Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người tham gia bảo hiểm xã hội khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, khi nghỉ hưu hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội hoặc do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 vừa được thông qua tại kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV. Luật bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/07/2025 thay thế cho Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Nghị quyết 93/2015/QH13 thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động. Sau đây, Luật Việt An sẽ làm rõ cho quý khách về các điểm mới Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024
Các điểm mới Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024
Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội cho người không có lương hưu.
Bổ sung chế độ trợ cấp hằng tháng đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Mở rộng đối tượng được tham gia BHXH.
Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện.
Đóng BHXH tối thiểu 15 năm sẽ được hưởng lương hưu.
Khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.
Bảo đảm quyền tham gia BHXH với lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài và lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.
Người mắc bệnh dài ngày không còn được hưởng toàn bộ chế độ trong 180 ngày.
Quy định cụ thể về “mức tham chiếu” thay cho “mức lương cơ sở”.
Quy định rõ về quản lý thu, đóng BHXH.
Quy định giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH.
Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội cho người không có lương hưu
Trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 là loại hình BHXH do ngân sách nhà nước bảo đảm, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, trong đó giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống 75 tuổi (quy định cũ là 80 tuổi).
Để hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, công dân Việt Nam cần đáp ứng đủ điều kiện tại Điều 21 Luật BHXH năm 2024:
Không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ;
Có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Riêng với người thuộc hộ nghèo, cận nghèo thì điều kiện về tuổi giảm hơn, từ đủ 70 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Bổ sung chế độ trợ cấp hằng tháng đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
Theo đó, công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ thời gian đóng để hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và chưa tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) nếu không hưởng BHXH một lần và không bảo lưu mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng của mình. Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được ngân sách nhà nước đóng BHYT.
Mở rộng đối tượng được tham gia BHXH
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định mở rộng đối tượng được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bằng việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; Người lao động làm việc không trọn thời gian; Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.
Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện
Người tham gia BHXH tự nguyện đáp ứng đủ điều kiện theo quy định được hưởng trợ cấp thai sản với mức là 2 triệu đồng cho mỗi con mới sinh, do ngân sách nhà nước bảo đảm, người lao động không phải đóng thêm. Đây là quy định mới so với Luật BHXH 2014 trước đó.
Đối với lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn khi sinh con thì ngoài mức hưởng nêu trên,vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ khi sinh con theo quy định của Chính phủ. Điều kiện để được hưởng trợ cấp thai sản này là người lao động tham gia BHXH tự nguyện có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Đóng BHXH tối thiểu 15 năm sẽ được hưởng lương hưu
Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, để được giải quyết hưởng lương hưu hằng tháng, ngoài điều kiện về tuổi, người lao động còn phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên (trừ trường hợp lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì chỉ cần đóng bảo hiểm từ đủ 15 năm trở lên).
Luật Bảo hiểm xã hội mới có hiệu lực năm 2024đã rút ngắn điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu với cả trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo đó, căn cứ Điều 64 và Điều 98 Luật BHXH người lao động chỉ cần tích lũy từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì sẽ có cơ hội được giải quyết hưởng lương hưu khi đủ tuổi. Như vậy, số năm tối thiểu đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu đã được rút gắn 5 năm so với quy định cũ.
Tuy nhiên, nội dung Luật cũng nêu rõ, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc rút tiền 1 lần sau thời điểm Luật mới có hiệu lực thì ở lần đóng bảo hiểm sau phải tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì mới được hưởng lương hưu, trừ trường hợp nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động.
Khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 bổ sung quy định nhằm gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần
Điều kiện hưởng BHXH một lần
Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần. Người lao động đã chấm dứt tham gia BHXH mà có đề nghị thì hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH;
Ra nước ngoài để định cư;
Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS;
Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng;
Người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày 1/7/2025, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà cũng không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.
Như vậy, đối với người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/7/2025 trở đi thì sẽ giải quyết BHXH một lần trong bốn trường hợp đầu nêu trên. Luật BHXH mới có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.
Các quyền lợi cao hơn khi không BHXH một lần
Người lao động không hưởng BHXH một lần mà bảo lưu thời gian đóng để tiếp tục tham gia thì có cơ hội được thụ hưởng các quyền lợi cao hơn như:
Khi tiếp tục tham gia được hưởng các chế độ với mức hưởng cao hơn;
Được hưởng lương hưu với điều kiện dễ dàng hơn;
Trong thời gian hưởng lương hưu được Quỹ BHXH đóng BHYT;
Được hưởng trợ cấp hằng tháng khi không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội;
Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được ngân sách Nhà nước đóng BHYT.
Bảo đảm quyền tham gia BHXH với lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 bảo đảm tốt hơn quyền tham gia và thụ hưởng BHXH đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thông qua việc bổ sung quy định trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về thời gian tham gia BHXH của người lao động ở Việt Nam và ở nước ngoài được tính để xét điều kiện hưởng chế độ BHXH.
Người mắc bệnh dài ngày không còn được hưởng toàn bộ chế độ trong 180 ngày
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có quy định về nâng cao hiệu quả đầu tư Quỹ BHXH, tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng Quỹ BHXH thông qua việc mở rộng danh mục và phương thức đầu tư Quỹ BHXH.
Tuy nhiên Luật mới đã bỏ quy định về việc cho người mắc bệnh dài ngày nghỉ đến 180 ngày. Thay vào đó, Điều 43 Luật bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định thời gian nghỉ chế độ ốm đau của người lao động đều được xác định thời gian đóng bảo hiểm và điều kiện làm việc, không phân biệt người đó mắc bệnh gì.
Theo đó, người lao động mắc bệnh dài ngày chỉ được tính hưởng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian như sau:
Làm việc trong điều kiện bình thường:
30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm.
40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm.
60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
Làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn:
40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm.
50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm.
70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
Sau khi hết thời gian nghỉ nói trên mà người mắc bệnh dài ngày vẫn cần tiếp tục điều trị thì vẫn được nghỉ làm hưởng chế độ ốm đau ở mức thấp hơn.
Quy định cụ thể về “mức tham chiếu” thay cho “mức lương cơ sở”
Căn cứ đóng bảo hiểm xã hội
Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định như sau:
Đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định: Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);
Đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định: Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.
Luật quy định “mức tham chiếu” dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ BHXH
Luật mới đã quy định “mức tham chiếu” thay thế “lương cơ sở”. Theo đó “mức tham chiếu” dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ BHXH; khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu bằng mức lương cơ sở. Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và Quỹ BHXH.
Trước kia theo Điều 87, Điều 89 Luật BHXH 2014 thì mức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm bắt buộc căn cứ theo mức chuẩn hộ nghèo mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng. Thì Luật BHXH mới quy định căn cứ mức đóng BHXH của người lao động dựa trên mức tham chiếu.
Điều 7 Luật này quy định, mức tham chiếu là mức tiền dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội do Chính phủ quyết định
Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
Quản lý thu, đóng BHXH và giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH
Tăng cường tính tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động bằng việc dành riêng 1 chương để quy định về quản lý thu, đóng BHXH; làm rõ nội hàm và việc xử lý hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng BHXH.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia và thụ hưởng quyền lợi BHXH thông qua việc bổ sung quy định giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH; điều chỉnh, cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục thực hiện BHXH.
Dịch vụ liên quan đến bảo hiểm xã hội của Luật Việt An
Trên đây là tư vấn của Luật Việt An về các điểm mới Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024. Nếu có bất kỳ vướng mắc pháp lý nào khác liên quan đến bảo hiểm xã hội, xin hãy liên hệ với Luật Việt An để được tư vấn cụ thể và chi tiết hơn. Xin chân thành cảm ơn Quý khách!