Giải quyết tranh chấp liên quan đến trí tuệ nhân tạo AI
Trí tuệ nhân tạo AI đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ AI cũng kéo theo nhiều vấn đề pháp lý, đặc biệt là những tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ dữ liệu, trách nhiệm pháp lý, và các vấn đề hợp đồng. Qua bài viết sau, Luật Việt An sẽ trình bày một số nội dung về việc Giải quyết tranh chấp liên quan đến trí tuệ nhân tạo AI.
Trí tuệ nhân tạo AI là gì?
Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) là một lĩnh vực của khoa học máy tính, tập trung vào việc tạo ra các hệ thống có khả năng thực hiện các tác vụ thông minh mà thông thường cần đến trí tuệ con người. Việc sử dụng trí tuệ AI ngày càng trở lên phổ biến và có thể nói là trợ thủ đắc lực của con người trong các hoạt động xã hội.
AI có phải là một chủ thể trong quan hệ pháp luật không?
Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng trí tuệ nhân tạo AI đã thông minh hơn con người và có thể thay thế con người trong thời gian không xa. Vậy, về mặt pháp luật, liệu AI có được coi là một chủ thể trong quan hệ pháp luật không?
Tại Điều 1 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
“Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự).”
Như vậy, Bộ luật Dân sự 2015 chỉ điều chỉnh các mối quan hệ giữa cá nhân và pháp nhân. Do đó, AI không được coi là một chủ thể trong quan hệ pháp luật.
Ngoài ra, theo các quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, chủ thể trong quan hệ pháp luật phải đáp ứng được 02 yêu cầu:
Có năng lực pháp luật: Có các quyền và nghĩa vụ được pháp luật công nhận;
Có năng lực hành vi: Có khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ.
Tuy nhiên, AI hiện nay vẫn chỉ là một công cụ do con người lập trình và điều khiển, chưa có ý chí độc lập hay trách nhiệm pháp lý như con người hay pháp nhân.
Một số tranh chấp liên quan đến trí tuệ nhân tạo AI
Chính vì sự phát triển mạnh mẽ của AI cũng kéo theo nhiều tranh chấp trên thực tế xoay quanh vấn đề này. Dưới đây là một số tranh chấp phổ biến liên quan đến trí tuệ nhân tạo AI.
Tranh chấp về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do AI gây ra
Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng tham gia sâu vào nhiều lĩnh vực, từ y tế, giao thông đến tài chính. Tuy nhiên, khi AI gây ra thiệt hại – chẳng hạn như tai nạn xe tự lái, chẩn đoán y khoa sai, hoặc quyết định sai lệch trong tài chính – câu hỏi đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường?
Hiện nay, trách nhiệm pháp lý chủ yếu được quy về 03 đối tượng như sau:
Nhà sản xuất AI;
Người sử dụng AI;
Theo nguyên tắc chung về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, chủ thể có lỗi trong việc để AI gây thiệt hại có trách nhiệm bồi thường.
.Tuy nhiên, khi AI ngày càng tự học hỏi và đưa ra quyết định ngoài tầm kiểm soát của con người, liệu AI có thể bị xem là một “chủ thể” chịu trách nhiệm pháp lý không? Nhiều quốc gia vẫn đang tranh luận về vấn đề này. Một số đề xuất tạo quỹ bảo hiểm trách nhiệm AI để bồi thường thiệt hại, trong khi một số khác ủng hộ việc sửa đổi luật để điều chỉnh cụ thể hơn. Nhìn chung, cần có khung pháp lý rõ ràng để xác định trách nhiệm bồi thường khi AI gây ra thiệt hại, đảm bảo công bằng và bảo vệ quyền lợi của con người.
Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ đối với những tác phẩm do AI tạo ra
Hiện nay, pháp luật ở hầu hết các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam vẫn chưa công nhận AI là tác giả hoặc chủ sở hữu hợp pháp của một tác phẩm. Bởi lẽ, như đã đề cập ở trên, AI không được coi là một chủ thể độc lập trong quan hệ pháp luật cũng như không có ý chí sáng tạo độc lập. Điều này dẫn đến tranh chấp giữa các bên liên quan, bao gồm lập trình viên, công ty phát triển AI và người sử dụng AI đối với quyền sở hữu trí tuệ do AI tạo ra.
Một số vụ việc thực tế đã làm dấy lên nhiều tranh luận, chẳng hạn như bức tranh “Théâtre D’opéra Spatial” do AI tạo ra nhưng được con người đứng tên dự thi và đoạt giải, gây tranh cãi về quyền tác giả. Một số quan điểm cho rằng AI chỉ là công cụ, và quyền sở hữu thuộc về người đã tạo hoặc sử dụng nó. Tuy nhiên, khi AI ngày càng tự chủ hơn trong sáng tạo, câu hỏi về tác giả thực sự của tác phẩm trở nên phức tạp.
Một số khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến trí tuệ nhân tạo AI
Mặc dù các tranh chấp liên quan đến AI ngày càng gia tăng, nhưng việc giải quyết những vấn đề này không hề đơn giản. Một số thách thức lớn trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến AI mà công ty chúng tôi muốn chia sẻ với khách hàng gồm:
Quy định pháp luật chưa cụ thể
AI là một công nghệ mới, nhưng luật pháp ở nhiều quốc gia chưa theo kịp. Hầu hết, các quy định hiện nay vẫn dựa trên các nguyên tắc truyền thống, chưa đủ chi tiết để điều chỉnh các tranh chấp liên quan đến AI. Ví dụ, quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm do AI tạo ra hay trách nhiệm pháp lý khi AI gây thiệt hại vẫn còn nhiều tranh cãi mà chúng tôi đã đề cập ở phần trên.
Vấn đề về dữ liệu và quyền riêng tư
AI hoạt động dựa trên việc thu thập và xử lý dữ liệu, nhưng việc sử dụng dữ liệu cá nhân mà không có sự đồng ý có thể vi phạm luật bảo vệ quyền riêng tư như GDPR (châu Âu) hoặc các luật bảo vệ dữ liệu khác. Khi xảy ra tranh chấp về quyền riêng tư, việc truy vết và xác định trách nhiệm giữa công ty phát triển AI, đơn vị vận hành AI và người dùng rất phức tạp.
Tính phi tập trung và xuyên biên giới của AI
AI không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia. Một AI có thể được phát triển tại Mỹ, sử dụng dữ liệu từ châu Âu, vận hành tại châu Á và gây tranh chấp ở một quốc gia khác. Điều này tạo ra xung đột pháp lý giữa các quốc gia, vì mỗi nước có hệ thống pháp luật khác nhau về AI, sở hữu trí tuệ và quyền riêng tư.
Sự hiểu biết chuyên sâu của cơ quan tài phán
AI là một công nghệ phức tạp, đòi hỏi hiểu biết chuyên sâu về thuật toán, dữ liệu và hệ thống máy học. Tuy nhiên, không phải bất kỳ cơ quan, cá nhân có thẩm quyền nào cũng có đủkiến thức sâu về AI để có thể đưa ra phán quyết công bằng và hợp lý. Điều này làm cho quá trình giải quyết tranh chấp trở nên chậm chạp và khó khăn.
Khả năng AI thay đổi và tiến hóa liên tục
AI có thể tự học và thay đổi hành vi theo thời gian, khiến việc xác định lỗi ban đầu trở nên khó khăn. Ví dụ, một hệ thống AI tài chính có thể hoạt động tốt trong một thời gian dài nhưng sau đó mắc sai lầm nghiêm trọng do quá trình tự học không kiểm soát được. Điều này đặt ra thách thức lớn khi xác định trách nhiệm pháp lý.
Tại bài viết trên, Luật Việt An đã trình bày các vấn đề pháp lý liên quan đến việc giải quyết tranh chấp liên quan đến trí tuệ nhân tạo AI. Nếu còn vướng mắc về bài viết hoặc có yêu cầu hỗ trợ các vấn đề pháp lý liên quan, Quý khách hàng vui lòng liên hệ tới Luật Việt An để được hỗ trợ kịp thời.