Cấp lại Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức
Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng là văn bản quan trọng đối với các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Trong thực tế sử dụng chứng chỉ này, nhiều khách hàng gặp khó khăn về chuẩn bị hồ sơ, thực hiện các thủ tục cấp lại chứng chỉ. Để giải đáp thắc mắc của quý khách hàng, Luật Việt An đưa ra bài viết cấp lại chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức sau đây.
Căn cứ pháp lý
Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020;
Luật Phí và lệ phí năm 2015;
Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, sửa đổi bổ sung bởi nghị định 35/2023/NĐ-CP.
Thông tư 38/2022/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép hoạt động xây dựng, lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 44/2023/TT-BTC.
Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng là gì?
Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng được hiểu là bản đánh giá năng lực thu gọn của Bộ Xây dựng, Sở xây dựng đối với các đơn vị, tổ chức tham gia hoạt động xây dựng.
Phân biệt gia hạn và cấp lại Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức
Tiêu chí
Gia hạn Chứng chỉ năng lực
Cấp lại chứng chỉ năng lực
Khái niệm
Gia hạn là việc kéo dài thêm một khoảng thời gian được xác định là thời hạn đã đến thời điểm kết thúc trong các giao lưu dân sự hoặc trong các quan hệ pháp lý khác. Việc gia hạn chỉ có ý nghĩa là kéo dài thêm về mặt thời gian có hiệu lực pháp lý để các chủ thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Cấp lại khi chứng chỉ năng lực cũ còn thời hạn hiệu lực nhưng bị mất, hư hỏng hoặc bị ghi sai thông tin.
Các trường hợp
Chứng chỉ năng lực có hiệu lực 10 năm khi cấp lần đầu hoặc cấp điều chỉnh hạng chứng chỉ hoặc gia hạn chứng chỉ.
Khi chứng chỉ hết hạn, chủ sở hữu phải thực hiện gia hạn.
Bị mất: Chứng chỉ bị thất lạc trong quá trình sử dụng, lưu trữ; không còn thấy Chứng chỉ; do thiên tai, hoả hoạn, sự cố khách quan mà chứng chỉ bị huỷ, không còn tồn tại nữa.
Hư hỏng: Chứng chỉ bị rách, nát, mất góc; các thông tin trên Chứng chỉ không còn nhìn rõ được.
Hoặc ghi sai thông tin: các thông tin trên Chứng chỉ bị ghi sai lệch so với thực tế.
Thời điểm thực hiện
Tổ chức đề nghị gia hạn chứng chỉ năng lực trong thời hạn 06 tháng tính tới thời điểm chứng chỉ năng lực hết hiệu lực.
Ngay khi Chứng chỉ rơi vào một trong các trường hợp nêu trên.
Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức được quy định rõ về cả nội dung lẫn hình thức, điều này nhằm đáp ứng việc quản lý lĩnh vực này của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, có thể thấy, việc cấp lại Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức xuất phát từ việc thông tin trên Chứng chỉ năng lực không đảm bảo, hình thức Chứng chỉ bị sai lệch, không còn nguyên vẹn, không phù hợp với quy định của pháp luật. Trong khi đó, việc gia hạn Chứng chỉ năng lực nhằm kéo dài hiệu lực của Chứng chỉ này khi nó hết thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức
Hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ năng lực hoạt động được quy định đơn giản hơn hồ sơ đề nghị cấp mới chứng chỉ này.
Hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng gồm các giấy tờ tài liệu cần thiết theo quy định của pháp luật. Pháp luật quy định, hồ sơ đề nghị gia hạn, chứng chỉ năng lực bao gồm:
STT
Tên tài liệu
Mẫu biểu
Lưu ý
1
Đơn đề nghị cấp chứng chỉ năng lực
Mẫu số 04 Phụ lục IV Nghị định 15/2021/NĐ-CP
Thông tin của đơn đề nghị bao gồm:
1. Thông tin của tổ chức: tên tổ chức, đại chỉ trụ sở chính, số điện thoại, số fax, E-mail, website;
2. Thông tin của người đại diện theo pháp luật của tổ chức: Họ tên, chức vụ;
3. Mã số doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh;
4. Mã số chứng chỉ năng lực, lĩnh vực hoạt động;
5. Danh sách cá nhân chủ nhiệm, chủ trì, cá nhân có yêu cầu về chứng chỉ hành nghề và cá nhân tham gia, công nhân kỹ thuật (nếu có) có liên quan của tổ chức;
6. Kinh nghiệm hoạt động xây dựng liên quan đến lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ;
7. Kê khai máy móc, thiết bị (đối với tổ chức thi công xây dựng, tổ chức khảo sát xây dựng);
8. Đề nghị cấp lại chứng chỉ năng lực;
9. Cam kết tính chính xác của thông tin ghi trong đơn.
2
Bản gốc Chứng chỉ năng lực được cấp
Trong trường hợp Chứng chỉ năng lực ghi sai thông tin;
3
Cam kết của tổ chức đề nghị cấp lại.
Đối với trường hợp bị hư hỏng, mất chứng chỉ năng lực
Thủ tục cấp lại chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức
Thủ tục cấp lại chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng là cách thức thực hiện các bước theo một trình tự nhất định để tổ chức được cấp lại chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng.
Theo quy định của pháp luật, thủ tục cấp lại chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức bao gồm các bước cụ thể như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ đề nghị gia hạn.
Tổ chức nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ năng lực theo quy định tại Điều 87 Nghị định 15/2021/NĐ-CP bằng một trong cách phương thức sau:
Qua mạng trực tuyến;
Qua đường bưu điện;
Nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ năng lực;
Bước 2: Xử lý hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ năng lực.
Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét cấp chứng chỉ năng trong thời hạn 10 ngày.
Trường hợp hồ sơ không đầy đủ hoặc không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ năng lực phải thông báo một lần bằng văn bản tới tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ năng lực.
Bước 3: Cấp lại chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng.
Lệ phí cấp lại chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức
Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.
Căn cứ Thông tư 44/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2023 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023, lệ phí cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 38/2022/TT-BTC.
Điều 1 Khoản 4 Thông tư số 38/2022/BTC quy định, mức thu lệ phí cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức là 1.000.000 (một triệu) đồng/Chứng chỉ; mức thu lệ phí cấp lại chứng chỉ bằng 50% mức thu lệ phí cấp mới Chứng chỉ này, tức là bằng 1.000.000 x 50% = 500.000 ( năm trăm nghìn) đồng/chứng chỉ.
Như vậy, từ hai căn cứ trên, mức thu lệ phí cấp lại Chứng chỉ áp dụng từ ngày 01 tháng 07 năm 2023 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023 là 500.000 x 50%= 250.000 (hai trăm năm mươi nghìn) đồng/chứng chỉ.
Lưu ý: lệ phí cấp lại Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức thu bằng đồng Việt Nam.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về cấp lại Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.