yêu cầu thuận tình ly hôn mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì thẩm quyền thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Thẩm quyền theo lãnh thổ
Theo điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, nơi bị đơn cư trú, làm việc theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về hôn nhân và gia đình.
Như vậy, trường hợp đơn phương ly hôn thì vợ/chồng nộp đơn ly hôn tại nơi cư trú, làm việc của người còn lại.
Tuy nhiên, nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết ly hôn trong các trường hợp sau đây theo Khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:
Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết.
Thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn có gì khác nhau?
Về bản chất
Thuận tình ly hôn là việc dân sự, không có tranh chấp, hai vợ chồng cùng đồng ý ly hôn, cùng thỏa thuận được tất cả các vấn đề liên quan và cùng ký tên vào đơn yêu cầu. Việc giải quyết thuận tình ly hôn được tiến hành theo thủ tục tòa án công nhận việc thuận tình ly hôn bằng một quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự.
Đơn phương ly hôn là vụ án dân sự, giải quyết các tranh chấp liên quan đến tất cả hoặc một trong các vấn đề quan hệ vợ chồng, quyền nuôi con, cấp dưỡng, chia tài sản chung…. Đơn phương ly hôn kết thúc bằng một bản án có hiệu lực của Tòa án.
Người có quyền yêu cầu ly hôn
Thuận tình ly hôn: Hai vợ chồng cùng yêu cầu;
Đơn phương ly hôn: Vợ hoặc chồng; Cha, mẹ, người thân tích khác nếu một bên bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác không thể nhận thức, làm chủ hành vi và là nạn nhận bạo lực gia đình do người kia gây ra.
Về hạn chế quyền
Đối với thuận tình ly hôn: Pháp luật không hạn chế việc các bên cùng thỏa thuận về thuận tình giải quyết ly hôn và các vấn đề liên quan
Đối với đơn phương ly hôn: Người chồng chị hạn chế không được quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi
Về thời hạn giải quyết
Đối với thuận tình ly hôn: Trong 7 ngày làm việc, nếu hòa giải không thành, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn
Đối với đơn phương ly hôn: Thủ tục phức tạp, kéo dài hơn. Thời gian giải quyết là 4 tháng, kể cả trường hợp phức tạp thì chỉ kéo dài thêm 2 tháng.
Mỗi phương thức ly hôn đơn phương hoặc ly hôn thuận tình đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Quý khách hàng nên cân nhắc và lựa chọn hình thức phù hợp để giải quyết ly hôn hiệu quả.
Hồ sơ cần chuẩn bị để thực hiện thủ tục ly hôn tại Tòa án
Để được Tòa án giải quyết theo thủ tục ly hôn thì phải chuẩn bị các loại giấy tờ, hồ sơ như sau:
Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn/đơn khởi kiện theo mẫu Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP.
Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
Sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực);
CMND/ Căn cước công dân/hộ chiếu (bản sao có chứng thực);
Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ đỏ); đăng ký xe; sổ tiết kiệm… (bản sao);
Các tài liệu, chứng cứ, giấy tờ chứng minh về khoản nợ, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (bản sao);
Nếu hai bên đăng ký kết hôn theo pháp luật nước ngoài muốn ly hôn tại Việt Nam thì phải hợp thức lãnh sự giấy đăng ký kết hôn và làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp rồi mới nộp đơn và hồ sơ xin ly hôn;
Các giấy tờ, tài liệu khác (nếu có yêu cầu).
Lưu ý khi thực hiện thủ tục ly hôn tại Tòa án
Xác định đúng Tòa án có thẩm quyền: Để tránh bị trả lại hồ sơ, cần xác định chính xác nơi cư trú hoặc làm việc của mình hoặc bị đơn. Đồng thời, xác định đúng thẩm quyền theo cấp của Tòa án, đặc biệt sau khi sáp nhập, bỏ đơn vị hành chính cấp huyện và TAND cấp huyện.
Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ: Việc thiếu giấy tờ, đặc biệt là giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, có thể làm chậm tiến độ giải quyết. Do đó, cần chuẩn bị hồ sơ, giấy từ đầy đủ.
Tham khảo ý kiến luật sư: Nếu vụ việc ly hôn phức tạp, có tranh chấp về tài sản hoặc quyền nuôi con, nên sử dụng dịch vụ pháp lý để được hỗ trợ tốt nhất.
Cập nhật thông tin pháp luật: Do có thể có những thay đổi trong quy định về đơn vị hành chính hoặc tổ chức Tòa án cũng như quy định pháp luật mới, nên cần lưu ý cập nhật các quy định mới.
Trên đây là giải đáp thắc mắc về: Nộp đơn ly hôn ở đâu khi tỉnh sáp nhập từ 2025? Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn pháp luật về ly hôn,, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất!