Sửa đổi văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ là một thủ tục quan trọng để cập nhật thông tin và là một công cụ hữu hiệu để tăng cường bảo vệ quyền lợi của người sở hữu. Việc sở hữu một văn bằng chính xác và đầy đủ sẽ giúp quý khách hàng tránh được nhiều rủi ro pháp lý không đáng có. Bài viết dưới đây của Luật Việt An sẽ giúp khách hàng hiểu rõ hơn về thủ tục sửa đổi văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Các trường hợp sửa đổi văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ
Khoản 1 Điều 97 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2022) quy định: “Với điều kiện phải nộp phí, lệ phí thì chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý lý theo quy định tại Điều 88 của Luật này có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước sửa đổi những thông tin trên văn bằng bảo hộ”.
Theo đó, các trường hợp sửa đổi văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ bao gồm:
Thay đổi, sửa chữa thiếu sót liên quan đến tên và quốc tịch của tác giả, tên và địa chỉ của chủ văn bằng bảo hộ, tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý;
Sửa đổi bản mô tả tính chất, chất lượng đặc thù, khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý;
Sửa đổi quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;
Sửa chữa thiếu sót trong văn bằng bảo hộ do lỗi của cơ quan đó (trường hợp này không phải nộp phí, lệ phí);
Thu hẹp phạm vi quyền sở hữu công nghiệp (trong trường hợp này, đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tương ứng phải được thẩm định lại về nội dung và người yêu cầu phải nộp phí thẩm định nội dung).
Hồ sơ sửa đổi văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ
Hồ sơ sửa đổi văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ là tập hợp các giấy tờ cần thiết để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục sửa đổi văn bằng. Hồ sơ đề nghị sửa đổi văn bằng bảo hộ bao gồm các tài liệu sau:
Hồ sơ chung
Tờ khai sửa đổi văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp theo Mẫu số 06 tại Phụ lục II Nghị định số 65/2023/NĐ-CP: Đây là mẫu đơn theo quy định của cơ quan sở hữu trí tuệ, trong đó khách hàng phải ghi rõ thông tin về văn bằng cần sửa đổi, nội dung cần sửa đổi và lý do sửa đổi;
Bản gốc Văn bằng bảo hộ trong trường hợp văn bằng bảo hộ được cấp dưới dạng giấy, trường hợp người nộp đơn chỉ có bản điện tử thì không cần nộp kèm, bản cũ sẽ tự động mất hiệu lực sau khi sửa đổi được thực hiện;
Giấy ủy quyền (trường hợp nộp yêu cầu thông qua đại diện);
Chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
Hồ sơ riêng
Trường hợp nội dung yêu cầu sửa đổi là tên, địa chỉ: Tài liệu xác nhận việc thay đổi tên, địa chỉ (bản gốc hoặc bản sao có chứng thực); quyết định đổi tên, địa chỉ; giấy phép đăng ký kinh doanh có ghi nhận việc thay đổi tên, địa chỉ; các tài liệu pháp lý khác chứng minh việc thay đổi tên, địa chỉ);
Trường hợp yêu cầu thay đổi chủ Văn bằng bảo hộ: Tài liệu chứng minh việc chuyển dịch quyền sở hữu (tài liệu chứng minh việc thừa kế, kế thừa, sáp nhập, chia, tách, hợp nhất, liên doanh, liên kết, thành lập pháp nhân mới của cùng chủ sở hữu, chuyển đổi hình thức kinh doanh hoặc theo quyết định của Tòa án hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác);
Trường hợp yêu cầu thay đổi kiểu dáng công nghiệp: 05 bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ đã sửa đổi;
Trường hợp yêu cầu thay đổi mẫu nhãn hiệu: 05 mẫu nhãn hiệu đã sửa đổi;
Trường hợp yêu cầu thay đổi chỉ dẫn địa lý: 02 bản mô tả tính chất, chất lượng, danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý đã sửa đổi;
Trường hợp yêu cầu thay đổi nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận: 02 bản quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thế, 02 bản quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận đã sửa đổi;
Tài liệu thuyết minh chi tiết nội dung sửa đổi khác.
Các bước tiến hành thủ tục sửa đổi văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ sửa đổi văn bằng bảo hộ
Chủ văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ theo quy định trên.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ, khách hàng tiến hành gửi hồ sơ yêu cầu cấp bản sao tài liệu nhãn hiệu bằng cách nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục sở hữu trí tuệ.
Bước 3: Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận và xem xét
Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận đơn, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ xem xét yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ cho khách hàng.
Trường hợp hồ sơ yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ hợp lệ: Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định sửa đổi văn bằng bảo hộ, đăng bạ và công bố Quyết định sửa đổi văn bằng bảo hộ lên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ra quyết định;
Trường hợp hồ sơ yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ có thiếu sót hoặc không hợp lệ: Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận việc sửa đổi, trong đó nêu rõ lý do và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người yêu cầu sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối.
Mặc dù thủ tục sửa đổi văn bằng bảo hộ cho các đối tượng sở hữu trí tuệ (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu…) đều có chung một mục đích là cập nhật thông tin trên văn bằng, nhưng vẫn tồn tại những điểm khác biệt nhất định do đặc thù của từng loại hình bảo hộ:
Đối với sáng chế: Thủ tục thường phức tạp hơn so với các loại hình khác do yêu cầu về tính kỹ thuật cao của sáng chế. Thời gian thẩm định và quyết định có thể kéo dài hơn;
Đối với kiểu dáng công nghiệp: Thủ tục thường đơn giản hơn so với sáng chế, nhưng vẫn yêu cầu sự chính xác trong việc mô tả kiểu dáng. Thời gian xử lý thường nhanh hơn so với sáng chế;
Đối với nhãn hiệu: Thủ tục tường linh hoạt hơn so với các loại hình khác, nhưng cần đảm bảo không vi phạm quyền của người khác. Thời gian xử lý tương đối nhanh.
Phí, lệ phí sửa đổi văn bằng bảo hộ
Để hoàn thành và được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu mới (sau khi đã tiến hành thủ tục sửa đổi văn bằng) thì chủ sở hữu cần nộp các loại phí, lệ phí (áp dụng cho 1 nhóm gồm tối đa 6 sản phẩm/dịch vụ) được quy định tại Thông tư 263/2016/TT-BTC, cụ thể như sau:
Phí thẩm định yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ: 160.000 đồng/ văn bằng bảo hộ;
Phí công bố Quyết định sửa đổi văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng/đơn;
Phí đăng bạ Quyết định sửa đổi văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng/VBBH;
Phí thẩm định lại (nếu yêu cầu thu hẹp phạm vi bảo hộ): tương ứng với phí thẩm định lần đầu: 550.000 đồng/nhóm.
Các thông tin khách hàng cần cung cấp khi sử dụng dịch vụ sửa đổi văn bằng của Luật Việt An
Khi sử dụng dịch vụ sửa đổi văn bằng của Luật Việt An, khách hàng cần cung cấp một số thông tin quan trọng để đảm bảo quá trình thực hiện được diễn ra suôn sẻ và chính xác. Dưới đây là những thông tin cơ bản mà khách hàng cần công cấp:
Thông tin về văn bằng: Loại hình văn bằng (văn bằng bảo hộ thương hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp…), số hiệu đăng ký, tên và địa chỉ chủ sở hữu…;
Nội dung cần sửa đổi: Cụ thể là những thông tin nào cần sửa đổi (tên, địa chỉ, sản phẩm/dịch vụ bảo hộ,…);
Lý do sửa đổi: Giải thích rõ ràng lý do tại sao cần sửa đổi thông tin;
Tài liệu liên quan: Bản sao công chứng văn bằng gốc hoặc văn bằng gốc, giấy ủy quyền (nếu có)…;
Các tài liệu khác: Luật Việt An có thể yêu cầu bổ sung các tài liệu khác tùy theo tính chất của vụ việc.
Muốn bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt nhất, doanh nghiệp cần có một người khách hàng đồng hành tin cậy. Luật Việt An với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm sẽ hỗ trợ quý khách hàng trong việc thực hiện thủ tục sửa đổi văn bằng bảo hộ, giúp quý khách hàng tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm thiểu rủi ro. Công ty luật Việt An sẽ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ toàn diện, bao gồm:
Tư vấn pháp luật về thủ tục sửa đổi văn bằng bảo hộ;Soạn thảo hồ sơ sửa đổi văn bằng bảo hộ;
Nộp hồ sơ và theo dõi tiến trình tại Cục Sở hữu trí tuệ;
Trao đổi, cung cấp thông tin cho khách hàng trong tiến trình làm thủ tục sửa đổi văn bằng bảo hộ.
Mọi khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục sửa đổi văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ, xin vui lòng liên hệ với Công ty Luật Việt An để được tư vấn!