Bên cạnh thủ tục tố tụng tại Tòa án là hoạt động tố tụng quen thuộc đối với hầu hết các cá nhân, cơ quan, tổ chức tại Việt Nam; tuy nhiên, ngoài tố tụng tại Tòa án, các bên chủ thể có mong muốn đưa tranh chấp ra giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền vẫn có thể lựa chọn phương thức tố tụng trọng tài. Thủ tục tố tụng trọng tài thương mại là thủ tục giải quyết tranh chấp do các bên trong tranh chấp thỏa thuận và được tiến hành theo Luật Trọng tài thương mại 2010. Thủ tục trong tố tụng trọng tài không phải là một chế định mới nhưng vẫn có những trường hợp các bên không hiểu rõ quy định của pháp luật dẫn đến việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tốn nhiều thời gian và không hiệu quả cao.
Cơ sở pháp lý
Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài
Luật Trọng tài thương mại năm 2010
Bước 1: Thành lập hội đồng trọng tài
Căn cứ vào thỏa thuận trọng tài, bên nguyên đơn gửi đơn kiện tới trọng tài có thẩm quyền, trong đó nêu tóm tắt nội dung vụ việc, tên, địa chỉ của các bên tranh chấp, đồng thời nêu rõ cách thức thành lập hội đồng trọng tài.
Thành phần của Hội đồng trọng tài có thể bao gồm một hoặc nhiều trọng tài viên theo sự thỏa thuận của các bên (khoản 1 Điều 39 Luật Trọng tài thương mại 2010).
Thông thường, Hội đồng trọng tài thường có 03 trọng tài viên hoặc một trọng tài viên duy nhất.
Cách thức thành lập
Có ba cách thỏa thuận thành lập hội đồng trọng tài:
Hai bên tranh chấp nhất trí chọn một trọng tài viên duy nhất;
Hai bên chọn hai trọng tài viên trực tiếp xét xử và một trọng tài viên quyết định cho việc phân xử và một trọng tài viên quyết định cho việc phân xử cuối dùng khi hai trọng tài viên không thống nhất được với nhau;
Thành lập hội đồng trọng tài gồm ba trọng tài viên, trong đó mỗi bên tranh chấp chọn một trọng tài viên, hai trọng tài viên được chọn sẽ chọn trọng tài viên thứ ba làm chủ tịch Hội đồng trọng tài.
Quyền thay đổi trọng tài của các bên
Sau khi đã lựa chọn được các trọng tài viên để thành lập hội đồng trọng tài, trong quá trình tố tụng, nếu các bên có sự nghi ngờ về tính vô tư và độc lập của trọng tài viên thì có quyền bãi miễn trọng tài viên. Các quy tắc tố tụng của các tổ chức trọng tài cũng quy định về vấn đề này.
Khi lựa chọn, các bên có điều kiện cân nhắc các yếu tố như trình độ chuyên môn, khả năng xét xử và đạo đức của trọng tài viên nhằm lựa chọn được trọng tài viên mà minh tin cậy nhất để trao quyền quyết định cuối cùng về vấn đề đang tranh chấp.
Bước 2: Hội đồng trọng tài nghiên cứu hồ sơ vụ việc
Sau khi các bên lựa chọn được các trọng tài viên để thành lập hội đồng trọng tài, các trọng tài viên sẽ tiến hành nghiên cứu hồ sơ, thu thập và xác minh chứng cứ trên cơ sở các chứng từ, tài liệu các bên tự nguyện cung cấp. Việc cung cấp chứng cứ là quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự để chứng minh các sự việc có liên quan đến nội dung đang tranh chấp.
Trong những trường hợp cần thiết, hội đồng trọng tài có thể tự mình thu thập chứng cứ, mời giám định theo yêu cầu của một bên hoặc các bên và phải thông báo cho các bên biết. Hội đồng trọng tài cũng có thể, theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, triệu tập người làm chứng. Hội đồng trọng tài cũng có thể nhờ tòa án giúp đỡ trong việc thu nhập chứng cứ cũng như triệu tập người làm chứng.
Theo quy định Điều 48 Luật Trọng tài thương mại 2010, Hội đồng trọng tài có quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Bước 3: Hòa giải trong tố tụng trọng tài
Trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp, các trọng tài viên được lựa chọn phải đề xuất, vận động các bên giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa giải. Tuy vậy, hội đồng trọng tài chỉ có thể thực hiện vai trò là hòa giải viên khi các bên đồng ý. Do vậy, đây không phải là bước bắt buộc trong tố tụng trọng tài thương mại.
Nếu các bên đồng ý hòa giải và hòa giải thành công trước khi công bố phán quyết hoặc ngay tại phiên họp xét xử đầu tiên thì hội đồng trọng tài sẽ kết thúc vụ việc. Theo yêu cầu của các bên, hội đồng trọng tài sẽ ghi nhận thỏa thuận hòa giải thành phán quyết trọng tài.
Trường hợp hòa giải thành giúp các bên tranh chấp sẽ tiết kiệm được thời gian đi kiện và chi phí trọng tài. Nếu các bên không chấp nhận hòa giải hoặc hòa giải không thành thì hội đồng trọng tài sẽ tiến hành tổ chức xét xử.
Ngoài phương thức hòa giải trong tố tụng trọng tài, các bên cũng có thể hòa giải ngoài tố tụng trọng tài bằng cách tạm hoãn phiên họp giải quyết tranh chấp hoặc thỏa thuận chấm dứt tố tụng trọng tài và tiến hành hòa giải bởi một tổ chức/ cá nhân có chức năng hòa giải độc lập với trọng tài viên.
Bước 4: Phiên họp giải quyết tranh chấp
Thông thường phiên họp giải quyết tranh chấp được tiến hành theo nguyên tắc xét xử kín, không công khai.
Thành phần: Tham gia phiên họp giải quyết tranh chấp, ngoài các trọng tài viên là thành viên của hội đồng trọng tài, chỉ có mặt đại diện của các bên tranh chấp, các luật sư của các bên, thư kí phiên họp. Bên thứ ba chỉ được phép có mặt khi các bên đồng ý.
Trong phiên họp xét xử, hội đồng trọng tài sẽ dành cơ hội cho các bên trình bày quan điểm của mình về nội dung vụ tranh chấp, đồng thời khuyến khích các bên bổ sung chứng cứ. Theo nguyên tắc chung, nếu một hoặc thậm chí cả hai bên đều vắng mặt mà có lý do chính đáng thì hội đồng trọng tài vẫn tiến hành xét xử trên cơ sở các tài liệu và chứng cứ đã có.
Sau khi các bên trình bày quan điểm của mình, trên cơ sở luật thực chất áp dụng cho vụ việc hội đồng trọng tài sẽ phân tích những điểm đúng, sai của mỗi bên và đưa ra quyết định cuối cùng về vụ tranh chấp gọi là phán quyết trọng tài.
Ra phán quyết trọng tài
Nguyên tắc: Phán quyết trọng tài do Hội đồng trọng tài lập trên nguyên tắc đa số.
Thời điểm ban hành: Theo Khoản 3 Điều 61 Luật Trọng tài thương mại 2010, phán quyết trọng tài được ban hành ngay tại phiên họp hoặc chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết thúc phiên họp cuối cùng.
Đặc trưng: Phán quyết có tính chung thẩm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày được công bố.
Tại Việt Nam, phán quyết của trọng tài vụ việc phải được đăng kí tại tòa án.
Chi phí trọng tài: Khi nguyên đơn đưa đơn kiện tới tổ chức trọng tài phải nộp trước một khoản phí trọng tài. Chi phí trọng tài được tính trên cơ sở quy định của biểu phí trọng tài và các phí tổn hành chính do các tổ chức trọng tài công bố. Trên thực tế, khi thỏa thuận chi phí trọng tài các bên thường quy định bên thua kiện phải chịu.
Công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài
Pháp luật trọng tài của các nước đều quy định tòa án có thẩm quyền sẽ công nhận và cưỡng chế cho thi hành phán quyết của trọng tài nếu bên thua kiện không tự nguyện thi hành. Tòa án nơi thi hành phán quyết cũng có quyền tuyên bố hủy bỏ quyết định của trọng tài theo đề nghị của một bên nếu phát hiện thấy phán quyết của trọng tài hoặc quá trình tố tụng có sự vi phạm pháp luật.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chấp hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài, các nước đã thỏa thuận đi tới kí kết các điều ước quốc tế cam kết công nhận và thi hành tại lãnh thổ nước mình các phán quyết của trọng tài thương mại được tuyên ở nước thành viên của điều ước. Một trong những điều ước quốc tế đó là Công ước New York về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, được thông qua ngày 10/6/1958 và đến nay đã có 156 nước tham gia.
Phán quyết trọng tài theo Công ước này không chỉ gồm các phán quyết của các trọng tài viên được chỉ định cho từng vụ việc mà còn bao gồm những phán quyết của các tổ chức trọng tài thường trực mà các bên giao vụ tranh chấp ra đó giải quyết. Phán quyết trọng tài chỉ có hiệu lực khi giữa các bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài bằng văn bản và các thủ tục kí kết hợp đồng phải có năng lực pháp lý để kí kết thỏa thuận đó, ngoại trừ các trường hợp có thể bị từ chối cho thi hành bắt buộc.
Quý khách hàng có khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được tư vấn giải quyết nhanh gọn, chính xác, hiệu quả nhất!