Các lưu ý khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tại Việt Nam
Để giải quyết tranh chấp hợp đồng có rất nhiều phương án khác nhau và được áp dụng linh hoạt theo từng trường hợp cụ thể, phụ thuộc vào nhu cầu, điều kiện của các bên. Qua bài viết sau đây, Luật Việt An sẽ điểm qua các lưu ý khi giải quyết tranh chấp hợp đồng để giúp các bên tối ưu hoá thời gian, quyền lợi trong quá trình gảii quyết tranh chấp.
Thế nào là tranh chấp hợp đồng?
Hợp đồng được hiểu là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Theo đó, tranh chấp hợp đồng được hiểu là tranh chấp giữa các bên trong quan hệ hợp đồng.
Ví dụ: Tranh chấp giữa bên cho thuê nhà và bên thuê nhà, tranh chấp giữa bên mua và bên bán, tranh chấp giữa bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc, …
Các lưu ý khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tại Việt Nam
Hệ thống quy định điều chỉnh
Hiện nay, nước ta có rất nhiều ngành luật khác nhau, mỗi ngành luật sẽ điều chỉnh một/ một số vấn đề nhất định trong xã hội. Do đó, khi tiến hành giải quyết tranh chấp thì các bên cần xác định được hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề của mình để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình một cách tối ưu nhất.
Ví dụ: Những tranh chấp trong hoạt động thương mại sẽ được điều chỉnh bởi luật thương mại và những luật khác có liên quan như Luật kinh doanh bất động sản (đối với các hợp đồng kinh doanh bất động sản), Luật Xây dựng (đối với hợp đồng xây dựng), …
Ngoài quy định pháp luật, các quy định tại hợp đồng và những thoả thuận, cam kết của các bên trong quá trình làm việc, trao đổi trước đó cũng là cơ sở để giải quyết tranh chấp.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng
Theo quy định hiện hành, thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về Toà án hoặc Trọng tài. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối với Trọng tài
Phạm vi giải quyết tranh chấp hợp đồng của Trọng tài thương mại là các tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 5 của Luật Trọng tài thương mại 2010, các bên phải có thoả thuận về việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài (có thể thoả thuận trước hoặc sau khi phát sinh tranh chấp) thì mới có thể yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp.
Thứ hai, đối với Toà án
Theo quy định tại Điều 35, Điều 37 và Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, toà án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp hợp đồng trong hầu hết các lĩnh vực như: dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, … Trong trường hợp yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp, người khởi kiện nộp đơn khởi kiện tại Toà án nhân dân cấp huyện hoặc Toà án nhân dân cấp tỉnh (nếu vụ án có yếu tố nước ngoài) nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc đặt trụ sở chính.
Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp
Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp được hiểu là khoảng thời gian do pháp luật quy định mà hết thời hạn này các bên không thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Cụ thể như sau:
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng:
Hợp đồng dân sự: 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Hợp đồng thương mại: 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.
Và một số loại hợp đồng khác, Quý khách hàng có thể tham khảo các quy định pháp luật chuyên ngành.
Thời hiệu yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp: 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.
Nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự
Theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự, khi yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp, các bên trong tranh chấp phải tự thu thập chứng cứ, tài liệu để chứng minh cho yêu cầu của mình là hợp pháp.
Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình, khi đưa ra yêu cầu và đề nghị Toà án chấp thuận yêu cầu, cá nhân, tổ chức phải có đủ căn cứ chứng minh cho yêu cầu đó.
Một số trường hợp đặc thù khi giải quyết tranh chấp hợp đồng
Hiện nay, tranh chấp hợp đồng liên quan đến bất động sản là nhóm tranh chấp phát sinh rất nhiều trên thực tế. Do đó, trong phạm vi bài viết này, Luật Việt An sẽ tập trung phân tích một số vấn đề đặc thù khi giải quyết tranh chấp hợp đồng liên quan đến bất động sản.
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Một thực tế thường thấy là quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng nhưng chỉ có một bên vợ/ chồng đứng tên trên Giấy chứng nhận. Vậy, trong trường hợp này, nếu người đừng tên trên Giấy chứng nhận ký hợp đồng chuyển nhượng mà bên vợ/ chồng còn lại không ký tên trên hợp đồng thì hợp đồng này có hiệu lực không?
Về cơ bản là không, bởi lẽ, nếu là tài sản chung của vợ chồng thì việc định đoạt tài sản đó phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Tuy nhiên, theo nội dung Án lệ 04/2016/AL, nếu có đủ căn cứ xác định bên chuyển nhượng đã nhận đủ số tiền theo thỏa thuận, người không ký tên trong hợp đồng biết và cùng sử dụng tiền chuyển nhượng nhà đất; bên nhận chuyển nhượng nhà đất đã nhận và quản lý, sử dụng nhà đất đó công khai; người không ký tên trong hợp đồng biết mà không có ý kiến phản đối gì thì phải xác định là người đó đồng ý với việc chuyển nhượng nhà đất. Tức là, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có hiệu lực pháp luật.
Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất
Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất là loại hợp đồng thường được ký kết giữa những người thân trong gia đình, nhất là giữa bố mẹ và con cái. Trên thực tế, bố mẹ (bên tặng cho) thường tặng cho quyền sử dụng đất và kèm theo các điều kiện như: phụng dưỡng, chăm sóc cho bố mẹ tuổi về già hoặc một số điều kiện khác. Tuy nhiên, hầu hết các điều kiện này thường không thể hiện tại hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất. Vậy, trong trường hợp này, nếu người nhận tặng cho không thực hiện các điều kiện/ công việc mà bên tặng cho đưa ra thì bên tặng cho có đòi lại được đất không?
Để giải quyết thoả đáng vấn đề này, Án lệ số 14/2017/AL đã có nội dung hướng dẫn như sau:
Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất không ghi điều kiện tặng cho nhưng tại các văn bản, tài liệu khác có liên quan thể hiện các bên đã có thỏa thuận, thống nhất về điều kiện tặng cho và điều kiện tặng cho là hợp pháp. Trường hợp này, Tòa án phải công nhận điều kiện của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và xác định hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất đó là hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện.
Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất
Theo quy định hiện hành, quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất (đối với cùng một thửa đất) có thể thuộc về hai chủ thể độc lập. Trong trường hợp người sử dụng đất thế chấp quyền sử dụng đất của mình (tài sản trên đất thuộc quyền sở hữu của người khác) thì pháp luật vẫn thừa nhận hợp đồng thế chấp này.
Nếu trong trường hợp bên thế chấp và bên nhận thế chấp thỏa thuận bên nhận thế chấp được bán tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất mà trên đất có nhà không thuộc sở hữu của người sử dụng đất, khi giải quyết Tòa án phải dành cho chủ sở hữu nhà trên đất được quyền ưu tiên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đó nếu họ có nhu cầu. Đây là nội dung được quy định tại Án lệ 11/2017/AL.
Trên đây là các lưu ý khi giải quyết tranh chấp hợp đồng, Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật hợp đồng, giải quyết tranh chấp hợp đồng xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất với mức phí dịch vụ hợp lý nhất, linh hoạt nhất!