Việc lựa chọn trọng tài viên là một bước quan trọng quyết định tính công bằng và hiệu quả của quá trình giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài. Lựa chọn trọng tài viên phải phù hợp, đảm bảo sự công bằng, tôn trọng quyền lợi của các bên liên quan. Để tìm hiểu sâu hơn vấn đề này, công ty Luật Việt An sẽ đưa ra khái quát chung về phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, điều kiện trở thành trọng tài viên và cách thức lựa chọn trọng tài viên theo Luật Trọng tài thương mại 2010.
Khái quát chung về phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là gì?
Trọng tài là một phương thức giải quyết tranh chấp thương mại dựa trên sự thỏa thuận của các bên tham gia tranh chấp.
Đặc điểm của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Trọng tài là một cơ quan tài phán tư.
Trọng tài chỉ tiến hành khi có sự thỏa thuận giữa các bên.
Trọng tài có tính linh hoạt cao.
Trọng tài viên là các chuyên gia có kiến thức chuyên môn trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Phán quyết của trọng tài là chung thẩm và ràng buộc các bên.
Các loại trọng tài trong phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Trọng tài thương mại quốc tế có thể được phân loại thành:
Trọng tài quy chế (trọng tài thường trực) là trọng tài được quản lý từ một tổ chức trọng tài và phải tuân theo các quy tắc trọng tài của tổ chức đó.
Trọng tài vụ việc (trọng tài ad-hoc) là phương thức trọng tài giải quyết các vụ tranh chấp cụ thể, bao gồm các trọng tài viên mà được các bên yêu cầu, lựa chọn mà không bị giới hạn bởi các danh sách trọng tài viên có sẵn. Khi giải quyết xong các tranh chấp này thì ủy ban trọng tài sẽ giải thể.
Điều kiện để trở thành trọng tài viên
Trọng tài viên là gì?
Tại đây, các trọng tài viên là bên thứ ba trong quá trình giải quyết tranh chấp, là cá nhân được bổ nhiệm hoặc chỉ định để giải quyết tranh chấp giữa các bên một cách độc lập và không phải là người có thẩm quyền xử lý tranh chấp như thẩm quyền trong hệ thống tòa án truyền thống.
Làm trọng tài viên cần điều kiện gì?
Để trở thành Trọng tài viên, theo điều 20 Luật Trọng tài thương mại 2010 người đó cần đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật dân sự.
Có trình độ đại học và ít nhất 5 năm kinh nghiệm thực tế công tác theo ngành đã học.
Trường hợp đặc biệt, nếu người đó là chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm thực tiễn mặc dù không đáp ứng được yêu cầu về trình độ đại học và thực tế công tác, cũng có thể được chọn làm Trọng tài viên.
Quy định trên cung cấp một khung chung về điều kiện trở thành Trọng tài viên. Tuy nhiên, cũng cho phép các Trung tâm trọng tài thêm vào các tiêu chuẩn cao hơn so với tiêu chuẩn chung đối với Trọng tài viên của tổ chức mình. Chẳng hạn, trung tâm trọng tài có thể yêu cầu ứng viên phải có trình độ đại học từ hệ đào tạo chính quy tập trung.
Cách thức lựa chọn trọng tài viên
Lựa chọn trình độ chuyên môn của trọng tài liên quan đến lĩnh vực tranh chấp
Muốn giải quyết tranh chấp được tốt thì trước hết trọng tài viên là người phải có trình độ chuyên môn liên quan đến lĩnh vực tranh chấp.
Trình độ này của trọng tài viên không chỉ dừng lại ở mức bình thường mà phải ở mức chuyên gia và phải có uy tín cao về lĩnh vực đó. Thực tê, các trọng tài viên chủ yếu là nhà làm luật, có thể họ công tác tại các trường đại học đảm nhận chuyên môn về luật, các viện nghiên cứu pháp lý, hoặc các luật gia, luật sư, …
Vì vậy, các bên cần để tâm trình độ chuyên môn của trọng tài viên liên quan đến lĩnh vực tranh chấp, từ đó có thể lựa chọn trọng tài viên phù hợp.
Lựa chọn quốc tịch của trọng tài viên
Các bên có thể lựa chọn trọng tài viên là người có quốc tịch có mối liên hệ gắn bó với tranh chấp giữa các bên.
Ví dụ, tranh chấp giữa thương nhân A và thương nhân B có cùng quốc tịch Việt Nam, ngôn ngữ sử dụng khi giao dịch là tiếng Việt. Với trọng tài viên là người Việt các bên có thể nắm bắt, hiểu được tinh thần, xu hướng tư duy của trọng tài viên khi họ xét xử.
Ngoài các trọng tài viên có quốc tịch nói ở trên, các bên có thể chọn trọng tài viên có quốc tịch ở nơi mà các trọng tài viên giàu kinh nghiệm xử lý các tranh chấp tương tự. Ví dụ như: Pháp (nơi đặt trụ sở của Tòa trọng tài Phòng thương mại quốc tế – ICC), Singapore (nơi đặt trụ sở của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singaporre – SIAC).
Lựa chọn trọng tài viên có tính độc lập, khách quan, vô tư
Cần lựa chọn đến các trọng tài viên có tính độc lập, khách quan, vô tư. Đây được coi là nguyên tắc trung tâm của trọng tài viên
Sự độc lập của trọng tài viên được thể hiện ở việc trọng tài viên không có lợi ích trực tiếp hoặc liên quan trong vụ việc tranh chấp, không chịu sự chi phối của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nào khi giải quyết tranh chấp.
Sự khách quan của trọng tài viên được đảm bảo khi trọng tài viên thực hiện đúng vai trò của người thứ ba, phân xử đúng sai dựa trên chứng cứ, tài liệu, tình tiết của vụ việc và ra quyết định theo quy định của pháp luật.
Sự vô tư của trọng tài viên được thể hiện khi trọng tài viên không bày tỏ ý kiến chống lại một trong các bên tranh chấp hoặc kết quả xét xử.
Lựa chọn trọng tài viên đã từng xử lý các vụ việc tương tự
Lựa chọn trọng tài viên đã từng xử lý các vụ việc tương tự trong quá khứ mang lại nhiều lợi ích quan trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp cho các bên. Trọng tài viên đã từng xử lý các vụ việc tương tự sẽ có hiểu biết sâu về lĩnh vực tranh chấp cụ thể. Điều này giúp họ nắm vững các khía cạnh pháp lý và thực tế của vụ việc, giúp quá trình giải quyết tranh chấp diễn ra một cách chính xác, chuyên sâu, nhanh chóng và hiệu quả.
Tuy nhiên, cần lựa chọn trọng tài viên đã từng xử lý các vụ việc tương tự một cách cân nhắc và kỹ lưỡng, từ đó đảm bảo tính công bằng và không thiên vị giữa các bên tranh chấp.
Thực trạng trọng tài thương mại hiện nay tại Việt Nam
Hoạt động của trọng tài ở nước ta góp phần giải quyết tranh chấp thương mại được nhanh chóng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong tâm lý và nhận thức của doanh nghiệp, hệ thống tổ chức trọng tài thương mại còn thưa thớt và không phải trung tâm nào cũng hoạt động hiệu quả. Ở các trung tâm trọng tài hiện nay, có trung tâm chưa giải quyết vụ việc nào, dẫn đến việc nhiều trọng tài viên chưa đảm bảo đầy đủ các kỹ năng giải quyết tranh chấp.
Thêm vào đó, các quy định trong Luật Trọng tài thương mại 2010 đang bộc lộ một bất cập đối với thực tiễn đời sống hiện nay đòi hỏi phải hoàn thiện pháp luật nói trên. Việc khuyến khích phát triển phương thức giải quyết tranh chấp này là rất cần thiết góp phần vào cải thiện môi trường pháp lý nói chung, cải thiện chất lượng trọng tài viên ở Việt Nam nói riêng.
Quý khách hàng có bất vướng mắc về pháp luật trọng tài thương mại, pháp luật dân sự, giải quyết tranh chấp, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được chúng tôi hỗ trợ tốt nhất!