Cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm

Cơ sở sản xuất thực phẩm bắt buộc phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, sản xuất. Bài viết dưới đây, Luật Việt An giải đáp thắc mắc của Quý khách hàng về cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm.

Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm

Cơ sở pháp lý

  • Luật An toàn thực phẩm năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2018;
  • Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 155/2018/NĐ-CP và Nghị định 85/2019/NĐ-CP;
  • Nghị định số 77/2016/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2020/NĐ-CP;

Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là gì?

An toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người. Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là loại giấy tờ xác nhận được cấp bởi các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhằm chứng minh tính an toàn, đảm bảo vệ sinh của sản phẩm thông qua quá trình qua kiểm tra nghiêm ngặt và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những giấy tờ quan trọng nhất mà công ty hoặc doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần phải có để chứng minh cho khách hàng về chất lượng và an toàn của sản phẩm thực phẩm mình cung cấp.

Khái niệm cơ sở sản xuất thực phẩm

Theo quy định tại Khoản 14 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010, sản xuất thực phẩm là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản để tạo ra thực phẩm. Tổ chức kinh doanh ngành này có thể là doanh nghiệp, hộ gia đình, hộ kinh doanh, bếp ăn tập thể hoặc các cơ sở sản xuất thực phẩm khác.

Điều kiện cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm

Theo Khoản 1 Điều 34 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định để được cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở sản xuất thực phẩm phải đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Chương IV của Luật An toàn thực phẩm 2010 và có đăng ký ngành, nghề sản xuất thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Căn cứ Điều 26 Nghị định số 77/2016/NĐ-CP được sửa đổi và bổ sung bởi Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 17/2020/NĐ-CP quy định điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm như sau:

Về địa điểm, môi trường:

  • Có đủ diện tích để bố trí khu vực sản xuất thực phẩm, các khu vực phụ trợ và thuận tiện cho hoạt động sản xuất, bảo quản và vận chuyển thực phẩm;
  • Khu vực sản xuất, bảo quản thực phẩm không bị ngập nước, đọng nước;
  • Không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng, vi sinh vật gây hại;
  • Không bị ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm từ các khu vực ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại và các nguồn gây ô nhiễm khác.

Về thiết kế, bố trí nhà xưởng:

  • Nhà xưởng sản xuất và các khu vực phụ trợ phải đủ diện tích để bố trí trang thiết bị của dây chuyền sản xuất thực phẩm và phù hợp với công năng thiết kế của cơ sở;
  • Quy trình sản xuất thực phẩm phải được bố trí theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng;
  • Khu vực kho nguyên liệu, kho thành phẩm; khu vực sơ chế, chế biến, đóng gói thực phẩm; khu vực vệ sinh; khu thay đồ bảo hộ và các khu vực phụ trợ liên quan phải được thiết kế tách biệt. Nguyên liệu, thành phẩm thực phẩm, vật liệu bao gồm thực phẩm, phế thải phải được để riêng biệt. Đối với cơ sở sản xuất, sản phẩm bảo quản trong kho thành phẩm phải được sắp xếp riêng biệt theo lô và có bảng ghi các thông tin về: Tên sản phẩm, lô hàng, ngày sản xuất, ca sản xuất.”
  • Đường nội bộ phải được xây dựng bảo đảm vệ sinh; cống rãnh thoát nước thải phải được che kín, bảo đảm vệ sinh;
  • Nơi tập kết, xử lý chất thải phải ở ngoài khu vực nhà xưởng sản xuất thực phẩm và có đủ dụng cụ thu gom chất thải, rác thải. Dụng cụ thu gom chất thải, rác thải phải bảo đảm kín, có nắp đậy và được vệ sinh thường xuyên.”

Về kết cấu nhà xưởng

  • Nhà xưởng phải có kết cấu vững chắc, phù hợp với tính chất, quy mô và quy trình công nghệ sản xuất thực phẩm;
  • Vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phải bảo đảm tạo ra bề mặt nhẵn, không thấm nước, không thôi nhiễm chất độc hại ra thực phẩm, không bị bào mòn bởi các chất tẩy rửa, tẩy trùng và dễ lau chùi, khử trùng;
  • Tường nhà và trần nhà phẳng, không bị thấm nước, không bị rạn nứt, không bị dính bám các chất bẩn và dễ làm vệ sinh;
  • Nền nhà phẳng, nhẵn, không gây trơn trượt, thoát nước tốt, không thấm, đọng nước;
  • Cửa ra vào và cửa sổ bảo đảm ngăn ngừa được côn trùng, vật nuôi xâm nhập.”
  • Cầu thang, bậc thềm và các kệ không trơn, dễ làm vệ sinh và bố trí ở vị trí thích hợp với quy trình sản xuất.

Về hệ thống thông gió

  • Bảo đảm thông gió cho các khu vực của cơ sở và phù hợp với yêu cầu loại hình sản xuất thực phẩm; dễ bảo dưỡng và làm vệ sinh;
  • Hướng gió của hệ thống thông gió phải bảo đảm không được thổi từ khu vực có nguy cơ ô nhiễm sang khu vực có yêu cầu sạch.

Về hệ thống chiếu sáng

  • Bảo đảm theo quy định để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm;
  • Bóng đèn chiếu sáng phải được che chắn an toàn bằng hộp, lưới để tránh bị vỡ và bảo đảm mảnh vỡ không rơi vào thực phẩm.

Về hệ thống cung cấp nước

  • Bảo đảm đủ nước sạch để sản xuất thực phẩm và phù hợp với quy định về chất lượng nước ăn uống;
  • Bảo đảm đủ nước sạch để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ và vệ sinh cơ sở và phù hợp với quy định về chất lượng nước sinh hoạt;
  • Các nguồn nước do cơ sở khai thác, xử lý và sử dụng phải được kiểm tra và bảo đảm phù hợp với quy định về chất lượng, vệ sinh ít nhất 6 tháng/lần.

Về hơi nước và khí nén

  • Hơi nước, khí nén sử dụng cho sản xuất thực phẩm phải bảo đảm sạch, an toàn, không gây ô nhiễm cho thực phẩm;
  • Nước dùng để sản xuất hơi nước, làm lạnh, phòng cháy, chữa cháy hay sử dụng cho mục đích khác phải có đường ống riêng, màu riêng để dễ phân biệt và không được nối với hệ thống nước sử dụng cho sản xuất thực phẩm.

Hệ thống xử lý chất thải, rác thải

  • Có đủ dụng cụ thu gom chất thải, rác thải; dụng cụ được làm bằng vật liệu chắc chắn, bảo đảm kín, có nắp đậy, có khóa (nếu cần thiết). Dụng cụ chứa đựng chất thải nguy hiểm phải được thiết kế đặc biệt, dễ phân biệt, khi cần có thể khóa để tránh ô nhiễm;
  • Hệ thống xử lý chất thải phải được vận hành thường xuyên và chất thải được xử lý đạt các tiêu chuẩn theo quy định về vệ sinh môi trường.

Nhà vệ sinh, khu vực thay đồ bảo hộ lao động

  • Nhà vệ sinh phải được bố trí riêng biệt với khu vực sản xuất thực phẩm; cửa nhà vệ sinh không được mở thông vào khu vực sản xuất; bảo đảm gió không được thổi từ nhà vệ sinh sang khu vực sản xuất; có bảng chỉ dẫn “Rửa tay sau khi đi vệ sinh” ở vị trí dễ nhìn, dễ thấy tại khu vực vệ sinh;
  • Thông gió của nhà vệ sinh không được hướng sang khu vực sản xuất;
  • Có phòng thay trang phục bảo hộ lao động.

Nguyên liệu thực phẩm và bao bì thực phẩm:

  • Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản sử dụng trong sản xuất thực phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn theo quy định;
  • Bao bì thực phẩm phải bảo đảm, an toàn; không thôi nhiễm và bị ô nhiễm gây ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn thực phẩm.

Ngoài ra còn cần đáp ứng một số điều kiện về:

  • Khu vực sản xuất, chế biến, bao gói, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh thực phẩm phải vệ sinh sạch sẽ.
  • Có khu vực lưu mẫu riêng, hồ sơ lưu mẫu và bảo đảm thực hiện chế độ lưu, hủy mẫu theo yêu cầu bảo quản của từng loại mẫu.
  • Có khu vực riêng để lưu giữ tạm thời các sản phẩm không đạt chất lượng trọng quá trình chờ xử lý.”

Thủ tục cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm

Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Căn cứ theo Điều 12 Nghị định 17/2020/NĐ-CP thì hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 01a Mục I quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 17/2020/NĐ-CP;
  • Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư có ngành nghề sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
  • Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo Mẫu số 02a (đối với cơ sở sản xuất), Mẫu số 02b (đối với cơ sở kinh doanh) hoặc cả 2 mẫu trên (đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh) Mục I tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 17/2020/NĐ-CP;
  • Danh sách tổng hợp đủ sức khỏe do chủ cơ sở xác nhận hoặc giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;
  • Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm có xác nhận của chủ cơ sở.

Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Căn cứ vào sản phẩm/dịch vụ về thực phẩm thực tế của doanh nghiệp mà đơn vị cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cũng khác nhau. Hiện nay, theo quy định tại Phụ lục của Nghị định 15/2018/NĐ-CP, các cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp giấy phép này bao gồm:

Bộ Y tế

Bộ Y tế cấp phép đối với các cơ sở chế biến thức ăn, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống, sản xuất các sản phẩm/ nhóm sản phẩm sau: phụ gia, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, đá thực phẩm (nước đá dùng liền và nước đá dùng để chế biến thực phẩm); thực phẩm chức năng; các vi chất bổ sung vào thực phẩm;…

Các cơ quan được trao quyền được quy định cụ thể tại Thông tư 48/2015/TT-BYT là Cục An toàn Thực phẩm và Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cấp phép đối với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản như: ngũ cốc; thịt; rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả; Sữa tươi nguyên liệu;…

Bộ Công thương

Bộ Công thương thực hiện cấp phép đối với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, bánh, mứt, kẹo,… Bên cạnh đó, Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng được trao quyền đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Thông tư 43/2018/TT-BCT.

Trình tự cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm

Bước 1: Nộp hồ sơ

Chuẩn bị hồ sơ và gửi hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm tới cơ quan có thẩm quyền.

Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ

  • Cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Trong thời gian 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan y tế có trách nhiệm tổ chức kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.
  • Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản thông báo và yêu cầu cơ sở bổ sung hồ sơ. Quá 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ ngày gửi thông báo yêu cầu bổ sung hồ sơ mà cơ sở không có phản hồi, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận có quyền hủy hồ sơ.

Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền xử lý hồ sơ

  • Cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra hiện trường để đánh giá môi trường sản xuất, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm tra hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định thực tế tại cơ sở

Bước 4: Cấp giấy chứng nhận

Sau khi hoàn tất các bước kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý thủ tục và ký giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm nếu hồ sơ đầy đủ và đáp ứng yêu cầu.

Bước 5: Sau khi hoàn thành quy trình cấp giấy chứng nhận, cơ quan quản lý sẽ tiến hành xem xét và đánh giá hồ sơ.

  • Cơ quan quản lý sẽ thực hiện việc kiểm tra bổ sung hoặc yêu cầu cung cấp thêm thông tin hoặc tài liệu trong trường hợp cần thiết. Đồng thời, họ cũng có thể tổ chức một cuộc kiểm tra tại cơ sở chế biến thực phẩm để đảm bảo rằng hoạt động chế biến tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn.
  • Nếu hồ sơ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về vệ sinh và an toàn thực phẩm, và sau khi quy trình thanh tra, kiểm tra hoàn tất, cơ quan quản lý sẽ cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi cấp giấy phép, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra thêm một lần nữa. Nếu cơ sở vi phạm quy định về sản xuất sẽ bị thu hồi giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm đã được cấp.

Thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Điều 37 Luật An toàn thực phẩm quy định thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận cơ sở sản xuất thực phẩm đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm như sau:

  • Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có hiệu lực trong thời gian 03 năm.
  • Trước 06 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Luật An toàn thực phẩm.

Quý khách hàng vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được tư vấn chi tiết những thủ tục thành lập doanh nghiệp, giấy phép!

Mục lục

Bài viết liên quan

Mục lục
Ẩn

    Tư vấn giấy phép

    Tư vấn giấy phép

    Văn bản pháp luật

    Văn bản pháp luật

    Tư vấn pháp luật

    Tư vấn luật

    LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT VIỆT AN

    Tư vấn doanh nghiệp: 09 79 05 77 68
    Tư vấn doanh nghiệp
    Tư vấn sở hữu trí tuệ: 0976 18 66 08
    Tư vấn sở hữu trí tuệ
    Tư vấn đầu tư: 09 13 380 750
    Tư vấn đầu tư

    TỔNG ĐÀI PHÍA BẮC

    Hotline: 09 61 37 18 18
    (Whatsapp, Zalo, Viber) hanoi@vietanlaw.vn Skype IconSkype Chat
    Liên hệ qua Zalo
    Liên hệ qua Zalo
    Liên hệ Zalo 0961371818
    Tư vấn kế toán - thuế: 09 888 567 08
    Dịch vụ kế toán thuế
    Tư vấn giấy phép: 0966 83 66 08
    Tư vấn giấy phép
    Tư vấn hợp đồng: 0913 380 750
    Tư vấn hợp đồng

    TỔNG ĐÀI PHÍA NAM

    Hotline: 09 61 57 18 18
    (Whatsapp, Zalo, Viber) hcm@vietanlaw.vn Skype IconSkype Chat
    Liên hệ qua Zalo
    Liên hệ qua Zalo
    Liên hệ Zalo 0961571818
    Liên hệ tư vấn
    Cảnh báo lừa đảo
    CẢNH BÁO MẠO DANH CÔNG TY LUẬT VIỆT AN LỪA ĐẢO