Giải quyết tranh chấp liên quan đến bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng
Hiện nay, quyền lợi của người tiêu dùng ngày càng được quan tâm và bảo vệ chặt chẽ, đặc biệt là quyền được bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn không ít trường hợp người tiêu dùng bị xâm hại bởi các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, hàng hóa kém an toàn, hoặc hành vi thiếu trách nhiệm từ phía tổ chức, cá nhân kinh doanh. Điều này có thể dẫn đến việc phát sinh cá tranh chấp liên quan đến bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Bài viết này Luật Việt An sẽ tư vấn cho quý khách hàng về Giải quyết tranh chấp liên quan đến bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Các dạng tranh chấp liên quan đến bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng
Các tranh chấp liên quan đến bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng thường phát sinh khi quyền được bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng bị xâm phạm do việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ không đạt chất lượng, không an toàn hoặc bị che giấu thông tin. Chẳng hạn như:
Tranh chấp về chất lượng hàng hóa ảnh hưởng đến sức khỏe: Hàng hóa bị nhiễm độc, chứa hóa chất cấm hoặc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (như thực phẩm bẩn, mỹ phẩm giả, thuốc không rõ nguồn gốc).
Tranh chấp liên quan đến dược phẩm, thiết bị y tế: Thuốc giả, thuốc hết hạn, thuốc gây tác dụng phụ nguy hiểm mà không có cảnh báo rõ ràng. Thiết bị y tế không đảm bảo an toàn kỹ thuật gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người dùng.
Tranh chấp trong lĩnh vực dịch vụ chăm sóc sức khỏe: Dịch vụ khám chữa bệnh, nha khoa, thẩm mỹ viện… gây ra tai biến hoặc hậu quả sức khỏe nghiêm trọng do bác sĩ thiếu chuyên môn, quy trình sai hoặc sử dụng thiết bị kém chất lượng.
Tranh chấp về nhãn mác, thông tin sai lệch hoặc không đầy đủ: Người tiêu dùng không được cung cấp đầy đủ thông tin về thành phần, tác dụng phụ, cách sử dụng hoặc thông tin bị gian dối.
Tranh chấp về trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Khi xảy ra thiệt hại về sức khỏe, người tiêu dùng yêu cầu tổ chức/cá nhân sản xuất, phân phối bồi thường nhưng bị từ chối, chậm trễ hoặc bồi thường không thỏa đáng.
Phương thức giải quyết tranh chấp liên quan đến bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng
Tranh chấp liên quan đến bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng là tranh chấp liên quan đến người tiêu dùng nên chịu sự điều chỉnh của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Căn cứ Điều 54 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh như sau:
Thương lượng
Người tiêu dùng có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh thương lượng. Trình tự thủ tục thương lượng theo Điều 57 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 như sau:
Người tiêu dùng gửi yêu cầu thương lượng và thông tin, tài liệu liên quan (nếu có) đến tổ chức, cá nhân kinh doanh tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, trang thông tin điện tử hoặc thông qua phương thức liên lạc khác do tổ chức, cá nhân kinh doanh đã công khai hoặc đang áp dụng.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm tiếp nhận, tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu. Kết quả thương lượng của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng được lập thành văn bản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh không trả lời yêu cầu thương lượng của người tiêu dùng hoặc từ chối thương lượng mà không có lý do chính đáng, người tiêu dùng có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hỗ trợ thương lượng khi quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển yêu cầu của người tiêu dùng đến tổ chức, cá nhân kinh doanh được yêu cầu thương lượng.
Hòa giải
Tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng có quyền thỏa thuận lựa chọn bên thứ ba để thực hiện việc hòa giải. Tổ chức, cá nhân tiến hành hòa giải, các bên tham gia hòa giải phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến việc hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Theo Điều 63 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, tổ chức hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh bao gồm:
Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
Tổ chức hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại, pháp luật về hòa giải tại cơ sở, pháp luật về hòa giải tại tòa án;
Tổ chức khác có chức năng hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Khi đạt được kết quả hòa giải thành, các bên lập văn bản về kết quả hòa giải thành. Một trong các bên tham gia hòa giải có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành.
Trọng tài
Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài được thực hiện theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010.
Theo Điều 5 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
Về hiệu lực của điều khoản trọng tài trong giải quyết tranh chấp liên quan đến bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng theo Điều 67 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 như sau:
Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo về điều khoản trọng tài trước khi giao kết hợp đồng và được người tiêu dùng chấp thuận.
Trường hợp điều khoản trọng tài do tổ chức, cá nhân kinh doanh đưa vào hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung thì khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác.
Tòa án
Nếu các phương thức giải quyết tranh chấp trên không mang lại kết quả, người tiêu dùng có thể khởi kiện tại Tòa án.
Vụ án dân sự liên quan đến bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng là vụ án mà bên khởi kiện là người tiêu dùng hoặc tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tòa án giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Thủ tục rút gọn: Theo Khoản 2 Điều 70 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng thì được giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Án phí: Theo Điều 71 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, người tiêu dùng khởi kiện vụ án dân sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đại diện cho người tiêu dùng theo ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không phải nộp tiền tạm ứng án phí. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng không phải nộp tiền tạm ứng án phí, không phải chịu án phí.
Công khai thông tin về vụ án: Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng có trách nhiệm công khai thông báo thụ lý vụ án của Tòa án về việc khởi kiện trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án thụ lý. Việc công khai tại trụ sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tối thiểu 15 ngày kể từ ngày niêm yết, đăng tải.
Một số lưu ý khi giải quyết tranh chấp liên quan đến bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng
Không được thương lượng, hòa giải
Không được thương lượng, hòa giải trong các trường hợp sau đây:
Xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng.
Vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.
Gây thiệt hại đến lợi ích của nhiều người tiêu dùng, trừ trường hợp xác định đầy đủ số lượng người tiêu dùng bị thiệt hại.
Trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu trong quá trình giải quyết tranh chấp
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm bảo mật thông tin, tài liệu được cung cấp theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ chứng minh
Người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Tiền bồi thường thiệt hại khi giải quyết tại Tòa án
Tiền bồi thường thiệt hại và đối tượng thụ hưởng trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án.
Trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng, tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chung vì quyền lợi người tiêu dùng theo Điều 28 Nghị định 55/2024/NĐ-CP.
Trên đây là tư vấn về giải quyết tranh chấp liên quan đến bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn giải quyết tranh chấp, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất!