Khiếu nại là một trong những quyền cơ bản bản của công dân.Việc khiếu nại có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân, thể hiện quyền làm chủ của công dân trong hoạt động quản lý nhà nước, là hình thức để người dân tham gia hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Để việc khiếu nại đạt được hiệu quả thì việc soạn thảo đơn khiếu nại đúng quy định của pháp luật, lập luận sắc bén có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp người khiếu nại truyền tải được nội dung của mình đến chủ thể có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết. Bài viết dưới đây Luật Việt An sẽ cung cấp những thông tin chi tiết tư vấn viết đơn khiếu nại.
Căn cứ pháp lý
Luật Khiếu nại 2011; được sửa đổi bổ sung năm 2013;
Nghị định 124/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại.
Khiếu nại là gì?
Theo quy định của Luật Khiếu nại 2011, khiếu nại được hiểu là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật Khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Ví dụ: khiếu nại quyết định hành chính quản lý đất đai ban hành không đúng thẩm quyền, khiếu nại quyết định xử phạt hành chính trái pháp luật.
Khái quát thủ tục khiếu nại
Theo quy định của Luật Khiếu nại 2011, có hai loại khiếu nại là khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính và khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ công chức. Tuy nhiên, dựa trên mức độ phổ biến của loại khiếu nại dưới đây Luật Việt An sẽ khái quát thủ tục khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Nội dung chính của đơn khiếu nại
Theo khoản 2 Điều 8 Luật Khiếu nại 2011 quy định về đơn khiếu nại bao gồm những nội dung sau:
Ngày, tháng, năm khiếu nại;
Tên, địa chỉ của người khiếu nại;
Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại;
Nội dung khiếu nại, lý do khiếu nại;
Yêu cầu giải quyết của người khiếu nại;
Chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại;
Tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại.
Tư vấn viết đơn khiếu nại
Việc trình bày nội dung khiếu nại không quá phức tạp, tuy nhiên rất nhiều người chưa biết cách viết đơn khiếu nại để thuyết phục để cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết, dưới đây Luật Việt An sẽ hướng dẫn bạn viết đơn khiếu nại dựa trên mẫu số 01 được ban hành kèm theo Nghị định 124/2020/NĐ-CP.
Phần mở đầu đơn:
Quốc hiệu: Viết in hoa, căn giữa trang giấy:
“CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”
Tiêu ngữ: Viết ngay dưới quốc hiệu, căn giữa trang giấy
“Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”
Thời gian, và địa điểm làm đơn: Căn theo lề phải, có thể in nghiêng. Đây là nội dung bắt buộc phải có của đơn khiếu nại theo quy định. Ví dụ: “Hà Nội, ngày 15 tháng 06 năm 202x”
Phần nội dung đơn:
Tên đơn: Viết in hoa, căn giữ trang giấy
“ĐƠN KHIẾU NẠI”
Kính gửi: điền tên cơ quan tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Ví dụ: “Kính gửi: Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội”
Họ và tên và địa chỉ của người khiếu nại:
Nếu là người đại diện của cơ quan, tổ chức thực hiện việc khiếu nại thì ghi rõ chức danh, tên cơ quan, tổ chức mà mình được đại diện;
Nếu là người được ủy quyền khiếu nại thì ghi rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền.
Thông tin nhân thân của người khiếu nại: Số CMND/Hộ chiếu/Thẻ căn cước công dân, ngày cấp, nơi cấp, nếu không có CMND/Hộ chiếu/Thẻ căn cước công dân thì ghi các thông tin theo giấy tờ tùy thân.
Thông tin nhân thân của người bị khiếu nại: điền tên và địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại.
Khiếu nại về việc: Khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về việc gì (ghi rõ khiếu nại lần đầu hoặc lần hai). Ví dụ: khiếu nại về quyết định xử phạt hành chính về hành vi tham gia giao thông sử dụng rượu bia không đúng quy định của pháp luật.
Nội dung khiếu nại: đây là phần quan trọng nhất trong đơn khiếu nại là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết vụ việc vì vậy người khiếu nại cần ghi tóm tắt nội dung khiếu nại; ghi rõ cơ sở của việc khiếu nại;
Trình bày yêu cầu giải quyết khiếu nại của mình với cơ quan có thẩm quyền;
Cam kết về nội dung khiếu nại;
Lời cảm ơn.
Phần kết đơn:
Chữ ký/ điểm chỉ của người khiếu nại.
Những tài liệu cần cung cấp kèm theo đơn khiếu nại
Ngoài đơn khiếu nại, người khiếu nại cần cung cấp các tài liệu sau để chứng minh cho nội dung khiếu nại của mình:
Các quyết định hành chính, quyết định kỷ luật;
Văn bản trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại;
Ảnh, video, tin nhắn, file… có giá trị chứng minh cho nội dung khiếu nại;
Những chứng cứ phải ghi theo thứ tự thời gian, trung thực, rõ ràng, chính xác.
Nộp đơn khiếu nại ở đâu?
Theo Điều 7 Luật Khiếu nại 2011 quy định khi có căn cứ quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.
Tùy từng trường hợp mà đơn khiếu nại được gửi đến một trong những cơ quan sau:
Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
Chủ tịch UBND cấp huyện;
Chủ tịch UBND cấp tỉnh;
Thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương;
Giám đốc sở và cấp tương đương;
Thủ trưởng cơ quan thuộc bộ, thuộc cơ quan ngang bộ, thuộc cơ quan thuộc Chính phủ;
Bộ trưởng;
Tổng thanh tra Chính phủ;
Chánh thanh tra các cấp; Thủ tướng Chính phủ.
Một số lưu ý khi viết đơn khiếu nại
Dưới đây là một số lưu ý khi viết đơn khiếu nại mọi người cần lưu ý để có thể soạn thảo một khiếu nại hoàn chỉnh, được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận giải quyết:
Gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại;
Điền chính xác thông tin nhân thân của người khiếu nại;
Thông tin rõ ràng về người bị khiếu nại;
Trình bày rõ ràng, chính xác nội dung yêu cầu khiếu nại;
Cung cấp tài liệu, chứng cứ trung thực chính xác để chứng minh cho nội dung khiếu nại…
Chú ý về thời hiệu giải quyết khiếu nại để gửi đơn đúng thời hạn.
Một số câu hỏi liên quan về khiếu nại
Trình tự thủ tục khiếu nại gồm những bước nào?
Có những hình thức nộp khiếu nại nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 8 Luật Khiếu nại 2011 quy định hai hình thức khiếu nại:
Khiếu nại bằng đơn.
Khiếu nại trực tiếp.
Khi nào được rút đơn khiếu nại?
Theo quy định tại Điều 10 Luật Khiếu nại 2011 người khiếu nại có thể rút khiếu nại tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại.
Việc rút khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại; đơn xin rút khiếu nại phải gửi đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
Dịch vụ tư vấn viết đơn khiếu nại
Để có thể viết được một đơn khiếu nại đầy đủ, chi tiết, đúng quy định của pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của mình, Luật Việt An cung cấp tới bạn dịch vụ sau:
Tư vấn quy định pháp luật về khiếu nại;
Tư vấn về thủ tục khiếu nại quyết định hành chính; hành vi vi hành chính;
Tư vấn soạn thảo đơn khiếu nại;
Hướng dẫn gửi hồ sơ khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền;
Đại diện khách hàng gặp gỡ, trao đổi với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
Thực hiện các yêu cầu khác liên quan đến đơn khiếu nại.
Trên đây là nội dung tư vấn viết đơn khiếu nại của Luật Việt An. Quý khách hàng có nhu cầu soạn thảo đơn khiếu nại xin vui lòng liên hệ Công ty Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.