Căn cứ xác định quyền ưu tiên trong đăng ký nhãn hiệu
Quyền ưu tiên trong đăng ký nhãn hiệu là một khái niệm quan trọng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Quyền ưu tiên giúp tối ưu hóa quá trình đăng ký quốc tế nhãn hiệu và bảo vệ quyền lợi của chủ nhãn hiệu trước những đơn đăng ký của người khác. Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ trình bày những nội dung pháp lý liên quan đến căn cứ xác định quyền ưu tiên trong đăng ký nhãn hiệu theo pháp luật hiện hành.
Căn cứ pháp lý
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022.
Công ước Paris 1883 về bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp.
Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
Quyền ưu tiên trong đăng ký nhãn hiệu
Quyền ưu tiên trong đăng ký nhãn hiệu là quyền mà người nộp đơn được hưởng dựa trên đơn hợp lệ đầu tiên được nộp tại quốc gia là thành viên của Công ước Paris có quy định ưu tiên. Đơn đăng ký nhãn hiệu được hưởng quyền ưu tiên có ngày ưu tiên là ngày nộp đơn của đơn đầu tiên.
Có 2 nguyên tắc khi đăng ký nhãn hiệu mà các nước trên thế giới đang sử dụng là “first to file” – nộp đơn đầu tiên và nguyên tắc “first to use”- sử dụng đầu tiên.
Tại Việt Nam, nguyên tắc “first to file” được áp dụng, theo đó trường hợp có nhiều nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhau, đơn đăng ký nào được ghi nhận ngày nộp trước sẽ được quyền ưu tiên đăng ký trước. Trường hợp có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên hợp lệ, ngày nộp đơn lấy làm căn cứ xác định quyền ưu tiên đăng ký sẽ là ngày ghi trong yêu cầu hưởng quyền ưu tiên chứ không phải ngày nộp đơn đăng ký.
Ở một số nước như Mỹ áp dụng nguyên tắc “first to use” – ưu tiên người sử dụng nhãn hiệu trước, theo đó chủ nhãn hiệu được sử dụng trước trong thương mại (có bằng chứng chứng minh) sẽ được coi là có quyền “trước” đối với nhãn hiệu đó chứ không phải lấy ngày nộp đơn trước làm căn cứ. Đây là cơ sở đăng ký nhãn hiệu tại cơ quan có thẩm quyền khi đối chứng với nhãn hiệu tương tự khác.
Việc yêu cầu hưởng quyền ưu tiền dựa trên nguyên tắc “first to file”, giúp mở rộng nguyên tắc này ra ngoài lãnh thổ pháp lý nơi nhãn hiệu đầu tiên được bảo hộ.
Bất kỳ chủ thể nào muốn hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn nộp trước sẽ phải khai rõ ngày nộp và nước nhận đơn đó trong hồ sơ đăng ký nhãn hiệu. Các nước sẽ ấn định ngày muộn nhất phải khai các dữ liệu đó. Tại Việt Nam, tuân thủ theo cam kết trong Công ước Paris, đơn đăng ký nhãn hiệu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên phải nộp trong vòng 6 tháng kể từ ngày phát sinh quyền ưu tiên và tài liệu chứng minh có thể bổ sung trong vòng 3 tháng kể từ ngày nộp đơn.
Trong trường hợp có 2, 3 hay nhiều đơn đăng ký cũng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì những người nộp đơn sẽ cùng thỏa thuận với nhau để thống nhất chủ đơn nào được cấp văn bằng bảo hộ. Nếu các chủ đơn không thể đàm phán được, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ từ chối cấp văn bằng bảo hộ cho tất cả các đơn.
Ví dụ: Một doanh nghiệp B sản xuất và kinh doanh cafe đã nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu K của mình tại Malaysia vào ngày 5/1/2021. Do kế hoạch phát triển trong những năm tới, doanh nghiệp này muốn mở rộng mặt hàng của mình sang thị trường Việt Nam và ngày 17/5/2022, doanh nghiệp B đã gửi đơn yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, muốn được hưởnng quyền ưu tiên. Do vẫn trong thời hạn 6 tháng nên trong trường hợp hồ sơ của doanh nghiệp B đầy đủ, hợp lệ và đáp ứng các yêu cầu khác theo pháp luật Việt Nam thì doanh nghiệp B sẽ được hưởng quyền ưu tiên trong đăng ký nhãn hiệu. Ngày nộp đơn tại Việt Nam sẽ được tính từ ngày doanh nghiệp này nộp đơn ưu tiên tại Malaysia (ngày 5/1/2021).
Căn cứ xác định quyền ưu tiên trong đăng ký nhãn hiệu
Căn cứ theo Điều 91 Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 12 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, khi các chủ đơn đăng ký nhãn hiệu muốn hưởng quyền ưu tiên theo quy định của Công ước Paris, họ sẽ được hưởng quyền ưu tiên nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
Người nộp đơn là công dân Việt Nam hoặc công dân của nước thành viên Công ước Paris hoặc công dân của nước khác cư trú hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc tại nước thành viên Công ước Paris;
Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại nước thành viên của Công ước Paris và đơn đó có chứa phần tương ứng với yêu cầu hưởng quyền ưu tiên của đơn đăng ký nhãn hiệu;
Đơn đăng ký được nộp trong thời hạn 06 tháng đối với đơn đăng ký nhãn hiệu;
Trong đơn đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn có nêu rõ yêu cầu hưởng quyền ưu tiên và có nộp bản sao đơn đầu tiên trong trường hợp nộp tại nước ngoài, trong đó có xác nhận của Cơ quan nhận đơn đầu tiên. Bản sao đơn đầu tiên lấy làm minh chứng quyền ưu tiên có thể được nộp trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nộp đơn;
Người nộp đơn có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở nhiều đơn khác nhau được nộp sớm hơn với điều kiện phải chỉ ra nội dung tương ứng giữa các đơn nộp sớm hơn ứng với nội dung trong đơn;
Nộp đủ phí, lệ phí khi yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.
Một số trường hợp đặc biệt xác định ngày hưởng quyền ưu tiên tại Việt Nam
Đơn bị từ chối hình thức
Theo quy định tại Điều 109.5 Luật Sở hữu trí tuệ, đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối theo quy định của luật trong giai đoạn thẩm định hình thức bị coi là không được nộp, trừ trường hợp đơn được dùng làm căn cứ để yêu cầu hưởng quyền ưu tiên. Như vậy, trường hợp đơn đăng ký bị từ chối sau khi thẩm định hình thức, người nộp đơn vẫn có thể sử dụng ngày nộp đơn đó làm căn cứ xác định quyền ưu tiên khi đăng ký nhãn hiệu tương tự tiếp theo hoặc đăng ký lại nhãn hiệu ở Việt Nam hoặc quốc gia khác.
Đơn đăng ký nhãn hiệu bị rút
Theo Điều 116.3 Luật Sở hữu trí tuệ, mọi đơn đăng ký nhãn hiệu đã rút hoặc bị coi là đã rút nếu chưa công bố và mọi đơn đăng ký nhãn hiệu đã rút đều được coi là chưa từng được nộp, trừ trường hợp đơn được dùng làm căn cứ để yêu cầu hưởng quyền ưu tiên. Như vậy, ngày nộp đơn đối với đơn bị rút sau đó vẫn được coi là căn cứ xác định ngày hưởng quyền ưu tiên đối với đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tự nộp sau đó.
Yêu cầu về hình thức tài liệu chứng minh quyền ưu tiên
Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên đối với đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam bao gồm:
Bản sao đơn hoặc các đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên.
Giấy chuyển nhượng quyền ưu tiên nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác
Theo Điều 100.2 Luật Sở hữu trí tuệ yêu cầu, đơn đăng ký nhãn hiệu và giấy tờ giao dịch giữa người nộp đơn và cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phải được làm bằng tiếng Việt, đối với tài liệu chứng minh quyền ưu tiên có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp yêu cầu.
Ưu điểm khi áp dụng quyền ưu tiên trong đăng ký nhãn hiệu
Áp dụng quyền ưu tiên trong đăng ký nhãn hiệu mang lại nhiều ưu điểm cho người nộp đơn, đặc biệt là trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến chuyển về mặt công nghệ như hiện nay. Dưới đây là một số ưu điểm chính của việc sử dụng quyền ưu tiên:
Quyền ưu tiên giúp người nộp đơn tiết kiệm thời gian quan trọng. Thay vì phải chờ đợi xác nhận đăng ký tại mỗi quốc gia, người nộp đơn có thể sử dụng ngày nộp đơn ban đầu để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp của mình.
Quyền ưu tiên cho phép doanh nghiệp mở rộng bảo hộ nhãn hiệu từ một quốc gia thành viên đến nhiều quốc gia khác nhau dựa trên nguyên tắc nộp đơn đầu tiên được áp dụng tại nhiều các lãnh thổ khác nhau.
Những ưu điểm này cùng nhau tạo nên một quy trình đăng ký nhãn hiệu hiệu quả và linh hoạt, giúp người nộp đơn tận dụng cơ hội thị trường quốc tế một cách thuận lợi.
Hạn chế khi khi áp dụng quyền ưu tiên trong đăng ký nhãn hiệu
Mặc dù việc áp dụng quyền ưu tiên trong đăng ký nhãn hiệu mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng tồn tại một số hạn chế cần xem xét:
Quyền ưu tiên chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định (6 tháng hoặc 12 tháng với đơn đăng ký giống cây trồng). Nếu người nộp đơn không nộp đơn đăng ký ở các quốc gia khác trong khoảng thời gian này, quyền ưu tiên sẽ mất đi.
Để yêu cầu hưởng quyền ưu tiên, người nộp đơn phải nộp kèm theo lệ phí thẩm định quyền ưu tiên theo quy định. Tại Việt Nam, lệ phí này là 600.000 đồng cho mỗi đơn/ 1 yêu cầu.
Quyền ưu tiên không đảm bảo chắc chắn rằng đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ được chấp nhận tại mọi quốc gia. Nhãn hiệu vẫn có thể bị từ chối bảo hộ nếu không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại quốc gia đăng ký.
Quản lý quyền ưu tiên và theo dõi các thời hạn đòi hỏi sự chú ý và quản lý cẩn thận từ phía người nộp đơn. Nếu bỏ lỡ thời hạn luật định, họ có thể mất quyền hưởng quyền ưu tiên đó.
Nói tóm lại, việc áp dụng quyền ưu tiên đòi hỏi sự hiểu biết kỹ thuật và theo dõi sát sao đặc biệt từ phía người nộp đơn để tận dụng những lợi ích mà nó mang lại và đồng thời giảm thiểu những hạn chế có thể xảy ra.
Dịch vụ đăng ký nhãn hiệu của Đại diện Sở hữu công nghiệp – Công ty luật Việt An
Tư vấn điều kiện, thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam và quốc tế;
Hỗ trợ khách hàng soạn thảo hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam và quốc tế;
Tư vấn các căn cứ xác định quyền ưu tiên trong đăng ký nhãn hiệu để khách hàng chuẩn bị tài liệu liên quan khi nộp đơn;
Đại diện khách hàng nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ;
Theo dõi tiến trình xử lý đơn và phối hợp với khách hàng phản hồi Cục Sở hữu trí tuệ khi có yêu cầu;
Nhận và gửi Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho khách hàng.
Trên đây là một số nội dung tư vấn của Luật Việt An liên quan đến căn cứ xác định quyền ưu tiên trong đăng ký nhãn hiệu. Quý khách hàng có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu, yêu cầu hưởng quyền ưu tiên khi đăng ký nhãn hiệu, vui lòng liên hệ đến Đại diện Sở hữu công nghiệp – Luật Việt An để được hỗ trợ kịp thời nhất.