Ý kiến người thứ ba liên quan đến Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Một trong các điểm mới nổi bật của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 là quy định liên quan đến ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ đăng ký nhãn hiệu theo quy định tại Điều 112 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 và Điều 112a về ý kiến người thứ ba liên quan đến phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu nói riêng và quyền sở hữu công nghiệp nói chung.
Ý nghĩa của việc quy định ý kiến người thứ ba liên quan đến Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Quy định mới này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thiết lập cơ sở pháp lý liên quan đến bên thứ ba có ý kiến về các đơn đăng ký nhãn hiệu đang thẩm định tại Việt Nam, bao gồm:
Ý kiến của người thứ ba (Third party observation) là thủ tục cho phép nhận ý kiến của công chúng đối với đơn đăng ký nhãn hiệu, trên cơ sở đó, Cục Sở hữu trí tuệ đưa ra quyết định đối với các đơn đang thẩm định. Ý kiến của người thứ ba được xem là nguồn thông tin tham khảo cho thẩm định viên trong quá trình thẩm định đơn.
Phản đối (Opposition) là thủ tục hành chính cho phép bên thứ ba thách thức hiệu lực của đơn đăng ký nhãn hiệu, trên cơ sở đó, yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho đối tượng nêu trong đơn, với điều kiện, người phản đối phải chỉ ra cơ sở pháp lý để chứng minh cho yêu cầu của mình.
So sánh điểm khác biệt giữa ý kiến của người thứ ba liên quan đến cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu và phản đổi cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu
Về thời hạn thực hiện ý kiến của bên thứ ba
Ý kiến của người thứ ba liên quan đến phản đối cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu
Điểm khác biệt căn bản giữa hai quy định nêu trên là thời hạn dành cho hành động của bên thứ ba. Nếu bạn muốn nộp đơn phản đối (opposition) cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu, bạn buộc phải nộp trong thời hạn 5 tháng kể từ khi đơn nhãn hiệu được công bố trên công báo sở hữu công nghiệp.
Ý kiến của người thứ ba liên quan đến cấp văn bằng bảo hộ
Nhưng nếu bạn lỡ để trôi qua thời hạn 05 tháng nêu trên, hoặc khi bạn phát hiện ra nhãn hiệu của bên thứ ba xung đột với nhãn hiệu đã đăng ký trước của bạn, bạn vẫn có quyền nộp ý kiến của mình để Cục Sở hữu trí tuệ xem xét việc cấp hay không cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu thông qua thủ tục “Ý kiến của người thứ ba (Third party observation) về việc cấp văn bằng bảo hộ” kể từ ngày đơn nhãn hiệu được công bố cho tới tận thời điểm Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu xin đăng ký.
So sánh sự giống và khác nhau giữa hai thủ tục liên quan đến ý kiến của người thứ ba
Các điểm giống nhau giữa hai thủ tục
Trước ngày ra quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến hoặc quyền phản đối về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Không đòi hỏi tính liên quan lợi ích để nộp ý kiến của người thứ ba hay ý kiến phản đối (bên thứ ba bất kỳ mà không nhất thiết phải là bên có quyền và lợi ích liên quan đều có quyền có ý kiến đối với đơn đăng ký nhãn hiệu thông qua một trong hai cơ chế nêu trên).
Đều phải lập thành văn bản, nêu căn cứ pháp lý, các phân tích, lập luận cho ý kiến của mình.
Hai thủ tục này đều là cơ sở pháp lý rõ ràng để công chúng có ý kiến đối với việc trao độc quyền cho nhãn hiệu mà công chúng phải tôn trọng nếu họ cho rằng nhãn hiệu xin đăng ký có khả năng xung đột, hay ảnh hưởng tiêu cực hoặc không đáp ứng điều kiện bảo hộ.
Các điểm khác nhau giữa hai thủ tục
Tiêu chí
Ý kiến của người thứ ba (Điều 112)
Ý kiến phản đối (Điều 112a)
Phí
Không phải nộp phí
Phải nộp phí
Thời hạn
Ý kiến của người thứ ba có thể được nộp trong suốt thời gian thẩm định nhãn hiệu, miễn rằng ý kiến đó phải được nộp trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Ý kiến phản đối chỉ được phép nộp trong thời hạn 5 tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố và trước ngày ra quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Thủ tục
Cục Sở hữu trí tuệ chỉ tiếp nhận ý kiến của người thứ ba, nhưng có thể không có phản hồi hay phải thiết lập thủ tục riêng để giải quyết ý kiến của người thứ ba.
Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận ý kiến phản đối, cấp số đơn phản đối, phải thiết lập cơ chế, trình tự, thủ tục để giải quyết ý kiến phản đối như một thủ tục độc lập (tương tự như thủ tục chấm dứt, hủy bỏ hoặc khiếu nại).
Tính chất
Chỉ là một nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (chỉ là ý kiến mang tính chất nguồn thông tin tham khảo).
Là một thủ tục riêng biệt, độc lập, giống các thủ tục khác như: chấm dứt hiệu lực, hủy bỏ hiệu lực hoặc khiếu nại.
Việc quy định mới cụ thể liên quan đến ý kiến của người thứ ba đã góp phần phân định giữa thủ tục phản đối (opposition) và “ý kiến của người thứ ba” (Third party observation) nhằm giúp giải quyết các vướng mắc trong việc áp dụng quy trình để xử lý hai loại ý kiến đó. Theo đó đã khắc phục được thời hạn tiếp nhận ý kiến của người thứ ba, nhưng lại dẫn đến quá trình xử lý đơn bị kéo dài, chưa kể trường hợp người thứ ba lạm dụng thủ tục này để gây trở ngại cho việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Quý khách hàng có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu, phản đối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ nhanh nhất với chi phí hợp lý nhất!