Giải quyết tranh chấp liên quan đến an toàn thực phẩm
Trong bối cảnh thị trường thực phẩm ngày càng đa dạng, nhưng đi kèm với đó là nhiều rủi ro tiềm ẩn từ thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm bẩn, nhiễm hóa chất độc hại, nguy cơ xâm phạm đến sức khỏe, thậm chí tính mạng con người cũng gia tăng. Tranh chấp liên quan đến an toàn thực phẩm vì thế ngày càng xuất hiện với nhiều hình thức phức tạp. Việc giải quyết hiệu quả các tranh chấp này không chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng mà còn góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất – kinh doanh thực phẩm, bảo đảm môi trường tiêu dùng lành mạnh và phát triển bền vững. Vậy giải quyết tranh chấp liên quan đến an toàn thực phẩm cần lưu ý những vấn đề pháp lý gì? Sau đây, Luật Việt An sẽ tư vấn và giải đáp thắc mắc cho quý khách hàng.
Các dạng tranh chấp phổ biến liên quan đến an toàn thực phẩm
Phân loại theo hành vi vi phạm
Các dạng tranh chấp phổ biến liên quan đến an toàn thực phẩm, được phân loại dựa trên bản chất của hành vi vi phạm, gồm:
Tranh chấp do thực phẩm gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng: Thực phẩm sau khi tiêu dùng gây ngộ độc, dị ứng, nhiễm độc cấp tính hoặc ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.
Tranh chấp do thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ: Người tiêu dùng mua phải thực phẩm không có nhãn mác, không truy xuất được nguồn gốc, dẫn đến nghi ngờ hoặc thiệt hại về sức khỏe.
Tranh chấp do thông tin sai lệch trên bao bì, quảng cáo thực phẩm: Cơ sở kinh doanh cung cấp thông tin không đúng về thành phần, công dụng hoặc tiêu chuẩn chất lượng của thực phẩm.
Tranh chấp về thực phẩm giả, nhái thương hiệu hoặc giả mạo chứng nhận an toàn: Người tiêu dùng mua phải sản phẩm bị làm giả thương hiệu, nhái bao bì, hoặc làm giả tem chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tranh chấp về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sử dụng thực phẩm không an toàn: Người tiêu dùng yêu cầu bên bán, nhà sản xuất bồi thường thiệt hại sau khi sử dụng thực phẩm không đảm bảo.
Phân loại theo chủ thể
Tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh: Đây là dạng phổ biến nhất, phát sinh khi người tiêu dùng sử dụng thực phẩm không an toàn do lỗi của nhà sản xuất, chế biến, vận chuyển hoặc kinh doanh.
Tranh chấp giữa các doanh nghiệp với nhau trong chuỗi cung ứng thực phẩm: Xảy ra giữa nhà sản xuất, đơn vị phân phối, bán lẻ khi có thiệt hại phát sinh do lỗi thực phẩm không an toàn.
Tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức trung gian (giao hàng, sàn thương mại điện tử…): Liên quan đến việc cung cấp, vận chuyển thực phẩm không đảm bảo an toàn qua các kênh trung gian.
Tranh chấp giữa cơ quan nhà nước và tổ chức/cá nhân sản xuất – kinh doanh: Thường liên quan đến xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi sản phẩm do vi phạm an toàn thực phẩm.
Trong bài viết này, Luật Việt An sẽ tập trung phân tích chủ yếu về tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh liên quan đến an toàn thực phẩm – một tranh chấp phổ biến hiện nay.
Các phương thức giải quyết tranh chấp liên quan đến an toàn thực phẩm
Theo Khoản 1 Điều 54 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh như sau:
Thương lượng.
Hòa giải.
Trọng tài.
Tòa án.
Theo đó, phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Ưu và nhược điểm của mỗi phương thức giải quyết tranh chấp liên quan đến an toàn thực phẩm
Thương lượng
Ưu điểm:
Nhanh chóng, linh hoạt: Hai bên có thể tự trao đổi để giải quyết tranh chấp mà không qua thủ tục pháp lý rườm rà.
Tiết kiệm chi phí: Không mất phí giải quyết, luật sư, tố tụng.
Giữ được mối quan hệ hợp tác: Đặc biệt khi tranh chấp giữa doanh nghiệp và khách hàng quen.
Nhược điểm:
Phụ thuộc vào thiện chí của các bên: Nếu một trong hai bên không hợp tác, thương lượng thường không đạt kết quả.
Không có giá trị pháp lý ràng buộc: Nếu một bên không thực hiện đúng cam kết, không có cơ chế pháp lý thi hành.
Người tiêu dùng thường ở thế yếu: Thiếu thông tin, kiến thức pháp lý và khả năng thương lượng bình đẳng.
Hòa giải
Ưu điểm:
Có sự trung gian hỗ trợ: Giúp cân bằng lợi ích giữa các bên, đặc biệt có lợi cho người tiêu dùng.
Tăng tính thuyết phục và khách quan: Hòa giải viên có thể gợi ý phương án hợp lý.
Nhược điểm:
Không có cơ chế pháp lý ràng buộc: Nếu không đạt được thỏa thuận thì hòa giải không có giá trị cưỡng chế, trừ khi các yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành.
Không phổ biến và chưa phát huy hiệu quả trong tranh chấp thực phẩm: Thiếu tổ chức hòa giải chuyên sâu trong lĩnh vực này.
Trọng tài
Ưu điểm:
Thủ tục nhanh, linh hoạt: Thường giải quyết nhanh hơn tòa án.
Phán quyết có giá trị ràng buộc pháp lý: Tương đương bản án tòa án, có thể thi hành cưỡng chế.
Giữ bí mật thông tin: Phù hợp với các doanh nghiệp lo ngại ảnh hưởng danh tiếng.
Nhược điểm:
Không phổ biến trong tranh chấp với người tiêu dùng: Do phải có thỏa thuận trọng tài từ trước.
Chi phí cao: Người tiêu dùng thường không đủ điều kiện sử dụng phương thức này.
Tòa án
Ưu điểm:
Có tính pháp lý ràng buộc cao: Bản án có thể thi hành cưỡng chế.
Bảo vệ tốt quyền lợi người tiêu dùng: Nếu có đầy đủ chứng cứ, tòa thường thiên về bảo vệ bên yếu thế.
Nhược điểm:
Thủ tục tố tụng phức tạp, mất thời gian: Có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Chi phí tố tụng có thể cao: Phí tòa án, luật sư, giám định, đi lại…
Người tiêu dùng gặp khó khăn trong thu thập chứng cứ: Đặc biệt khi không còn mẫu thực phẩm hoặc hóa đơn chứng minh mua bán.
Lưu ý khi yêu cầu giải quyết tranh chấp liên quan đến an toàn thực phẩm
Thương lượng
Theo Điều 57 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, người tiêu dùng gửi yêu cầu thương lượng và thông tin, tài liệu liên quan (nếu có) đến tổ chức, cá nhân kinh doanh tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, trang thông tin điện tử hoặc thông qua phương thức liên lạc khác do tổ chức, cá nhân kinh doanh đã công khai hoặc đang áp dụng.
Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh không trả lời yêu cầu thương lượng của người tiêu dùng hoặc từ chối thương lượng mà không có lý do chính đáng, người tiêu dùng có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hỗ trợ thương lượng khi quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Hòa giải
Tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng có quyền thỏa thuận lựa chọn bên thứ ba để thực hiện việc hòa giải. Một trong các bên tham gia hòa giải có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành.
Theo Điều 63 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, tổ chức hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh bao gồm:
Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
Tổ chức hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại, pháp luật về hòa giải tại cơ sở, pháp luật về hòa giải tại tòa án;
Tổ chức khác có chức năng hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Trọng tài
Theo Điều 5 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
Cần lưu ý nghĩa vụ chứng minh khi giải quyết tại Trọng tài theo Điều 69 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 như sau:
Người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Tòa án
Theo Khoản 2 Điều 70 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng thì được giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Người tiêu dùng khởi kiện vụ án dân sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đại diện cho người tiêu dùng theo ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không phải nộp tiền tạm ứng án phí. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng không phải nộp tiền tạm ứng án phí, không phải chịu án phí.
Tiền bồi thường thiệt hại và đối tượng thụ hưởng trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án.
Lưu ý kiểm nghiệm phục vụ giải quyết tranh chấp về an toàn thực phẩm
Căn cứ Điều 47 Luật An toàn thực phẩm 2010, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp chỉ định cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng để thực hiện kiểm nghiệm thực phẩm về nội dung tranh chấp. Kết quả kiểm nghiệm của cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng được sử dụng làm căn cứ giải quyết tranh chấp về an toàn thực phẩm.
Cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định làm kiểm chứng là cơ sở kiểm nghiệm của Nhà nước và có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật An toàn thực phẩm 2010, cụ thể gồm:
Có bộ máy tổ chức và năng lực kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với cơ sở kiểm nghiệm;
Thiết lập và duy trì hệ thống quản lý phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế;
Đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thực hiện hoạt động chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.
Hồ sơ, trình tự thủ tục đăng ký chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 20/2013/TTLT-BYT-BCT-BNNPTNT.
Trên đây là tư vấn về Giải quyết tranh chấp liên quan đến an toàn thực phẩm. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn giải quyết tranh chấp, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất!