Thay đổi cổ đông góp vốn công ty cổ phần là thủ tục được tiến hành khi cổ đông sáng lập hoặc cổ đông công ty có nhu cầu rút vốn, chuyển nhượng… khi định hướng kinh doanh thay đổi. Mặt khác, quá trình thay đổi cổ đông góp vốn bằng việc chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng phần góp vốn đòi hỏi hồ sơ, thủ tục thực hiện khá phức tạp. Bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ cung cấp thông tin về vấn đề này theo quy định pháp luật.
Quy định pháp lý về công ty cổ phần
Căn cứ khoản 1 Điều 111, Luật Doanh nghiệp 2020, quy định Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.
Quy định về cổ đông góp vốn công ty cổ phần
Cổ đông góp vốn là cổ đông đóng góp tài sản vào công ty trở thành chủ sở hữu chung của công ty.
Các cồ đông được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120, khoản 1 Điều 127 của Luật Doanh nghiệp 2020 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều kiện chuyển nhượng vốn góp trong công ty cổ phần
Căn cứ quy định tại Điều 120, Điều 122, Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020, khi chuyển nhượng vốn góp trong công ty cổ phần, cần đáp ứng các điều kiện sau:
Sau khi công ty cổ phần được thành lập các cổ đông có quyền chuyển nhượng cổ phần cho người khác. Tuy nhiên phải ưu tiên chuyển nhượng cho các cổ đông sáng lập.
Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông sáng lập dự định chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó.
Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.
Sau 3 năm thì cổ đông sáng lập được phép tự do chuyển nhượng đối với những cá nhân có nhu cầu về góp vốn trở thành cổ đông của công ty mà không còn bất kỳ hạn chế nào.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cổ đông trong công ty cổ phần thông thường có thể tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông hoặc thành viên khác (trừ hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm đầu tiên). Công ty có hoạt động chuyển nhượng cũng không phải tiến hành nộp hồ sơ thay đổi đến cơ quan nhà nước trừ 02 trường hợp sau:
Cổ đông sáng lập chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại Điều 113 Luật Doanh nghiệp.
Trường hợp này, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua.
Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:
Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
Danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần, trong đó không bao gồm thông tin về cổ đông sáng lập chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua.
Tờ khai thông tin người nộp hồ sơ;
Giấy ủy quyền để thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Thay đổi cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài trong công ty cổ phần chưa niêm yết
Trường hợp công ty cổ phần chưa niêm yết thay đổi cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp nộp hồ sơ thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:
Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
Danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài sau khi đã thay đổi. Danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài phải bao gồm chữ ký của cổ đông có giá trị cổ phần thay đổi, không bắt buộc phải có chữ ký của cổ đông có giá trị cổ phần không thay đổi;
Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần hoặc các giấy tờ chứng minh việc hoàn tất chuyển nhượng;
Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân trong trường hợp người nhận chuyển nhượng là cá nhân; bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức, bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và bản sao văn bản cử người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp người nhận chuyển nhượng là tổ chức. Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.
Tờ khai thông tin người nộp hồ sơ;
Giấy ủy quyền để thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Thủ tục thực hiện thay đổi cổ đông góp vốn công ty cổ phần
Bước 1: Thương lượng, trao đổi và ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần
Các bên cần liên lạc, làm việc, trao đổi và thương lượng để thống nhất nội dung chuyển nhượng và thực hiện ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.
Bước 2: Thực hiện thanh toán tiền mua cổ phần theo hợp đồng
Sau khi ký kết hợp đồng các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ được quy định tại hợp đồng.
Bước 3: Kê khai và nộp thuế TNCN do chuyển nhượng cổ phần
Cổ đông chuyển nhượng phải kê khai thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhương cổ phần và nộp mức thuế cố định là 0,1%/tổng giá trị chuyển nhượng.
Thời hạn kê khai: Trong vòng 10 ngày kể từ ngày ký hợp đồng chuyển nhượng.
Bước 4: Thực hiện nộp hồ sơ thay đổi đến Phòng đăng ký kinh doanh (nếu thuộc các trường hợp phải làm thủ tục)
Công ty cử người đại diện nộp hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Tài chính tại nơi công ty đặt trụ sở chính.
Bước 5: Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ
Trường hợp hồ sơ hợp lệ: bạn sẽ nhận được Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ: bạn sẽ nhận được thông báo bằng văn bản của Phòng đăng ký kinh doanh. Bạn sẽ phải tiến hành sửa đổi, bổ sung hồ sơ
Bước 6: Nhận kết quả
Theo lịch hẹn trong giấy biên nhận, công ty đến Phòng đăng ký doanh nghiệp để nhận kết quả.
Một số lưu ý khi thay đổi cổ đông góp vốn công ty cổ phần
Theo quy định tại khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020, Cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020 thì trừ trường hợp trên thì sau 03 năm, cổ phần của công ty cổ phần được tự do chuyển nhượng.
Ngoài ra, quy định tại khoản 2 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020 thì việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ ký. Trường hợp giao dịch trên thị trường chứng khoán thì trình tự, thủ tục chuyển nhượng được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Nếu có bất kỳ nội dung nào chưa rõ liên quan đến Thay đổi cổ đông góp vốn công ty cổ phần cần tư vấn cụ thể Qúy khách hàng vui lòng liên hệ với Công ty Luật Việt An để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.