Văn bản đề nghị thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất
Quá trình thẩm định và phê duyệt phương án sử dụng đất là một trong những cơ sở quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất của tổ chức, cá nhân. Phương án sử dụng đất được lập trong trường hợp các tổ chức kinh tế đang được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích đất nông, lâm nghiệp hoặc các doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa. Sau đây, Luật Việt An sẽ cập nhật văn bản đề nghị thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định mới hiện nay.
Cập nhật quy định về thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất
Từ ngày 1/8/2024, Luật Đất đai năm 2024 chính thức có hiệu lực. Nhằm hướng dẫn quy định Luật Đất đai 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai 2024, trong đó có quy định về thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất.
Như vậy, hiện nay quy định về thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất chịu sự điều chỉnh chủ yếu của Nghị định 102/2024/NĐ-CP.
Trách nhiệm lập phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan; UBND cấp huyện và các tổ chức đang quản lý, sử dụng đất rà soát, xác định ranh giới, diện tích sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp.
Căn cứ kết quả rà soát này, công ty nông, lâm nghiệp có trách nhiệm lập phương án sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích đang quản lý, sử dụng để xác định cụ thể phần diện tích dự kiến giữ lại để tiếp tục sử dụng và phần diện tích dự kiến bàn giao về địa phương.
Lưu ý về phần diện tích đất công ty nông, lâm nghiệp giữ lại:
Phải nằm trong đề án, phương án về sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt,
Phù hợp chức năng, nhiệm vụ của công ty, hiện trạng sử dụng đất và quy hoạch sử dụng đất của địa phươngố,
Đối với diện tích đất công ty nông, lâm nghiệp giữ lại mà đang giao, giao khoán, khoán trắng, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, bị lấn, bị chiếm, đang có tranh chấp, thì công ty phải có phương án xử lý dứt điểm và thuyết minh rõ trong phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp.
Hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất
Theo Khoản 3 Điều 68 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất bao gồm:
Văn bản đề nghị thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất
Phương án sử dụng đất
Bản đồ địa chính có thể hiện ranh giới sử dụng đất hoặc hồ sơ ranh giới sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp; bản tổng hợp diện tích các loại đất của công ty nông, lâm nghiệp
Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Cập nhật mới về văn bản đề nghị thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất
Mẫu văn bản đề nghị thẩm định phê duyệt phương án sử dụng đất
Văn bản đề nghị thẩm định phê duyệt phương án sử dụng đất theo Mẫu số 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 102/2024/NĐ-CP:
Nội dung chính của văn bản đề nghị thẩm định, phê duyệt
Văn bản đề nghị thẩm định phê duyệt phương án sử dụng đất bao gồm những nội dung chính như sau:
Thông tin về tổ chức lập phương án sử dụng đất
Tên tổ chức lập phương án sử dụng đất
Người đại diện
Địa chỉ/trụ sở chính
Địa chỉ liên hệ (điện thoại, fax, email…)
Thành phần hồ sơ nộp (dạng giấy, dạng số)
Thông tin tình hình quản lý, sử dụng đất tại khu vực lập phương án
Hiện trạng quản lý, sử dụng đất
Nguồn gốc sử dụng đất
Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
Thông tin về quá trình chuẩn bị phương án sử dụng đất
Căn cứ xây dựng phương án sử dụng đất
Về trình tự lập phương án sử dụng đất
Đề xuất phương án sử dụng đất
Tổng diện tích và ranh giới sử dụng đất theo từng loại đất; bản đồ, sơ đồ kèm theo.
Vị trí, ranh giới, loại đất, hình thức sử dụng cho từng thửa, từng khu vực
Xác định vị trí, ranh giới, loại đất đối với đất bàn giao về địa phương quản lý
Bản đồ phương án sử dụng đất.
Các giải pháp tổ chức thực hiện phương án sử dụng đất.
Thời gian tổ chức thực hiện
Giải pháp xử lý đối với các trường hợp đặc biệt theo đặc thù của địa phương nơi lập phương án sử dụng đất (tài sản gắn liền với đất, chi phí hạ tầng, xử lý công nợ liên quan, phong tục, tập quán…).
Kiến nghị đề xuất
Lưu ý nội dung của phương án sử đụng đất
Nội dung phương án sử dụng đất, bao gồm:
Căn cứ lập phương án sử dụng đất;
Phân tích, đánh giá về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh;
Định hướng sử dụng đất, phương hướng nhiệm vụ, phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể của công ty nông, lâm nghiệp;
Đánh giá tác động của phương án sử dụng đất đến kinh tế – xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và phương án sản xuất, kinh doanh;
Các giải pháp tổ chức thực hiện đối với phần diện tích đất công ty nông, lâm nghiệp giữ lại;
Xác định vị trí, ranh giới, diện tích đất, hiện trạng sử dụng đất khu vực đất bàn giao cho địa phương theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 181 Luật Đất đai;
Thuyết minh phương án sử dụng đất.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất
Công ty nông, lâm nghiệp gửi hồ sơ thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất đến cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh, cụ thể là Sở Tài nguyên và Môi trường.
Thời hạn giải quyết hồ sơ thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất
Theo Khoản 4 Điều 68 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất như sau:
Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ: Sở Tài nguyên và Môi trường gửi hồ sơ phương án sử dụng đất đến các sở, ban, ngành có liên quan và UBND cấp huyện nơi có đất để lấy ý kiến và trình UBND cấp tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định.
Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến: Các sở, ban, ngành có liên quan và UBND cấp huyện nơi có đất gửi ý kiến bằng văn bản đến cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh
Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn lấy ý kiến: Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức họp Hội đồng để thẩm định
Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày thẩm định: Nếu hồ sơ phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp không phải chỉnh sửa thì Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND cùng cấp phê duyệt.
Trường hợp hồ sơ phương án sử dụng đất phải chỉnh sửa, bổ sung: Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày thẩm định, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo cho công ty nông, lâm nghiệp để hoàn thiện.
Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ phương án sử dụng đất do Sở Tài nguyên và Môi trường trình: UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, phê duyệt phương án sử dụng đất.
Phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp đã được phê duyệt thì có được cấp Giấy chứng nhận không?
Theo Khoản 1 Điều 69 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, căn cứ vào phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp đã được phê duyệt, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm:
“Điều 69. Tổ chức thực hiện phương án sử dụng đất
a) Trình UBND cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất cho công ty nông, lâm nghiệp đối với phần diện tích công ty nông, lâm nghiệp giữ lại; thực hiện thu hồi và chỉnh lý giấy chứng nhận đã cấp (nếu có);
b) Ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp thuê đất;
c) Cấp Giấy chứng nhận đối với phần diện tích giữ lại cho công ty nông, lâm nghiệp sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định;
d) Thực hiện thu hồi và chỉnh lý giấy chứng nhận đã cấp (nếu có); xác định vị trí, diện tích đất theo quy định điểm d khoản 1 Điều 181 Luật Đất đai và tổ chức bàn giao trên thực địa cho UBND cấp huyện nơi có đất để tổ chức thực hiện phương án sử dụng đất đã lập;
đ) Trình UBND cấp tỉnh thu hồi phần diện đất theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 181 Luật Đất đai, tổ chức bàn giao cho UBND cấp huyện nơi có đất để lập phương án sử dụng đất”.
Như vậy, đối với phần diện tích giữ lại thì công ty nông, lâm nghiệp được giao đất, cho thuê đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trên đây là phân tích về văn bản đề nghị thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn các quy định của pháp luật đất đai, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất!