Các ngành nghề không cần thực hiện đăng ký kinh doanh
Theo quy định pháp luật hiện hành, một số ngành nghề kinh doanh nhỏ lẻ, mang tính chất tự cung tự cấp hoặc có quy mô nhỏ sẽ không cần phải đăng ký kinh doanh. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân có thu nhập thấp, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội. Bài viết dưới đây của Luật Việt An sẽ cung cấp cho quý khách các ngành nghề khong cần thực hiện đăng ký kinh doanh.
Vì sao cần đăng ký kinh doanh?
Đăng ký kinh doanh là một thủ tục bắt buộc đối với hầu hết các hoạt động kinh doanh, bất kể quy mô lớn hay nhỏ. Việc này mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho cả người kinh doanh và xã hội, cụ thể:
Khi có giấy phép đăng ký kinh doanh, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được nhà nước công nhận và bảo hộ. Điều này giúp doanh nghiệp tránh được rủi ro pháp lý, đảm bảo quyền lợi hợp pháp.
Việc đăng ký kinh doanh giúp công khai thông tin về doanh nghiệp, tạo dựng lòng tin với khách hàng, đối tác và nhà đầu tư.
Một doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh sẽ dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn, tham gia các dự án, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước.
Giấy phép đăng ký kinh doanh là một minh chứng cho thấy doanh nghiệp của quý khách hoạt động một cách chuyên nghiệp và có trách nhiệm.
Việc đăng ký kinh doanh giúp cơ quan nhà nước nắm rõ thông tin về các doanh nghiệp, từ đó có thể quản lý và giám sát thị trường tốt hơn.
Khi mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ của một doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh, người tiêu dùng sẽ được bảo vệ tốt hơn về chất lượng sản phẩm, dịch vụ và các quyền lợi khác.
Các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh sẽ thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, góp phần vào nguồn thu ngân sách nhà nước.
Các ngành nghề không cần thực hiện đăng ký kinh doanh
Theo khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định người kinh doanh các ngành nghề sau không phải đăng ký kinh doanh:
Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối. Đây là những hoạt động sản xuất truyền thống, phục vụ nhu cầu tự tiêu và một phần nhỏ cho thị trường địa phương.
Những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến.Đây là các hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, quy mô nhỏ, thường không có địa điểm cố định.
Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong.
Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định.
Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định.
Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ.
Kinh doanh lưu động là các hoạt động thương mại không có địa điểm cố định. Điều này có nghĩa là người kinh doanh sẽ di chuyển từ nơi này đến nơi khác để bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ.
Kinh doanh thời vụ là hình thức kinh doanh linh hoạt, thường diễn ra trong các dịp lễ, tết hoặc mùa vụ cao điểm.Với lợi thế về thời gian và quy mô, hình thức này đã thu hút nhiều người tham gia, đặc biệt là những người muốn kiếm thêm thu nhập hoặc mới bắt đầu khởi nghiệp.
Người làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh như đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định.
Lưu ý:
Nếu kinh doanh ngành, nghề thuộc trường hợp nêu trên không cần phải đăng ký kinh doanh, tuy nhiên nếu thuộc trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì phải thực hiện đăng ký kinh doanh.
Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư 2020 ví dụ rượu, thuốc lá…
Mức thu nhập thấp áp dụng lên từng địa phương sẽ do thành phố trực thuộc Trung ương quy định.
Lý do một số ngành nghề không cần đăng ký kinh doanh
Dưới đây là một số lý do các ngành, nghề trên được miễn đăng ký kinh doanh:
Quy mô hoạt động nhỏ lẻ, sản xuất, kinh doanh không ảnh hưởng lớn đến thị trường.
Tính chất không chuyên nghiệp. Người tham gia các hoạt động kinh doanh này thường không có ý định phát triển kinh doanh thành các doanh nghiệp lớn, họ chỉ thực hiện các hoạt động này như một phần của cuộc sống nhằm kiếm thêm thu nhập.
Không thuộc danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bởi ngành nghề có điều kiện là những ngành nghề đòi hỏi phải đáp ứng các yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật, an toàn, môi trường…
Hậu quả khi không đăng ký kinh doanh
Không đăng ký kinh doanh có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như:
Bị xử phạt vi phạm hành chính có thể là bị phạt tiền, buộc tạm dừng hoạt động. Mức phạt phụ thuộc vào loại hình kinh doanh, thời gian vi phạm, quy mô hoạt động…
Gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng quy mô, tiếp cận các nguồn vốn, tham gia các hoạt động giao dịch.
Không đăng ký kinh doanh có thể bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc hơn trong trường hợp xảy ra tranh chấp, khiếu nại.
Doanh nghiệp có thể mất uy tín với khách hàng, khách hàng e ngại khi giao dịch với những đơn vị không đăng ký kinh doanh.
Lưu ý trường hợp không cần đăng ký kinh doanh
Miễn đăng ký không đồng nghĩa với việc không chịu bất kỳ quy định nào: Những người kinh doanh vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị…
Nếu doanh thu tăng vượt quá mức cho phép hoặc ảnh hưởng đến các hoạt động khác, bạn có nghĩa vụ phải đăng ký kinh doanh.
Dù có quy mô nhỏ, nếu kinh doanh các ngành nghề thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện (ví dụ: kinh doanh xăng dầu, hóa chất độc hại…) thì vẫn phải đăng ký kinh doanh.
Trên đây các ngành nghề không cần thực hiện đăng ký kinh doanh mà Luật Việt An cung cấp đến quý khách. Quý khách có bất kỳ thắc mắc nào vui lòng liên hệ Luật Việt An để hỗ trợ kịp thời.