Hợp đồng mua bán đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc chứng minh sự giao kết của các bên tham gia hợp đồng, quyết định các quyền lợi mà các bên được hưởng cũng như những nghĩa vụ mà họ phải tuân theo. Do đó, trong mọi trường hợp mua bán hàng hóa, các bên đều cần phải lập hợp đồng, đặc biệt là với hoạt động mua bán quốc tế (có yếu tố nước ngoài). Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là sự thỏa thuận trong hoạt động mua bán sao cho phù hợp với pháp luật quốc gia của các bên giao kết và các điều ước quốc tế mà các quốc gia đó là thành viên.
Theo quy định của Luật Thương mại 2005, mua bán hàng hóa quốc tế được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu. Như vậy, so với định nghĩa hoạt động mua bán có yếu tố nước ngoài, pháp luật Việt Nam có những hạn chế nhất định đối với hoạt động này.
Hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được lập dưới dạng văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị tương đương (thư điện tử, tin nhắn dữ liệu, bản fax…)
Những nội dung cần có trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế:
Thông tin các bên giao kết: tên của cá nhân/tổ chức; quốc tịch; địa chỉ; thông tin người đại diện pháp luật (của bên giao kết là tổ chức);
Các vấn đề liên quan đến hàng hóa và đối tượng mua bán của hợp đồng, bao gồm:
Loại hàng hóa, số lượng, chất lượng;
Cách thức vận chuyển hàng hóa;
Thông tin về bên trung gian vận chuyển;
Số đợt giao hàng hóa (nếu có)
Thời gian, địa điểm giao, nhận hàng hóa;
Bảo hành (nếu có).
Các vấn đề liên quan đến thanh toán:
Giá cả, chi phí phát sinh hợp lý khác;
Tổng giá trị hợp đồng;
Phương thức thanh toán, thời gian thanh toán (có thể chia thành nhiều đợt và số tiền thanh toán tương ứng mỗi đợt);
Mức phạt chậm thanh toán;
Các vấn đề khác liên quan đến hợp đồng và giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng:
Thời hiệu của hợp đồng;
Quyền và nghĩa vụ của các bên;
Các vấn đề về phạt vi phạm hợp đồng;
Phương thức giải quyết tranh chấp;
Lựa chọn luật áp dụng (nếu có).
Trên đây là những nội dung cơ bản cần đáp ứng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, ngoài ra, các bên có thể giao kết các điều khoản khác nhưng không được trái với pháp luật và các điều ước quốc tế.
Lưu ý: Về việc chọn luật áp dụng, các bên có thể chọn luật của quốc gia mà một trong các bên có quốc tịch hoặc được thành lập hợp pháp, hoặc lựa chọn luật của một quốc gia khác. Đối với các thương nhân là cá nhân, pháp nhân của các quốc gia đều là thành viên của Công ước quốc tế CISG về mua bán hàng hóa quốc tế, nếu không có điều khoản về việc chọn luật thì quy định của Công ước này sẽ được áp dụng để giải quyết tranh chấp (nếu có).