Công nghệ blockchain (chuỗi khối) đang ngày càng trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế số, và Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc trong việc xây dựng khung pháp lý cho công nghệ này. Vào ngày 22 tháng 10 năm 2024, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1236/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ blockchain đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho quý khách quy định pháp lý về công nghệ blockchain.
Khái niệm và đặc điểm của blockchain
Khái niệm blockchain
Blockchain (công nghệ chuỗi khối) được hiểu đơn giản là công nghệ giúp mã hóa tất cả các dữ liệu thành các khối khác nhau, đồng thời kết nối chúng lại để tạo thành một chuỗi dài. Trong trường hợp có thêm thông tin mới, chúng sẽ được lưu vào khối mới và được nối vào khối cũ, để tạo thành một chuỗi mới. Nhờ vào đó, thông tin cũ trong công nghệ Blockchain không bị mất đi.
Đặc điểm của blockchain
Mỗi giao dịch trên Blockchain đều được ghi chép một cách minh bạch và không thể thay đổi sau khi đã được hệ thống xác nhận, nhờ đó tăng cường tính an toàn và độ tin cậy.
Blockchain hoạt động mà không cần một tổ chức quản lý tập trung. Mỗi nút trong mạng lưới đều giữ một bản sao của sổ cái, giúp đảm bảo tính toàn vẹn và minh bạch của dữ liệu.
Nhờ sử dụng mã hóa tiên tiến và cơ chế xác nhận giao dịch phức tạp, Blockchain đảm bảo rằng dữ liệu không thể bị hack hoặc thay đổi trái phép.
Blockchain cho phép tạo và thực thi các hợp đồng thông minh (smart contracts), tự động hóa các quy trình và giao dịch mà không cần sự can thiệp của con người.
Cơ sở pháp lý điều chỉnh công nghệ blockchain hiện hành
Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có định nghĩa chính xác hay hành lang pháp lý cụ thể để thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain. Tuy nhiên, tại nhiều quyết định của chính phủ Việt Nam, Blockchain đang trở thành một trong những công nghệ được ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng, tiêu biểu như:
Luật Công nghệ thông tin 2006, Luật Giao dịch điện tử 2023, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi 2022, Luật An ninh mạng 2018, Luật Cạnh tranh 2018;
Quyết định số 100/QĐ-TTg: “Phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc” trong đó: Triển khai các đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển các giải pháp, công nghệ (Blockchain, IoT, AI, Big data và các công nghệ mới phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới) ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc.
Theo Quyết định 2117/QĐ-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Blockchain là một trong một số công nghệ cốt lõi được lựa chọn ưu tiên nghiên cứu mà Việt Nam có thể đi tắt đón đầu cũng như có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ.
Theo Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030” về giải pháp “Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (Blockchain).”
Quyết định 1236/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chiến lược ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngoài ra, Luật Công nghiệp công nghệ số đã và đang được soạn thảo và sự diện được hoàn thiện để trình Quố hội thông qua vào tháng 5/2025. Các quy định mới hứa hẹn sẽ tạo ra được một khung pháp lý hoàn chỉnh, nhằm tạo nên một môi trường thuận lợi để ngành công nghệ thông tin nói chung và Blockchain nói riêng được phát triển toàn diện.
Các loại blockchain
Dựa trên mục đích sử dụng và mức độ kiểm soát, Blockchain được chia thành ba loại chính đó là:
Public Blockchain (Blockchain công khai): Đây là loại blockchain mở, cho phép mọi người đều có thể tham gia, xác minh và thực hiện giao dịch. Ví dụ điển hình của loại Blockchain này là Bitcoin và Ethereum. Trong loại Public Blockchain, mọi giao dịch đều công khai và minh bạch, nhưng không ai có thể kiểm soát hoặc thay đổi dữ liệu đã được ghi vào Blockchain.
Private Blockchain (Blockchain riêng tư): Blockchain chỉ cho phép một số người dùng cụ thể tham gia. Loại Blockchain này thường được sử dụng trong các tổ chức hoặc doanh nghiệp để đảm bảo quyền truy cập và quyền thực hiện giao dịch được kiểm soát chặt chẽ. Private Blockchain giúp tăng cường bảo mật và quản lý hiệu quả hơn so với Public Blockchain.
Permissioned Blockchain (Blockchain có quyền hạn): Đây là một dạng của Private Blockchain, nhưng người dùng được cung cấp một số tính năng đặc quyền khác tùy thuộc vào bên thứ ba cung cấp. Permissioned Blockchain thường được sử dụng trong các môi trường doanh nghiệp để đảm bảo sự linh hoạt và kiểm soát cao đối với quyền truy cập và quyền thực hiện giao dịch.
Ứng dụng của blockchain
Công nghệ blockchain, với khả năng tạo ra một sổ cái kỹ thuật số phân tán, bất biến và minh bạch, đã và đang tạo ra một cuộc cách mạng trong nhiều lĩnh vực. Dưới đây là một số ứng dụng nổi bật của blockchain:
Tiền điện tử: Đây là ứng dụng phổ biến nhất của Blockchain, mà Bitcoin là ví dụ nổi tiếng nhất.
Hợp đồng thông minh: Blockchain cho phép tạo và thực thi các hợp đồng tự động, minh bạch và không thể thay đổi. Vì vậy, công nghệ này đang được ứng dụng nhiều trong các hệ thống tài chính lớn, tổ chức bất động sản và nhiều lĩnh vực khác.
Quản lý chuỗi cung ứng: Blockchain giúp theo dõi và quản lý chuỗi cung ứng một cách chính xác và minh bạch, từ nguồn gốc sản phẩm đến quá trình phân phối. Một số công ty như Walmart, Pfizer, AIG, Siemens và Unilever cũng đang thử nghiệm Blockchain trong quả lý chuỗi cung ứng của họ trên toàn cầu.
Bảo mật dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư: Blockchain cũng được ứng dụng trong việc lưu trữ và bảo vệ dữ liệu cá nhân để ngăn chặn gian lận và tăng cường bảo mật thông tin.
Y tế: Blockchain thậm chí còn có thể được sử dụng để lưu trữ và quản lý hồ sơ y tế, giúp việc chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan trở nên an toàn và hiệu quả hơn.
Quy định pháp lý về công nghệ blockchain
Hiện tại, hành lang pháp lý cho blockchain tại Việt Nam còn thiếu đồng bộ. Dù đã có một số văn bản định hướng như Quyết định 1236/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược ứng dụng và phát triển blockchain đến năm 2030, các quy định cụ thể về tiêu chuẩn an toàn, bảo mật dữ liệu hay quy trình giao dịch trên nền tảng blockchain vẫn chưa được xây dựng chi tiết. Nội dung quyết định này như sau:
Mục tiêu phát triển:
Thiết lập nền tảng phát triển công nghệ blockchain, bao gồm việc hình thành hạ tầng chuỗi khối bảo đảm tuân thủ các quy định về an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ blockchain tại các trung tâm đổi mới sáng tạo.
Xây dựng 20 thương hiệu blockchain uy tín trong khu vực và duy trì tối thiểu 3 trung tâm thử nghiệm về blockchain tại các thành phố lớn.
Hành động cụ thể:
Hoàn thiện môi trường pháp lý cho blockchain.
Phát triển hạ tầng và hình thành hệ sinh thái công nghiệp blockchain.
Phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực blockchain.
Thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Định hướng đến năm 2030:
Việt Nam sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu trong khu vực về nghiên cứu, triển khai và ứng dụng công nghệ blockchain.
Củng cố và mở rộng hạ tầng chuỗi khối quốc gia, ban hành tiêu chuẩn về ứng dụng và phát triển chuỗi khối.
Xây dựng khung pháp lý và các quy định liên quan về blockchain
Chiến lược này không chỉ đặt ra mục tiêu phát triển mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho công nghệ blockchain. Điều này bao gồm việc:
Ban hành các quy định và tiêu chuẩn về nền tảng, sản phẩm, ứng dụng và dịch vụ blockchain.
Xây dựng khung thử nghiệm pháp lý (sandbox) cho các ứng dụng blockchain trong các lĩnh vực tiềm năng như tài chính, giao thông vận tải.
Đảm bảo an ninh và bảo mật thông tin trong các ứng dụng blockchain, tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Trên đây là nội dung quy định pháp lý về blockchain mà Luật Việt An cung cấp cho quý khách. Quý khách có vướng mắc pháp lý nào vui lòng liên hệ chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.