Tư vấn liên quan đến người lao động làm việc cho công ty nước ngoài
Ngày: 15/10/2018
Sắp tới một công ty nước ngoài sẽ tuyển em. Công ty đó không có văn phòng tại Việt Nam. Tuy nhiên, em sẽ làm ở Việt Nam, tại vì công việc của em là công việc em có thể làm qua mạng internet.
Công ty đó sẽ chuyển tiền lương vào tài khoản ngân hàng tại Việt Nam của em.
1) Trong trường hợp như em giải thích nêu trên thì theo pháp luật Việt Nam em sẽ được coi là làm nhân viên hay không? Ý của em là thường thì nhân viên Việt Nam có một công ty Việt Nam tuyển mình. Em thì không có. Em sợ em sẽ phải mở một công ty hay là đăng ký kinh doanh, nhưng em không muốn thành lập công ty nếu không cần thiết.
2) Công ty tuyển em sẽ không đóng tiền bảo hiểm y tế, xã hội và các loại bảo hiểm khác cho em, tại vì công ty ở nước ngoài. Em không biết là về mặt pháp luật có vấn đề gì không?
3) Em sẽ phải đóng thuế hay không? Đóng bao nhiều và đóng theo tháng hay theo năm ạ? Công ty bên anh / chị có thể giúp em về thủ tục thuế được không? Chi phí dịch vụ đó là bao nhiêu ạ?
4) Như anh chị / thấy trường hợp của em hơi đặc biệt. Em không biết là có vấn đề gì thêm em phải chu ý hay không?
Về vấn đề khách hàng yêu cầu, luật Việt An xin đưa ra tư vấn sơ bộ cho khách hàng như sau:
Căn cứ pháp lý:
Luật bảo hiển xã hội 2014;
Luật bảo hiểm ý tế năm 2008;
Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi vổ sung năm 2012;
Việc lập công ty hay đăng ký kinh doanh là không cần thiết. Hiện nay, do công nghệ phát triển, nhiều người làm việc thực hiện công việc qua internet, nhận lương qua chuyển khoản mà không cần thiết đến nơi làm việc (nơi làm việc của họ có thể ở trong nước hoặc nước ngoài) mặc dù trên thực tế họ vẫn ký hợp đồng lao động với công ty, thuộc biên chế trả lương của công ty. Thực tế nơi làm việc là tại Việt Nam nhưng công việc thực hiện, kết quả của công việc là ở nước ngoài, công ty nước ngoài cũng không có hoạt động kinh doanh, không phát sinh doanh thu tại Việt Nam nên không cần phải thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện hay công ty tại Việt Nam là không cần thiết.
Không bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm ý tế (BHYT) trong trường hợp này có được không?
Theo quy định pháp luật tại điểm a,b khoản 1, điều 2 luật bảo hiểm xã hội thì Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
“a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng”
Do đó, trường hợp khách hàng không ký hợp đồng lao động với công ty nước ngoài sẽ không bắt buộc nộp BHXH.
Tuy nhiên, đã phần hiện nay khi thực hiện công việc lâu dài người lao động và người sử dụng lao động thường ký kết hợp đồng lao động. Theo quy định pháp luật thì người làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn, xác định thời hạn, làm việc theo hợp đồng từ 01 tháng đến dưới 12 tháng đều phải nộp BHXH.
Do đó, về cơ bản khách hàng sẽ phải nộp BHXH. Về nguyên tắc, cả người lao động và người sử dụng lao động đều có quyền và nghĩa vụ nộp BHXH. Trong trường hợp này, do công ty khách hàng ở nước ngoài, không có chi nhánh, công ty tại Việt Nam, do đó khách hàng có nghĩa vụ tự nộp BHXH theo diện người lao động nộp. Khác với người sử dụng lao động nộp BHXH (bao gồm ốm đau, thai sản, tai nạn nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất) thì người lao động chỉ phải nộp tiền hưu trí và tử tuất. Mức đóng theo khoản 1, điều 85 luật bảo hiểm xã hội là 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Tuy nhiên, trong trường hợp này do không có công ty doanh nghiệp tại Việt Nam hình thức trả lương cũng thông qua chuyển khoản, việc quản lý của nhà nước cũng còn chưa chặt chẽ, rõ ràng, tính chất bắt buộc phải nộp BHXH trong trường hợp của khách hàng cũng không thể hiện rõ. Các quy định pháp luật liên quan có tính chất áp dụng cho người lao động làm việc tại Việt Nam cho cá nhân, doanh nghiệp tại Việt Nam hơn là trường hợp của khách hàng.
Tương tự như BHXH thì BHYT, bảo hiểm thất nghiệp,… đối với trường hợp của khách hàng mất đi tính bắt buộc, việc kiểm soát của cơ quan nhà nước trong trường hợp này cũng khó khăn.
*Lưu ý: do công ty nước ngoài không trực tiếp chi trả bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội nên thông thường nên cạnh tiền lương người sử dụng lao động sẽ trả cho người lao động thêm một khoản tiền tương đương tiền đóng bảo hiểm.
Có bắt buộc nộp thuế TNCN hay không?
Khách hàng có nghĩa vụ nộp thuế TNCN phát sinh vì đáp ứng các điều kiện chịu thuế sau:
Cá nhân cứ trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam;
Thu nhập từ tiền lương, tiền công;
Do đó, cá nhân cư trú tại Việt Nam không phân biệt là thu nhập phát sinh trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam, có tính chất là tiền lương, tiền công phải chịu thuế TNCN theo quy định.
Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công do các tổ chức, cá nhân trả từ nước ngoài khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế theo quý theo biểu thuế suất thu nhập cá nhân. Lưu ý, thuế TNCN là loại thuế được tính theo tháng, nhưng kê khai theo tháng hoặc quý và quyết toán thuế TNCN theo năm.
Trường hợp này khách hàng phải tự thực hiện quyết toán thuế đối với cơ quan thuế, nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế là Cục thuế nơi khách hàng nộp tờ khai thuế trong năm. Hồ sơ khai quyết toán đã được quy định chi tiết tại điểm b.2.3 khoản 2 điều 16 Thông tư 156/2013/TT-BTC.
Cá nhân chỉ có thể ủy quyền cho tổ chức, doanh nghiệp trả lương thực hiện quyết toán thuế, văn phòng luật chỉ có thể hướng dẫn các loại thủ tục quyết toán thuế TNCN cho cá nhân mà không thể thực hiện quyết toán thay được.
Trên đây là những tư vấn sơ bộ của Luật Việt An, nếu có bất kỳ khó khăn nào liên quan khách hàng vui lòng liên hệ cho Công ty Luật Việt An để được tư vấn cụ thể hơn.