Trọng tài thương mại là cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án thuận lợi cho các bên, đặc biệt là các bên tham gia các hoạt động thương mại, đầu tư. Trong đó, hội đồng trọng tài đóng vai trò quyết định trong cả quá trình tố tụng trọng tài, bởi lẽ đây là các “thẩm phán tư nhân”, những người sẽ đứng ra giải quyết tranh chấp phát sinh giữa các bên đương sự. Vậy hội đồng trọng tài do ai chỉ định?
Căn cứ pháp lý
Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
Hội đồng trọng tài là gì?
Hội đồng trọng tài là bộ phận chuyên trách giải quyết tranh chấp thương mại trong trung tâm trọng tài thương mại gồm một hoặc một số trọng tài viên, được thành lập theo sự chỉ định của các bên tranh chấp phù hợp với quy định của pháp luật về trọng tài và quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài để giải quyết vụ việc tranh chấp.
Căn cứ Khoản 5 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì trọng tài viên được hiểu là người được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc Tòa án chỉ định để giải quyết tranh chấp theo quy định pháp luật.
Đặc điểm của hội đồng trọng tài
Thứ nhất, hội đồng trọng tài là một cơ quan giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Đây là một hình thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba – một trọng tài viên duy nhất hoặc hội đồng trọng tài.
Thứ hai, hội đồng trọng tài là một loại hình hoạt động mang tính chất phi nhà nước, có thể hoạt động dưới một tổ chức trọng tài chung thống nhất bằng quy chế hoạt động riêng hoặc có thể hoạt động mang tính chất vụ việc. Tuy nhiên, dù dưới hình thức nào thì hội đồng trọng tài cũng hoạt động trên cơ sở sự thỏa thuận của các bên trong tranh chấp mà không phải là hoạt động theo tư cách sử dụng quyền lực nhà nước.
Thứ ba, hội đồng trọng tài hoạt động theo quy chế giải quyết tranh chấp thông qua một thủ tục tố tụng chặt chẽ. Thủ tục này được quy định trong luật trọng tài thương mại năm 2010 cũng như thể hiện cụ thể trong quy chế hoạt động của từng trung tâm trọng tài.
Thứ tư, kết quả của việc giải quyết tranh chấp do hội đồng trọng tài thực hiện là phán quyết do trọng tài tuyên đối với các đương sự của vụ tranh chấp.
Thứ năm, hội đồng trọng tài được thành lập và hoạt động dưới hai dạng là trọng tài vụ việc và trọng tài quy chế. Cả hai loại hội đồng này đều có thẩm quyền như nhau trong giải quyết tranh chấp thương mại. Hội đồng trọng tài do các bên thỏa thuận lựa chọn có thể bao gồm một hoặc nhiều trọng tài viên.
Trọng tài thương mại là cơ quan giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại do các bên tranh chấp thỏa thuận lựa chọn và được quy định trong Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Bởi vậy, hội đồng trọng tài cũng được hình thành từ thỏa thuận của các bên trong tranh chấp, nếu các bên không có thỏa thuận về hội đồng trọng tài thì hội đồng trọng tài sẽ được chỉ định theo quy định của trung tâm trọng tài giải quyết tranh chấp.
Về quyền lựa chọn hội đồng trọng tài
Theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 cũng như Luật Mẫu UNCITRAL thì một đặc trưng trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại chính là việc các bên tham gia tranh chấp được thỏa thuận lựa chọn hội đồng trọng tài.
Hội đồng trọng tài được thành lập do sự thỏa thuận của các bên trao cho quyền trong quá trình thực hiện thẩm quyền tài phán, số lượng trọng tài viên có thể linh hoạt do các bên thỏa thuận với nhau. Theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thành phần hội đồng trọng tài có thể bao gồm một hoặc nhiều trọng tài viên theo sự thỏa thuận của các bên.
Hình thành hội đồng trọng tài quy chế
Trọng tài thương mại bao gồm hai hình thức là trọng tài vụ việc (Ad-hoc) và trọng tài thường trực (trọng tài quy chế) với những phương thức thành lập ra hội đồng trọng tài khác nhau.
Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đã đưa ra định nghĩa pháp lý về trọng tài quy chế là hình thức trọng tài được tiến hành tại trung tâm trọng tài và theo quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài, được tổ chức chặt chẽ, có bộ máy, trụ sở làm việc thường xuyên, có danh sách trọng tài viên hoạt động theo điều lệ và quy chế tố tụng riêng.
Luật Trọng tài thương mại năm 2010 cho phép các trung tâm trọng tài được ban hành quy tắc tố tụng trọng tài phù hợp với đặc thù của mỗi trung tâm để tăng thêm tính hấp dẫn đối với các bên tranh chấp. Chỉ khi các bên không có thỏa thuận hoặc quy tắc tố tụng trọng tài của trung tâm trọng tài không có quy định khác.
Về bản chất, hội đồng trọng tài quy chế được thành lập ra do sự lựa chọn của các bên tranh chấp trong danh sách trọng tài viên là thành viên của trung tâm trọng tài. Theo đó, các bên tranh chấp sẽ lựa chọn trong số trọng tài viên những người sẽ là thành viên của hội đồng trọng tài giải quyết vụ việc tranh chấp này. Hội đồng trọng tài quy chế sẽ sử dụng quy tắc tố tụng thống nhất của trung tâm trọng tài để giải quyết vụ việc và hội đồng trọng tài này cũng chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp mà họ được các bên đương sự lựa chọn mà thôi.
Hội đồng trọng tài quy chế được thành lập tại trung tâm trọng tài do các bên tranh chấp lựa chọn hoặc theo quy định của luật. Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định nếu các bên không có thỏa thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài mà các bên lựa chọn không quy định khác thì việc thành lập hội đồng trọng tài được thực hiện theo quy định của pháp luật, cụ thể:
Trường hợp có ba trọng tài viên
Khi nộp đơn khởi kiện, nguyên đơn phải chỉ định trọng tài viên của mình hoặc đề nghị trung tâm trọng tài chỉ định trọng tài viên cho mình, nêu rõ tên và địa chi của người này.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và yêu cầu chọn trọng tài viên do trung tâm trọng tài gửi đến, bị đơn phải chọn trọng tài viên cho mình và báo cho trung tâm trọng tài biết hoặc đề nghị chủ tịch trung tâm trọng tài chỉ định trọng tài viên. Nếu bị đơn không chọn trọng tài viên hoặc không đề nghị chủ tịch trung tâm trọng tài chỉ định trọng tài viên thì trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày hết thời hạn 30 ngày, chủ tịch trung tâm trọng tài chỉ định trọng tài viên cho bị đơn.
Trường hợp vụ tranh chấp có nhiều bị đơn
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện do trung tâm trọng tài gửi đến, các bị đơn phải thống nhất chọn trọng tài viên hoặc thống nhất yêu cầu chỉ định trọng tài viên cho mình. Nếu các bị đơn không chọn được trọng tài viên thì trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày hết thời hạn 30 ngày, chủ tịch trung tâm trọng tài chỉ định trọng tài viên cho các bị đơn.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày các trọng tài viên được các bên chọn hoặc được chủ tịch trung tâm trọng tài chỉ định, các trọng tài viên này bày một trọng tài viên khác làm chủ tịch hội đồng trọng tài. Hết thời hạn 15 ngày mà việc bầu không thực hiện được thì trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày hết thời hạn này, chủ tịch trung tâm trọng tài chỉ định chủ tịch hội đồng trọng tài.
Trường hợp có một trọng tài viên
Nếu các bên thỏa thuận vụ tranh chấp do một trọng tài viên duy nhất giải quyết nhưng không được trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện thì theo yêu cầu của một hoặc các bên và trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, chủ tịch trung tâm trọng tài sẽ chỉ định trọng tài viên duy nhất.
Hình thành hội đồng trọng tài vụ việc
Trọng tài vụ việc là hình thức trọng tài được các bên thành lập ra chỉ để giải quyết một vụ tranh chấp cụ thể, sau khi vụ tranh chấp đã được giải quyết xong thì trọng tài vụ việc tự giải thể. Hình thức trọng tài này có đặc điểm là không có trụ sở cố định như trọng tài thường trực, không lệ thuộc vào bất kỳ quy tắc xét xử nào. Trong các vụ tranh chấp sử dụng trọng tài vụ việc thì các bên thường thống nhất có một trọng tài viên. Như vậy có thể hiểu sự hình thành của hội đồng trọng tài do các bên giải quyết tranh chấp tự thỏa thuận với nhau, nếu không có sự thỏa thuận thì việc thành lập hội đồng trọng tài sẽ tuân theo trình tự, thủ tục do Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định.
Theo Luật trọng tài thương mại thì trọng tài vụ việc là phương thức trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập để giải quyết vụ việc và sẽ chấm dứt tồn tại khi giải quyết xong vụ việc đó. Như vậy, hội đồng trọng tài vụ việc thì khi giải quyết tranh chấp hội đồng trọng tài sẽ do các bên chỉ định. Khi xảy ra tranh chấp về kinh doanh thương mại, các bên sẽ thỏa thuận thành lập ra hội đồng trọng tài vụ việc để giải quyết, nếu bên bị đơn mà hết thời hạn không lựa chọn trọng tài viên thì nguyên đơn có quyền yêu cầu tòa án để lựa chọn trọng tài viên.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp thông qua phương thức trọng tài thương mại xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ nhanh nhất, hiệu quả nhất!