Hiện nay, nhu cầu xuất khẩu lao động của người dân ngày càng phát triển, điều đó thúc đẩy các việc thành lập các công ty xuất khẩu lao động, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Sau đây, Công ty Luật Việt An xin hướng dẫn quý khách hàng về về thành lập công ty xuất khẩu lao động tại Việt Nam theo quy định pháp luật hiện hành.
Căn cứ pháp lý
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng năm 2020;
Luật Doanh nghiệp năm 2020;
Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
Nghị định 112/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Xuất khẩu lao động là gì?
Hiện nay pháp luật không có quy định về xuất khẩu lao động, khái niệm này được gọi là “đưa người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài”. Đây là hoạt động kinh tế dưới hình thức hoạt động dịch vụ cung ứng lao động ở nước ngoài. Theo đó doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động đưa người lao động tại Việt Nam sang nước ngoài làm việc theo hợp đồng ngắn hoặc dài hạn để phục vụ cho nhu cầu của người lao động của nước ngoài.
Hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và chỉ được thực hiện bởi doanh nghiệp Việt Nam có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Điều kiện kinh doanh xuất khẩu lao động
Để được kinh doanh xuất khẩu lao động, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 10 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 và Điều 4, Điều 5, Điều 6 Nghị định 112/2021/NĐ-CP. Cụ thể:
Về thành viên
Có chủ sở hữu, tất cả thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước.
Như vậy, cần lưu ý, công ty xuất khẩu lao động được cấp Giấy phép hoạt động khi có chủ sở hữu, tất cả thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước. Do đó, chỉ công ty xuất khẩu lao động của nhà đầu tư trong nước mới có thể hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, công ty của nhà đầu tư nước ngoài không thể đăng ký ngành nghề kinh doanh xuất khẩu lao động.
Về vốn điều lệ và ký quỹ
Có vốn điều lệ từ 05 tỷ đồng trở lên.
Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Doanh nghiệp giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải ký quỹ thêm 500.000.000 đồng đối với mỗi chi nhánh được giao nhiệm vụ.
Về người đại diện theo pháp luật
Có người đại diện theo pháp luật là công dân Việt Nam, trình độ từ đại học trở lên và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc dịch vụ việc làm.
Về nhân viên nghiệp vụ
Có đủ số lượng nhân viên nghiệp vụ. Doanh nghiệp phải có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ chịu trách nhiệm thực hiện, đáp ứng một trong những tiêu chuẩn sau:
Tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên thuộc nhóm ngành đào tạo trong lĩnh vực pháp luật, nhân văn, dịch vụ xã hội, khoa học xã hội và hành vi hoặc kinh doanh và quản lý;
Tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên không thuộc nhóm ngành đào tạo trên và có ít nhất 02 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Về cơ sở vật chất
Có cơ sở vật chất của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp thuê ổn định để đáp ứng yêu cầu giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Có trang thông tin điện tử. Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp phải có tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, đăng tải thông tin cơ bản của doanh nghiệp, đăng hình ảnh Giấy phép sau khi được cấp và nội dung thông tin về hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nhà đẩu tư cần tiến hành những thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật doanh nghiệp và pháp luật lao động, cụ thể như sau:
Bước 1: Chuẩn bị loại hình doanh nghiệp.
Cần tiến hành đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020. Doanh nghiệp có thể lựa chọn các hình thức doanh nghiệp như công ty cổ phần, công ty hợp danh, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân.
Khi chọn loại hình doanh nghiệp, cũng cần lưu ý về chọn tên doanh nghiệp, trụ sở, các trường hợp không được thành lập doanh nghiệp đáp ứng điều kiện theo Luật Doanh nghiệp 2020.
Đối với dịch vụ xuất khẩu lao động, doanh nghiệp có thể đăng ký mã ngành nghề 78302 về cung ứng và quản lý nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nhóm này gồm: Các hoạt động cung cấp nguồn lao động dài hạn, ổn định, quản lý nguồn lao động làm việc ở nước ngoài, đại diện cho người lao động trong trường hợp liên quan đến việc thanh toán tiền lương, thuế và các vấn đề về tài chính hoặc nguồn lao động, nhưng họ không có trách nhiệm chỉ đạo và giám sát người lao động.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Hồ sơ đăng ký thành lập công ty bao gồm một số giấy tờ sau theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP:
Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
Điều lệ công ty.
Danh sách thành viên. Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.
Bản sao các giấy tờ pháp lý của tổ chức, cá nhân là thành viên/cổ đông công ty; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư.
Bước 3: Nộp hồ sơ và cơ quan có thẩm quyền xử lý hồ sơ.
Sau khi chuẩn bị hồ sơ, người nộp hồ sơ thành lập ng ty nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.
Sau khi trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh nhập đầy đủ, chính xác thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và tải các văn bản đã được số hóa trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Doanh nghiệp. Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Bước 4: Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được công khai. Doanh nghiệp nộp phí và gửi Giấy đề nghị công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp tới Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký.
Nội dung công bố bao gồm các nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các thông tin sau đây:
Ngành, nghề kinh doanh;
Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần (nếu có).
Bước 5: Khắc dấu và thông báo mẫu dấu công ty
Hiện nay sau khi khắc dấu, cũng như các loại hình doanh nghiệp khác, công ty tự quản lý con dấu mà không phải thực hiện thủ tục đăng bố cáo con dấu như trước đây. Công ty có quyền khắc nhiều con dấu mà không có bất kỳ hạn chế nào. Các con dấu của doanh nghiệp chỉ cần đảm bảo đồng nhất về mặt hình thức và có thông tin tên, mã số doanh nghiệp.
Bước 6: Xin cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp sẽ chưa được phép tiến hành hoạt động xuất khẩu lao động ngay mà phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Về thẩm quyền cấp Giấy phép: Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Về hồ sơ:
Theo Điều 12 của Nghị định 112/2021/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bao gồm:
Văn bản đề nghị cấp Giấy phép của doanh nghiệp;
Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
Giấy tờ chứng minh đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Về trình tự thực hiện:
Công ty xuất khẩu lao động tiến hành nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép đến Cục quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét và cấp Giấy phép cho doanh nghiệp; trường hợp không cấp Giây phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Giấy phép được cấp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đăng tải Giấy phép trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi công ty xuất khẩu lao động đặt trụ sở chính.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Giấy phép được cấp, công ty phải niêm yết công khai bản sao Giấy phép tại trụ sở chính và đăng tải Giấy phép trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.
Một số công ty xuất khẩu lao động nổi tiếng tại Việt Nam
Công ty xuất khẩu lao động Nhật Bản Tracimexco HRI;
Công ty cổ phẩn dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia (SULECO);
Công ty Cổ phần Nhân lực Quốc tế SOVILACO;
Công ty Năm Châu IMS;
Công ty cổ phần đầu tư Việt Phú;..
Dịch vụ thành lập doanh nghiệp xuất khẩu lao động của Luật Việt An
Tư vấn pháp luật về hồ sơ, thủ tục, Giấy phép thành lập công ty; Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Soạn thảo văn bản, hồ sơ, Giấy tờ cho khách hàng;
Đại điện cho khách hàng, tiến hành các thủ tục tại cơ quan nhà nước để được cấp Giấy đăng ký doanh nghiệp cũng như những giấy tờ pháp lý khác:
Tư vấn pháp lý thường xuyên cho doanh nghiệp sau khi được thành lập.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về thành lập công ty xuất khẩu lao động nói riêng và các loại hình doanh nghiệp khác nói , vui lòng liên hệ đến Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ hiệu quả nhất!