Di sản thờ cúng là một trong những nét đặc trưng của quy định pháp luật thừa kế Việt Nam. Theo truyền thống của người Việt, sau khi chết, một phần tài sản thường được trích lại để thờ cúng tổ tiên mà không đem chia. Vậy pháp luật quy định như thế nào về di sản thờ cúng? Bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ trình bày các thông tin liên quan đến quy định về di sản thờ cúng theo pháp luật hiện hành.
Di sản thờ cúng là gì?
Theo Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015 di sản bảo gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Di sản thờ cúng có thể hiểu là tài sản của người đã chết để lại cho những người còn sống với mục đích để thờ cúng theo ý nguyện của người đã chết.
Khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người lập di chúc có thể để lại một phần di sản thờ cúng mà không quy định cụ thể là loại tài sản nào. Do vậy, người lập di chúc có thể định đoạt bất cứ kỳ tài sản nào dùng trong khối di sản thuộc quyền sở hữu của mình để dùng vào việc thờ cúng.
Di sản thờ cúng có thể là tiền, quyền tài sản, vật hoặc những giấy tờ có giá khác.
Xử lý di sản thờ cúng trong thừa kế như thế nào?
Căn cứ theo Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015, di sản thờ cúng có giá trị pháp lý khi:
Phần di sản dùng vào việc thờ cúng không được chia thừa kế và được giao cho người được chỉ định trong di chúc quản lý, nếu di chúc không chỉ định người quản lý phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì những người thừa kế phải thỏa thuận giao di sản dùng vào việc thờ cúng cho một trong những người thừa kế trông coi và sử dụng
Nếu tất cả những người thừa kế trong di chúc đều chết thì phần di sản dùng vào việc thờ cúng thuộc về người đang quản lý di sản hợp pháp trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật
Khi thanh toán xong nghĩa vụ tài sản còn lại của người lập di chúc.
Xác lập di sản thờ cúng theo Bộ luật Dân sự
Căn cứ khoản 3 Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người lập di chúc có quyền dành một phần tài sản trong khối di sản thừa kế để dùng vào việc thờ cúng. Có thể thấy, di sản dùng vào việc thờ cúng chỉ xuất hiện trong thừa kế theo di chúc còn trường hợp thừa kế theo pháp luật thì chưa có quy định về di sản thờ cúng.
Tuy nhiên, việc xác lập di sản thờ cúng không chỉ phát sinh bằng cách người để lại di sản ghi nhận dành một phần tài sản của mình sẽ được dùng để thờ cúng sau khi mất, mà thực thế còn có thể có một số trường hợp sau:
Di sản thờ cúng do ai quản lý?
Sau khi người để lại di sản mất, để trông coi và sử dụng di sản thờ cúng một cách hiệu quả, phần di sản này sẽ được giao cho một hoặc một số người quản lý. Theo quy định tại Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015, người quản lý sẽ được xác định bởi người để lại di sản nếu có chỉ định rõ trong di chúc hoặc do những người thừa kế đề cử ra.
Ngườ quản lý di sản thờ cúng có nghĩa vụ gì?
Di sản thờ cúng được giao cho người quản lý di sản thờ cúng để thực hiện nghĩa vụ thờ cúng theo ý nguyện của người chết. Mặc dù pháp luật không quy định cấm dùng tài sản thờ cúng để khai thác về mặt thương mại hoặc sản xuất kinh doanh, nhưng có thể hiểu, người quản lý di sản thờ cúng cũng cần tuân theo quy định chung về nghĩa vụ và quyền của người quản lý di sản. Theo đó, người quản lý di sản thờ cúng có quyền thu hoa lợi, lợi tức từ di sản thờ cúng và dùng nó để thực hiện việc thờ cúng. Tuy nhiên với các hành vi tác động đến quyền định đoạt tài sản phải được thông qua sự đồng ý của những người thừa kế hợp pháp (nếu họ còn sống).
Ngoài ra, đối với di sản thờ cúng người quản lí di sản có nghĩa vụ phải bảo quản di sản, không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác, nếu không được những người thừa kế bằng văn bản.
Một số tranh chấp về di sản thờ cúng
Tranh chấp do vi phạm nghĩa vụ thờ cúng
Trường hợp vi phạm nghĩa vụ theo di chúc
Trường hợp người được chỉ định không thực hiện nghĩa vụ đó thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng. Do đó, thực tế có thể xảy ra tranh chấp giữa những người thừa kế và người được chỉ định quản lý đất dùng vào việc thờ cúng.
Trường hợp vi phạm nghĩa vụ theo sự chỉ định của những người thừa kế theo pháp luật
Trường hợp người được chỉ định theo thỏa thuận không thực hiện nghĩa vụ hoặc sử dụng đất thờ cúng không đúng mục đích thì cũng là sự vi phạm nghĩa vụ thờ cúng. Chính vì vậy, sự vi phạm nghĩa vụ của người quản lý đất dùng vào việc thờ cúng cũng là một nguyên nhân dẫn đến tranh chấp.
Tranh chấp giữa các đồng thừa kế yêu cầu phân chia di sản thờ cúng
Tranh chấp này thường xảy ra khi người được chỉ định quản lý di sản chết. Sự kiện này đặt ra vấn đề thỏa thuận giữa các đồng thừa kế để xác định xem ai là người tiếp tục quản lý đất dùng vào việc thờ cúng. Do đó, trong trường hợp các đồng thừa kế không thỏa thuận được thì sẽ xảy ra tranh chấp.
Giải quyết trường hợp này, căn cứ theo đoạn đoạn 3 khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015.
Tranh chấp do người quản lý di sản tự ý xin cấp giấy chứng nhận đất thờ cúng.
Tranh chấp này xảy ra khi những người thừa kế vẫn còn sống và người quản lý di sản tự ý xin cấp giấy chứng nhận đất thờ cúng, theo khoản 1, Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015, “… trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật”. Như vậy, chỉ khi những người thừa kế theo di chúc đã chết thì người quản lý di sản thuộc diện thừa kế mới được quyền sở hữu phần di sản này.
Trường hợp này, các bên có liên quan có thể khởi kiện yêu cầu hủy Giấy chứng nhận và xác định lại quyền sử dụng đất; đồng thời đề nghị phân công người quản lý di sản mới.
Một số câu hỏi liên quan
Có được phép bán di sản thờ cúng không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015, phần di sản dùng vào việc thờ cúng không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng. Như vậy di sản thờ cúng không được chia thừa kế nên sẽ không thuộc sở hữu của bất kỳ cá nhân nào, do đó không được phép bán phần di sản này, trừ trường hợp tài sản đã thuộc sở hữu của người quán lý theo quy định pháp luật.
Tài sản của người đã chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản thì có được để lại di sản thờ cúng không?
Căn cứ khoản 2 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ, trường hợp tài sản người chết để lại không đủ để thanh toán các nghĩa vụ tài sản theo quy định thì không được dành một phần di sản vào việc thờ cúng.
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết nếu có tranh chấp về di sản thờ cúng?
Di sản thờ cúng là sự việc phát sinh từ thừa kế nên thuộc các việc về thừa kế. Căn cứ theo khoản 5 Điều 26 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 quy định, tranh chấp về thừa kế tài sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Do đó, nếu có tranh chấp về di sản thờ cúng Tòa án là cơ quan giải quyết.
Trên đây là toàn bộ thông tin quy định về di sản thờ cúng. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hoặc có nhu cầu hỗ trợ pháp lý về thừa kế, tư vấn pháp luật dân sự, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!