Có thể nói trong năm 2024 với các quy định mới của Thông tư số 08/2023/TT-NHNN đã “nới lỏng” các điều kiện về vay vốn nước ngoài, giúp cho doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận với nguồn vốn nước ngoài để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Theo đó, các quy định mới về điều kiện vay vốn nước ngoài đã giúp doanh nghiệp cởi mở hơn như: Không yêu cầu so sánh chi phí vay khi cơ cấu nợ nước ngoài; Không yêu cầu các khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm phải tuân thủ điều kiện vay. Bổ sung quy định rõ về phương án sử dụng vốn vay, phương án cơ cấu khoản vay; tỷ giá tính toán giới hạn vay,… Đây cũng là lý do lý giải hiện nay rất nhiều các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu vay hỗ trợ vốn từ các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài,…hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Doanh nghiệp Fdi) vay vốn từ công ty mẹ hoặc các tổ chức liên quan ngày càng nhiều. Nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng thực hiện thủ tục đăng ký khoản vay nước ngoài, Công ty luật Việt An tổng hợp các thông tin pháp lý và cung cấp dịch vụ đăng ký khỏan vay nước ngoài cho doanh nghiệp có nhu cầu tại các tỉnh thành trong cả nước.
Cơ sở pháp lý
Căn cứ Thông tư số 12/2022/TT-NHNN ngày 30 tháng 9 năm 2022 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.
Thông tư 08/2023/TT-NHNN quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành;
Đăng ký khoản vay nước ngoài là gì?
Đăng ký khoản vay nước ngoài là thủ tục hành chính tại Ngân hàng Nhà nước của doanh nghiệp đối với các khoản vay trung, dài hạn nước ngoài hoặc khoản vay ngắn hạn được gia hạn mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 (một) năm.
Các khoản vay nước ngoài bắt buộc phải đăng ký
Các khoản vay nước ngoài sau thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước:
Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài.
Khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 năm.
Khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểmtròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc nói trên trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ thời điểm tròn 01 năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên.
Hợp đồng vay vốn nước ngoài
Hợp đồng vay vốn, thỏa thuận vay nước ngoài để thực hiện đăng ký khoản vay (sau đây gọi là thỏa thuận vay nước ngoài) là các thỏa thuận có hiệu lực rút vốn được ký kết giữa Bên đi vay và Bên cho vay làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ của Bên đi vay.
Bên đi vay không phải thực hiện thủ tục đăng ký như hiệp định tín dụng khung, biên bản ghi nhớ và các thỏa thuận tương tự khác (sau đây gọi là thỏa thuận khung nhưng chưa phát sinh thỏa thuận rút vốn.
Bên đi vay phải đăng ký Hợp đồng vay trung, dài hạn khi có thỏa thuận rút vốn bằng văn bản trên cơ sở thỏa thuận khung.
Mục đích vay nước ngoài được quy định như thế nào?
Đối với mục đích vay ngắn hạn nước ngoài
Để cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài và thanh toán các khoản nợ ngắn hạn phải trả bằng tiền (không bao gồm các khoản nợ gốc của khoản vay trong nước) của bên đi vay.
Đối với mục đích vay trung, dài hạn nước ngoài
Thực hiện dự án đầu tư của bên đi vay;
Thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự án khác của bên đi vay;
Cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài của bên đi vay.
Yêu cầu về việc sử dụng vốn vay nước ngoài
Việc sử dụng vốn vay nước ngoài của bên đi vay phải phù hợp với:
Phạm vi ngành nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, phạm vi Giấy phép thành lập, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật;
Phạm vi hoạt động hợp pháp khác quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về điều lệ tổ chức và hoạt động của bên đi vay.
Thủ tục đăng ký khoản vay nước ngoài
Thủ tục đăng ký khoản vay nước ngoài thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Ký hợp đồng vay vốn nước ngoài
Sau khi lựa chọn được Bên cho vay cũng như thỏa thuận được các nội dung của hợp đồng vay vốn với phía nước ngoài. Bên đi vay ký hợp đồng vay vốn nước ngoài.
Bước 2: Mở tài khoản vay vốn nước ngoài
Tài khoản vay, trả nợ nước ngoài là tài khoản thanh toán của bên đi vay mở tại ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản để thực hiện rút vốn, trả nợ khoản vay nước ngoài; thực hiện giao dịch phái sinh để phòng ngừa rủi ro đối với các khoản vay nước ngoài và các giao dịch chuyển tiền khác liên quan đến hoạt động vay, trả nợ nước ngoài, bảo đảm cho khoản vay nước ngoài.
Đối với bên đi vay là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài:
Đối với khoản vay trung, dài hạn nước ngoài
Bên đi vay sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp để thực hiện các giao dịch thu, chi liên quan đến khoản vay nước ngoài quy định tại Điều 28 và Điều 29 Thông tư 12/2022/TT-NHNN. Trường hợp đồng tiền vay không phải là đồng tiền của tài khoản vốn đầu tư trực tiếp, bên đi vay được mở tài khoản vay, trả nợ nước ngoài khác để thực hiện khoản vay nước ngoài tại ngân hàng nơi bên đi vay mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp.
Bên đi vay có thể dùng 01 tài khoản cho 01 hoặc nhiều khoản vay nước ngoài. Nội dung thu, chi của tài khoản này được quy định tại Điều 28 và Điều 29 Thông tư 12/2022/TT-NHNN.
Đối với khoản vay ngắn hạn nước ngoài
Bên đi vay có thể sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp theo quy định tại điểm a khoản này hoặc tài khoản vay, trả nợ nước ngoài khác (không phải là tài khoản vốn đầu tư trực tiếp) để thực hiện các giao dịch thu, chi liên quan đến khoản vay nước ngoài. Mỗi khoản vay theo quy định tại khoản này chỉ được thực hiện thông qua 01 ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản. Bên đi vay có thể dùng 01 tài khoản cho 01 hoặc nhiều khoản vay ngắn hạn nước ngoài. Nội dung thu, chi của tài khoản này được quy định tại Điều 28 và Điều 29 Thông tư 12/2022/TT-NHNN.
Đối với các khoản vay ngắn hạn còn dư nợ gốc tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn
Đối với các khoản vay ngắn hạn còn dư nợ gốc tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn và bên đi vay sẽ thực hiện trả nợ trong thời gian 30 ngày làm việc tính từ ngày tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn, bên đi vay thực hiện trả nợ qua tài khoản vay, trả nợ nước ngoài đang sử dụng cho khoản vay này;
Trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là tổ chức cùng chịu trách nhiệm liên đới đối với nghĩa vụ trả nợ khoản vay nước ngoài
Trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là tổ chức cùng chịu trách nhiệm liên đới đối với nghĩa vụ trả nợ khoản vay nước ngoài của bên đi vay ban đầu sau khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhất, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không bắt buộc sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp để thực hiện hoàn trả khoản nợ mà tổ chức này chịu trách nhiệm liên đới.
Đối với bên đi vay không phải là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Bên đi vay không phải là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phải mở tài khoản vay, trả nợ nước ngoài tại ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản để thực hiện các giao dịch chuyển tiền liên quan đến khoản vay nước ngoài (rút vốn, trả nợ gốc, nợ lãi). Mỗi khoản vay nước ngoài chỉ được thực hiện qua 01 ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản. Bên đi vay có thể dùng 01 tài khoản cho 01 hoặc nhiều khoản vay nước ngoài. Nội dung thu, chi của tài khoản này được quy định tại Điều 28 và Điều 29 Thông tư 12/2022/TT-NHNN.
Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài
Trường hợp Bên đi vay lựa chọn hình thức trực tuyến: Bên đi vay thực hiện khai báo Đơn đăng ký thay đổi khoản vay trên Trang điện tử, in đơn từ trang điện tử, ký và đóng dấu;
Trường hợp Bên đi vay lựa chọn hình thức truyền thống: Bên đi vay hoàn thành mẫu đơn theo quy định.
Sau khi chuẩn bị xong đơn đăng ký khoản vay, bên đi vay chuẩn bị toàn bộ hồ sơ đăng ký khoản vay theo quy định để nộp Ngân hàng Nhà nước.
Doanh nghiệp truy cập website https://qlnh-sbv.cic.org.vn/qlnh/ và thực hiện đăng ký tài khoản, kê khai các thông tin cần thiết và gửi yêu cầu đăng ký.
Doanh nghiệp in tờ khai đăng ký cấp tài khoản, ký tên & đóng dấu vào tờ khai sau đó gửi đến Ngân hàng nhà nước cùng GCN đăng ký đầu tư & GCN ĐKDN của đơn vị.
Sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Ngân hàng nhà nước cấp tài khoản & thông báo cho doanh nghiệp về địa chỉ email mà đơn vị đăng ký.
Bước 5: Đăng nhập tài khoản
Doanh nghiệp truy cập website https://qlnh-sbv.cic.org.vn/qlnh/ và thực hiện đăng nhập vào tài khoản theo thông tin tài khoản do Ngân hàng nhà nước cấp.
Bước 6: Thực hiện kê khai đơn đăng ký khoản vay
Tài khoản của doanh nghiệp, đơn vị thực hiện kê khai thông tin đơn đăng ký khoản vay.
Sau khi hoàn tất đơn đăng ký khoản vay tại tài khoản, doanh nghiệp thực hiện thao tác gửi đơn trực tuyến.
Lưu ý về thủ tục tại bước 5 và bước 6
Đối với thủ tục tại bước 5 và bước 6 chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp có các khoản vay ngắn hạn chuyển thành khoản vay trung và dài hạn.
Ngược lại, đối với doanh nghiệp đăng ký khoản vay trung và dài hạn lần đầu thì chỉ phải thực hiện bước 5 và bước 6 sau khi đã được Ngân hàng nhà nước cấp Giấy xác nhận đăng ký khoản vay và cập nhật thông tin đăng ký khoản vay (tức sau bước 8 và bước 9).
Bước 7: Nộp hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài
Bên đi vay gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài tới Cơ quan có thẩm quyền xác nhận đăng ký theo quy định tại Điều 20 Thông tư 12/2022/TT-NHNN trong thời hạn:
30 ngày làm việc kể từ ngày ký thỏa thuận vay nước ngoài trung, dài hạn;
30 ngày làm việc kể từ ngày ký thỏa thuận gia hạn khoản vay nước ngoài ngắn hạn thành trung, dài hạn đối với khoản vay quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư này mà ngày ký thỏa thuận gia hạn trong vòng 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên;
30 ngày làm việc kể từ ngày bên đi vay được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành, ngày ký hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng PPP), ngày các bên ký thỏa thuận vay nước ngoài để chuyển số tiền chuẩn bị đầu tư thành vốn vay (tùy thuộc ngày nào đến sau), áp dụng đối với khoản vay nước ngoài phát sinh từ việc chuyển số tiền thực hiện chuẩn bị đầu tư của các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thành vốn vay nước ngoài.
60 ngày làm việc tính từ ngày tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên đối với:
Khoản vay nước ngoài ngắn hạn thành trung, dài hạn mà ngày ký thỏa thuận gia hạn sau 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên;
Khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên.
Bước 8: Xác nhận của Ngân hàng Nhà nước về đăng ký khoản vay nước ngoài hoặc từ chối
Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác nhận hoặc từ chối xác nhận đăng ký khoản vay (có nêu rõ lý do) trong thời hạn:
12 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của bên đi vay trong trường hợp bên đi vay đã khai báo thông tin khoản vay trên Trang điện tử;
15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của bên đi vay trong trường hợp bên đi vay không khai báo thông tin khoản vay trên Trang điện tử;
45 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của bên đi vay đối với trường hợp khoản vay bằng đồng Việt Nam phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Thông tư này.
Lưu ý: Đối với các khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước cho phép theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 7 Thông tư 12/2014/TT-NHNN, thủ tục đăng ký khoản vay đồng thời là thủ tục đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận khoản vay. Văn bản xác nhận đăng ký khoản vay nước ngoài đồng thời là văn bản chấp thuận khoản vay của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Bước 9: Ngân hàng Nhà nước cập nhật thông tin khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp
Ngân hàng Nhà nước/Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước kiểm tra hồ sơ, cập nhật tình hình xử lý hồ sơ trên Trang điện tử hoặc tạo mã khoản vay và lưu trữ thông tin vào cơ sở dữ liệu vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.
Bước 10: Thực hiện báo cáo thống kê khoản vay nước ngoài tới Ngân hàng Nhà nước
Báo cáo định kỳ khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp
Định kỳ hàng tháng, chậm nhất vào ngày 05 của tháng tiếp theo kỳ báo cáo, bên đi vay phải báo cáo trực tuyến tình hình thực hiện các khoản vay ngắn, trung và dài hạn tại Trang điện tử. Trường hợp Trang điện tử gặp lỗi kỹ thuật không thể gửi được báo cáo, bên đi vay gửi báo cáo bằng văn bản theo mẫu tại Phụ lục 05 ban hành kèm theo Thông tư 12/2022/TT-NHNN.
Báo cáo đột xuất khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp
Các trường hợp đột xuất hoặc khi cần thiết, bên đi vay, ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản thực hiện báo cáo theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Một số lưu ý đối với khoản vay nước ngoài để doanh nghiệp không bị xử phạt vi phạm hành chính
Đối với khoản vay nước ngoài ngắn hạn
Bên đi vay cần thực hiện nghĩa vụ báo cáo định kỳ hàng tháng đến ngân hàng nhà nước theo hình thức trực tuyến tại website: www.qlnh-sbv.cic.org.vn. Hành vi không nộp báo báo hoặc nộp không đúng thời hạn bị xử phạt tiền từ 10.000.000 – 20.000.000 VNĐ.
Đối với khoản vay nước ngoài dài hạn
Bên đi vay cần thực hiện nghĩa vụ báo cáo định kỳ hàng tháng đến ngân hàng nhà nước theo hình thức trực tuyến tại website: qlnh-sbv.cic.org.vn. Hành vi không nộp báo báo hoặc nộp báo cáo không đúng thời hạn bị xử phạt tiền từ 10.000.000 – 20.000.000 VNĐ.
Trường hợp khoản vay ngắn hạn được chuyển đổi thành khoản vay trung và dài hạn, bên đi vay cần thực hiện thủ tục đăng ký khoản vay đúng thời hạn do pháp luật quy định. Hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về thủ tục hành chính đối với việc đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoàibị xử phạt tiền từ 40.000.000 – 60.000.000 VNĐ.
Khoản vay cần được sử dụng đúng mục đích do pháp luật quy định, cụ thể khoản vay nước ngoài chỉ được sử dụng cho các mục đích được quy định tại điều 5 Thông tư 12/2014/TT-NHNN. Hành vi sử dụng khoản vay không đúng mục đích bị xử phạt tiền từ 300.000.000 – 400.000.000 VNĐ.
Thẩm quyền xác nhận đăng ký khoản vay
Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối)
Thực hiện việc xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi đối với các khoản vay có kim ngạch vay trên 10 (mười) triệu USD (hoặc loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương) và các khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Bên đi vay đặt trụ sở chính
Thực hiện việc xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi đối với các khoản vay có kim ngạch vay đến 10 (mười) triệu USD (hoặc loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương).
Trường hợp việc thay đổi tăng hoặc giảm kim ngạch vay, thay đổi đồng tiền vay, thay đổi trụ sở chính của Bên đi vay, thay đổi Bên đi vay sang doanh nghiệp có trụ sở chính thuộc địa bàn khác làm thay đổi cơ quan có thẩm quyền xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay, cơ quan xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay ban đầu có trách nhiệm làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ đăng ký thay đổi khoản vay của Bên đi vay.
Một số câu hỏi liên quan
Doanh nghiệp phải mở tài khoản vay vốn khi nào?
Trước khi thực hiện thủ tục đăng ký khoản vay nước ngoài doanh nghiệp phải mở tài khoản vay vốn để đăng ký thông tin tài khoản vay vốn với Ngân hàng Nhà nước.
Các khoản vay nước ngoài nào phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước?
Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài.
Khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 năm.
Khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểmtròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc nói trên trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ thời điểm tròn 01 năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên.
Có thể vay vốn nước ngoài bằng Việt Nam đồng không?
Vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau:
Bên đi vay là tổ chức tài chính vi mô;
Bên đi vay là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vay từ nguồn lợi nhuận được chia bằng đồng Việt Nam từ hoạt động đầu tư trực tiếp của Bên cho vay là nhà đầu tư nước ngoài góp vốn tại Bên đi vay.
Các trường hợp khác khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất cần thiết của từng trường hợp.
Khoản vay nước ngoài là gì?
Khoản vay nước ngoài là cụm từ dùng chung để chỉ khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh (sau đây gọi là khoản vay tự vay tự trả). Khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh dưới mọi hình thức vay nước ngoài thông qua hợp đồng vay, hợp đồng nhập khẩu hàng hóa trả chậm, hợp đồng ủy thác cho vay, hợp đồng cho thuê tài chính hoặc phát hành công cụ nợ trên thị trường quốc tế của Bên đi vay.
Khoản vay nước ngoài trung, dài hạn được xác định như thế nào?
Khoản vay nước ngoài trung, dài hạn là các khoản vay nước ngoài có thời hạn từ 01 năm trở lên.
Dịch vụ đăng ký khoản vay nước ngoài của Công ty Luật Việt An
Tư vấn về điều kiện vay vốn nước ngoài cho doanh nghiệp.
Tư vấn chuyển đổi khoản vay nước ngoài thành vốn góp của doanh nghiệp;
Tư vấn chuyển đổi khoản vay nước ngoài cho doanh nghiệp;
Tư vấn, hỗ trợ trọn gói giúp doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký khoản vay nước ngoài với Ngân hàng nhà nước.
Đại diện doanh nghiệp nộp hồ sơ, theo dõi, hoàn thành thủ tục đăng ký khoản vay nước ngoài;
Tư vấn thủ tục báo cáo thống kê về khoản vay nước ngoài;
Tư vấn toàn diện các vấn đề phát sinh liên quan đến khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn, sử dụng dịch vụ đăng ký khoản vay nước ngoài, soạn thảo hợp đồng vay vốn nước ngoài, rà soát hợp đồng vay vốn nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất, nhánh nhất với chi phí hợp lý nhất!